Đạo diễn Thiện Đỗ: Phim là việc phải làm trong đời

10/10/2013 08:05 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Giữa một loạt dự án phim được sản xuất trong năm, Tiền chùa có vẻ không có gì nổi bật. Ngoài tên nhà phát hành Megastar thì 2 cái tên quan trọng nhất là đạo diễn và đơn vị sản xuất đều gần như vô danh trong làng phim Việt. Bất luận thế nào, ngày 18/10 tới đây, Tiền chùa sẽ ra rạp, đóng góp thêm vào thị trường điện ảnh Việt một bộ phim hài mà theo đạo diễn của phim, Thiện Đỗ, đó sẽ là một “phim hài tử tế”.

Là cái tên lạ với công chúng nhưng Thiện Đỗ không lạ với giới làm quảng cáo, mỹ thuật trong nước. Định cư tại Mỹ từ sau năm 1975, từ đầu những năm 2000, Thiện Đỗ về nướclàm việc trong ngành quảng cáo tới 9 năm và từng có một triển lãm tranh collage. Làm bộ phim đầu tay khi đã ở tuổi 50, Thiện Đỗ vẫn không vội, bằng chứng là anh đã chờ cho đến khi phim được hội đồng duyệt thông qua mới bắt đầu chiến dịch truyền thông cho phim, rất khác cách làm thông thường.

50 tuổi bắt đầu vẫn chưa muộn

* Được biết anh đã từng có phim ngắn đi dự một số LHP ở châu Âu từ mười mấy năm trước. Tại sao anh không khởi nghiệp làm phim từ hồi đó mà phải đợi đến tận bây giờ?

- Tôi thích điện ảnh từ nhỏ. Có thể tưởng tượng sự yêu thích của tôi với điện ảnh giống như những đứa trẻ trong bộ phim Cinema Paradiso. Tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, nhà ở cạnh rạp Hòa Bình. Hình ảnh cuối tuần ba mẹ dắt con cái đến rạp xem phim là hình ảnh rất hạnh phúc. Sang Mỹ, tôi học thiết kế đồ họa rồi đi làm họa sĩ trình bày báo, làm quảng cáo. Công việc bận rộn, tôi có lúc đã quên đi niềm yêu thích của mình. Rồi một ngày, tự nhiên tôi thấy hết hứng thú với công việc mình đang làm, muốn thay đổi, tôi quyết tâm dành tiền để học làm phim.

* Việc đó diễn ra thế nào?

- Ngay lúc đó tôi tình cờ làm việc với một người gốc Hoa, ông ấy đang chuẩn bị về Việt Nam quay phim, tôi có giúp ông ấy về kịch bản. Ông thấy tôi muốn học thì khuyên tôi nên làm một bộ phim ngắn, như thế sẽ học được nhiều hơn là đi học ở trường. Tôi viết kịch bản Theo hướng đèn mà đi, tự học qua sách vở tài liệu, tự làm từ A đến Z, từ kịch bản, quay, dựng, làm nhạc… Làm xong bộ phim là lúc tôi khánh kiệt, phải bán cả chiếc ô tô đang chạy.


Đạo diễn Thiên Đổ (đeo kính) trên phim trường Tiền chùa

* Đổi lại, anh đã được những gì?

- Về mặt lý trí thì rất trừu tượng. Nó chẳng mang lại cho tôi cái gì mà còn khiến mình nghèo hơn. Nhưng về tinh thần thì rất tốt. Tôi đã làm được một việc khó, tôi tự tin hơn khi thấy mình đã lâm vào hoàn cảnh khổ sở mà vượt qua được.

* Thời điểm này có ý nghĩa thế nào với việc anh quyết định làm phim để bước vào thị trường Việt Nam?

- Đây là thời điểm thích hợp với tôi. Tôi đã lăn lộn đủ trong ngành quảng cáo, đã có một số vốn để có thể gạt bỏ những việc khác tập trung vào làm phim, công việc mà tôi nhất định phải làm trong đời.

* Có nghe nói anh sẽ tiếp tục các dự án ngay sau Tiền chùa, anh có tự tin sau khi đã chứng kiến những cú ngã của các loại bom tấn Việt như Đường đua, Lửa Phật vừa rồi? Anh có nghiên cứu thị trường phim Việt không?

- Phim này sẽ là tiền đề cho những phim sau, nhưng có muốn lo cũng không lo được. Tôi chỉ biết làm tốt nhất trong khả năng có thể của mình thôi.

Để nghiên cứu một cách chính thức về thị trường điện ảnh thì tôi chưa từng làm mà chỉ xem xét. Mà thật ra, nếu trước khi làm mà nghiên cứu đầy đủ thì chắc chẳng ai dám làm phim vì nó quá rủi ro. Nếu có mấy tỷ mà muốn kiếm lời thì không dại gì làm phim, nên đi gửi tiền vào ngân hàng. (Cười). Nghiêm túc mà nói thì chẳng có công thức nào cho sự thành công cả, vì Mỹ cũng đầy phim bom tấn mà lỗ.


Tiền chùa chậm PR vì “bài học” Bụi đời Chợ Lớn

* Rất ngạc nhiên là trong thời buổi phim vừa có ý tưởng, người ta đã phải liên tục tung ra các thông tin để gây sự chú ý, vậy mà phim của anh đến giờ mới được tiết lộ. Điều gì khiến một người làm việc lâu năm trong ngành quảng cáo như anh hành động như vậy?

- Phải nói thật là Tiền chùa có ngân sách dành cho PR rất eo hẹp. Vì vậy chúng tôi tập trung cho việc này chỉ trước thời điểm phát hành phim khoảng một tháng thôi.

Nghiêm túc mà nói thì chẳng có công thức nào cho sự thành công cả, vì Mỹ cũng đầy phim bom tấn mà lỗ- Đạo diễn Thiện Đỗ

* Có nhiều cách để đưa thông tin nhưng không tốn tiền, chẳng hạn như sử dụng mạng xã hội. Nhưng nghe nói anh không cho bất cứ ai trong đoàn phim tung hình ảnh hay thông tin gì lên facebook cả. Lý do là gì vậy?

- Vì phim chưa có giấy phép nên tôi chưa lập Fanpage trên Facebook. Còn với các diễn viên, tôi chỉ lưu ý họ đừng đưa những hình ảnh tiết lộ các chi tiết quan trọng trong phim thôi. Tôi ngại trường hợp như Bụi đời Chợ Lớn, thông tin dồn dập nhưng rồi phim đã không được cấp phép, khi rơi vào trường hợp đó, rất nhiều khi việc tung thông tin trên mạng xã hội lại có tác dụng ngược. Tôi cứ làm việc đúng luật thôi.

* Anh đã sống và làm việc ở Mỹ nhiều năm, chứng kiến sự việc của Bụi đời Chợ Lớn anh thấy điều gì ở việc kiểm duyệt phim tại Việt Nam, sự kiểm duyệt ấy có ảnh hưởng đến anh với bộ phim Tiền chùa?

- Tôi nghĩ rằng mình sống ở đâu thì phải theo luật ở đó. Ở Mỹ cũng kiểm duyệt không hề dễ chịu gì nhưng là ở những vấn đề khác mà nói ra thì rất dài dòng. Và nói chung, đã chơi thì phải theo luật, còn không muốn thì không nên làm. Nếu mình không làm đúng luật thì rất có thể sẽ kéo theo những việc khác.

* Vậy với một người làm quảng cáo, cách PR nào là tốt nhất cho phim?

- Trong ngành phim ảnh cũng như quảng cáo không có một công thức nào thành công tuyệt đối. Thành bại có khi do mình nhưng cũng nhiều khi phụ thuộc vào sự may mắn. Tôi chọn cách trình bày cho khán giả biết phim của mình được đầu tư tử tế, là một phim hài để người xem cảm thấy mình tôn trọng trí thông minh, sự suy nghĩ của họ, để họ không phí tiền mua vé. Đương nhiên là sẽ có người thích, người không thích, thậm chí có người ghét thậm tệ nhưng cái mình điều khiển được là họ ý thức được rằng phim tôi làm tử tế, được đầu tư nghiêm túc từ tài chính, nhân sự, đến phục trang, âm nhạc…

* Đã không ít đạo diễn trước khi ra mắt phim nói về sự “tử tế” nhưng khi phim của họ ra mắt, khán giả lại không thấy được điều đó nên từ “tử tế” bây giờ lại là từ gây lo ngại. Anh có ngại nói trước bước không qua không?

- Tôi không biết nên dùng từ nào thì phù hợp, tôi chỉ biết nói như thế về những gì chúng tôi đã làm với Tiền chùa. Sự tử tế trong cách làm của tôi đã thu hút được sự quan tâm của bạn bè tôi để họ sẵn sàng xắn tay vào làm cùng mà không đòi hỏi quyền lợi. Tôi nghĩ như vậy là từ tử tế được dùng đúng như nghĩa vốn có của nó.

* Phim hài cũng là thể loại phim khiến không ít khán giả thấy ngán ngẩm vì gần như đã bội thực với các kiểu hài trong phim Việt, để giới thiệu về cái hài của Tiền chùa, anh sẽ nói gì cho “khác kiểu”?

- Tôi chọn cách kể chuyện như Vũ Trọng Phụng, nghĩa là khán giả muốn xem một cách qua loa để cười cũng được mà muốn xem để suy ngẫm sâu sắc hơn cũng được.

* Cảm ơn anh.



Thiện Đỗ tốt nghiệp Đại học San José ngành thiết kế đồ họa. Từng làm phim ngắn Theo ánh đèn mà đi (The Fading Light), được chọn chiếu trong sự kiện New Voices From Vietnam 2012 (Những tiếng nói mới từ Việt Nam), được giải thưởng tại LHP ngắn quốc tế Sapporo (Nhật Bản) và LHP quốc tế Việt Nam 2010; đã làm phim truyền hình Mảnh ghép cuộc đời.Tiền chùa là phim chiếu rạp đầu tay của vị đạo diễn sinh năm 1963 này.


Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm