Đạo diễn Quentin Tarantino: Bào chữa cho "bạo lực điện ảnh"

06/01/2013 15:09 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - “20 năm qua, người ta luôn hỏi tôi về ảnh hưởng của bạo lực trong phim ảnh lên đời thực. Câu trả lời của tôi vẫn như 20 năm về trước, không thay đổi dù chỉ một chút. Tôi nghĩ hai thứ không liên quan đến nhau”, tuyên bố của đạo diễn kỳ cựu.

Bạo lực đã trở thành phông nền hoặc đề tài quen thuộc trong các tác phẩm điện ảnh của vị đạo diễn nổi tiếng “tài năng và lập dị” này từ những năm 1990 đến nay. Tarantino khởi đầu sự nghiệp với Reservoir Dogs (1992) và các phim mới như Inglourious Basterds (2009) hay Django Unchained (2012), đều với cách thể hiện đậm chất bạo lực.



Đạo diễn Quentin Tarantino cho rằng sẽ là xúc phạm các nạn nhân ở Sandy Hook nếu đánh đồng phim ảnh với vụ việc trong đời thực. Ảnh: AP
Đó là đặc điểm khiến Tarantino ghi dấu ấn. Và ông chưa hề xin lỗi dù khi xảy ra những vụ thảm sát trong đời thực người ta cho rằng đó là hậu quả của phim ảnh. Lý do chính là ông thấy không cần phải xin lỗi.

Nhưng, sau vụ thảm sát giữa tháng 12 ở trường tiểu học Mỹ Sandy Hook, đề tài bạo lực trong phim ảnh một lần nữa lại nóng lên. Ở một khía cạnh nào đó, Hollywood cảm thấy có lỗi, truyền thông, điện ảnh có xu hướng hạn chế hình ảnh bạo lực và súng đạn.

Giới hạn của bạo lực trong phim ảnh

Phim mới nhất của Tarantino, Django Unchained (Giải thoát Django), đang trong thời gian ra rạp. Phim kể về một cựu nô lệ (Jamie Foxx) liên kết với một thợ săn tiền thưởng (Christoph Waltz) để cứu người vợ nô lệ (Kerry Washington) thoát khỏi tay tên chủ đồn điền (Leonardo DiCaprio).

Bộ phim bị một đạo diễn gạo cội khác là Spike Lee lên án kịch liệt vì những chi tiết theo ông là phân biệt chủng tộc và các cảnh bạo lực, tra tấn quá kinh khủng.

“Những gì xảy ra trong thời kỳ chiếm hữu nô lệ còn tồi tệ hơn 1.000 lần so với những gì tôi chiếu trên màn ảnh” - Tarantino nói - “Vì thế nếu tôi có tăng mức độ bạo lực lên 1.000 lần nữa thì cũng chẳng có gì quá đáng cả. Chuyện nó phải thế. Nếu bạn không chấp nhận được thì đó là việc của bạn”.

Tarantino nhấn mạnh tính giải trí của dòng phim này: “Có hai loại bạo lực trong phim này (Django Unchained): thứ bạo lực mà các nô lệ phải chịu trong suốt 245 năm lịch sử, và thứ bạo lực mà Django sử dụng để trả thù. Và đó là bạo lực điện ảnh, một thứ tuyệt vời và có tính giải trí, hoàn toàn có thể thưởng thức, thứ mà khán giả mong đợi”.

Bản thân vị đạo diễn đã xác định rõ, với riêng ông, điều gì là bạo lực trong phim ảnh và đến đâu là vượt quá giới hạn.

“Những thứ tồi tệ thực sự đang xảy ra ngoài kia”

Riêng trường hợp Django Unchained, các cảnh bạo lực không làm Tarantino bối rối. Ông lo lắng nhiều hơn khi soạn lời thoại của những nhân vật da trắng kỳ thị chủng tộc hay chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên Mỹ Phi trong các cảnh mô tả sự khắc nghiệt của chế độ nô lệ. Nỗi lo ấy lớn đến nỗi ông từng định quay các cảnh tra tấn nô lệ ở nước ngoài.

Khi hoàn thành kịch bản, Tarantino đi ăn tối và kể câu chuyện trong phim với Sidney Poitier, một diễn viên da màu kỳ cựu của Hollywood. Ông còn tiết lộ cả ý định tránh né sự phẫn nộ trong nước bằng cách ra nước ngoài quay phim. Nhưng Poitier đã khuyên: “Không nên. Anh đang có chút sợ hãi về bộ phim của mình, và thứ anh cần vượt qua là nỗi sợ đó. Nếu anh muốn kể câu chuyện này, anh không được sợ. Mọi người sẽ hiểu anh thôi”.

Khán giả lên án

Một cuộc bầu chọn gần đây trên trang Hollywood Reporter sau vụ thảm sát ở trường Sandy Hook cho thấy 70% khán giả cho rằng những tác phẩm điện ảnh như Django Unchained là quá bạo lực.

Đây không phải lần đầu Tarantino lên tiếng bảo vệ Django Unchained trước những ý kiến phê phán bộ phim. Trước cả khi vụ thảm sát ở Sandy Hook diễn ra, ông đã “đăng đàn” để giải thích dụng ý của việc sử dụng bạo lực trong phim.

“Chúng ta đều nhận thức được sự tàn bạo và vô nhân đạo của chế độ nô lệ” - Tarantino nói với báo chí sau buổi chiếu phim ngày 7/12/2012 - “Nhưng sau khi bạn nghiên cứu thì đó không chỉ là một thứ thuộc về nhận thức, cũng không chỉ là những con số của lịch sử, bạn sẽ cảm nhận được điều đó sâu trong cơ thể bạn. Sự thật đó khiến bạn phẫn nộ và muốn làm một điều gì đó. Tôi ở đây để nói với các bạn rằng, một bộ phim có thể rất tồi tệ, nhưng những thứ tồi tệ hơn rất nhiều đang xảy ra ngoài kia”.

Một cuộc bầu chọn gần đây trên trang Hollywood Reporter sau vụ thảm sát ở trường Sandy Hook cho thấy 70% khán giả cho rằng những tác phẩm điện ảnh như Django Unchained là quá bạo lực.

Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa là khán giả tẩy chay hoặc ngừng xem phim bạo lực. Hoặc, những người đi xem đã không tham gia bầu chọn. Đến ngày 3/1, bộ phim đã thu về 86 triệu USD tính riêng ở Bắc Mỹ và đang trên đà trở thành phim thành công nhất về thương mại của Tarantino.

Lmgzi Ly (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm