Đạo diễn nữ đầu tiên và duy nhất đoạt giải Cành Cọ Vàng

21/05/2013 12:21 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Trưởng ban giám khảo hạng mục phim ngắn tại LHP Cannes 2013 năm nay  là đạo diễn người New Zealand, Jane Campion (Việt Nam tham dự với đại diện là Trần Dũng Thanh Huy). Cách đây 20 năm, bà trở thành đạo diễn nữ đầu tiên và duy nhất cho đến nay đoạt giải Cành Cọ Vàng với bộ phim The Piano (Dương cầm) – một trong những bộ phim được khán giả Việt Nam yêu thích nhất trong lịch sử LHP Cannes.

Gửi cảm xúc đam mê qua phím đàn 

The Piano mô tả tâm tư tình cảm của Ada – một phụ nữ câm người Scotland. Cô chỉ có thể giao tiếp thông qua đứa con gái nhỏ của mình là Flora, và thể hiện cảm xúc của mình bằng cách chơi đàn piano. Một cuộc hôn nhân sắp đặt đã đưa 2 mẹ con Ada và Flora tới New Zealand để gặp người chồng mới của Ada là Alisdair. Ada bị chồng mới lạnh nhạt, nhưng cô đã tìm được cảm xúc tình yêu qua một người đàn ông xù xì thô kệch tên George Baines, người có thể kết nối với cô theo cách mà cô không thể kết nối với người chồng trong cuộc hôn nhân gượng ép.

Điều đáng ngạc nhiên là đạo diễn Campion đã mô tả câu chuyện tình đầy cảm xúc đam mê này, lồng trong một khung cảnh không hề lãng mạn chút nào. Bà chọn khung cảnh chính của bộ phim là mốc thời gian giữa thế kỷ thứ 19 tại một vùng biên giới hẻo lánh, nhiều mưa và lầy lội ở miền tây duyên hải New Zealand.

Có lẽ lý do chính là vì cảnh vật nơi đó là một sự mở rộng của tâm trí Ada, phong cảnh đóng vai trò là những hình ảnh ẩn dụ. Phần nhiều cái mà khán giả thấy trong phim là quang cảnh rừng rú chằng chịt, lầy lội và rậm rạp… ẩn dụ cho sự bế tắc rối rắm của Ada khi bị đẩy vào cuộc hôn nhân sắp đặt với người đàn ông mà cô không hề yêu. 


Nhiều nhân vật trong phim có nguồn gốc từ bộ lạc Maori của New Zealand. Nhân vật George Baines tuy không phải là thổ dân, nhưng anh dành nhiều thời gian với văn hóa Maori, thậm chí vẽ lên mặt mình theo truyền thống của bộ lạc Maori. Cũng như với các yếu tố khác của bộ phim, Maori tượng trưng cho tính chất nguyên thủy của tâm hồn Ada, và mối quan hệ của cô với George là cách để cô thấu hiểu tính chất đó của tâm hồn mình.

Đạo diễn Campion kết hợp diện mạo mỏng manh với tâm hồn của Ada, và thế giới quanh cô là những hình ảnh ẩn dụ về những cảm xúc thầm kín mà Ada không thể bày tỏ bằng lời. Sự câm lặng đã làm ức chế cảm xúc của Ada, và phím đàn piano là cách duy nhất để cô bày tỏ tâm tư tình cảm của mình. Chiếc đàn piano của Ada đã được sử dụng như là một nhân vật rất quan trọng trong phim. Cảnh chiếc đàn piano bị bỏ lại trơ trọi trên bãi biển ở đầu phim, đã để lại cho người xem một cảm xúc mạnh mẽ không thể diễn tả bằng lời.

Hai vai diễn nữ để đời

Phân vai Ada là một quá trình cực kỳ khó khăn. Jane Campion gặp vài nữ diễn viên tại Anh, Pháp và Mỹ để mời vào vai Ada. Sigourney Weaver là sự lựa chọn đầu tiên của Campion, nhưng cô từ chối vai này vì cô lúc đó đang tạm rời xa màn ảnh. Jennifer Jason Leigh cũng được cân nhắc nhưng cô không thể gặp Campion để đọc kịch bản vì đang bận đóng phim Rush. Cô đào Pháp Isabelle Huppert gặp Campion và thậm chí đã mặc trang phục của Ada để chụp những bức ảnh mang phong cách thời kỳ đó. Nhưng Huppert lại có vẻ không quyết liệt với vai diễn, và sau này cô rất hối tiếc vì đã không tranh đấu để giành vai này như Holly Hunter đã làm.

Holly Hunter là một nữ diễn viên Mỹ tài ba, nhưng có ngoại hình nhỏ bé (cô chỉ cao 1m57). Trong khi đạo diễn Jane Campion lại chú ý đến những diễn viên cao lớn (ngoài những cái tên đã nói ở trên, các ứng viên khác cũng đều có ngoại hình cao to như: Anjelica Huston, Juliette Binoche và Madeleine Stowe).


Buổi thử vai của Holly Hunter là một giai thoại khó quên. Cô tự tin trút bỏ hết quần áo và ngồi xuống bên chiếc piano, lướt trên phím đàn điêu luyện như một nghệ sĩ dương cầm thực thụ. Không những thế, Holly Hunter còn hoàn toàn chinh phục đạo diễn Jane Campion và các nhà sản xuất khi thể hiện những ngôn ngữ ký hiệu bằng tay thành thục không kém những người câm thực thụ. Sau này chính Holly Hunter là người dạy những ngôn ngữ ký hiệu này cho Anna Paquin – đóng vai cô con gái Flora – nên Holly Hunter có tên trong 3 thành phần (diễn viên, âm nhạc, dạy ngôn ngữ ký hiệu) trong credit cuối phim.

Tìm diễn viên nhí thủ vai Flora – cô con gái bé bỏng của Ada – cũng không phải dễ, nó chỉ diễn ra sau khi Holly Hunter đã được chọn đóng vai Ada. Đoàn phim cho đăng quảng cáo trên báo loan tin mở một cuộc diễn xuất thử để tuyển chọn, dành cho các bé gái tuổi từ 9-13, tập trung vào những bé gái đủ nhỏ bé để phù hợp với ngoại hình của Holly Hunter.

Cô chị của Anna Paquin đọc quảng cáo và đi thử với một người bạn, cô bé Paquin chỉ đi theo để xem, nhưng khi đạo diễn Campion thấy Paquin thử trình diễn màn độc thoại về người cha của Flora, thì bà đã có ấn tượng sâu sắc đối với cô bé 9 tuổi này và cuối cùng quyết định chọn Paquin  trong số 5.000 ứng viên tham dự.

Một câu chuyện tình đầy cảm xúc đam mê trong một khung cảnh không hề lãng mạn chút nào

Ba người phụ nữ làm nên lịch sử

The Piano là một xuất phẩm chung giữa nhà sản xuất người Úc Jan Chapman với hãng phim Pháp Ciby 2000. Được làm như một phim độc lập nhỏ với kinh phí 7 triệu USD, và không mong đợi sẽ được phổ biến rộng rãi. Nhưng khi được trình chiếu năm 1993, The Piano được nhiều nhà phê bình khen ngợi, đoạt một số giải thưởng ở các liên hoan phim, và trở thành phim được nhiều khán giả ưa thích với doanh thu hơn 40 triệu USD.

The Piano đã bất ngờ giành giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes năm 1993 (chia sẻ với Bá Vương biệt Cơ), biến Jane Campion trở thành đạo diễn nữ duy nhất cho đến nay đăng quang tại LHP danh giá nhất thế giới này (rất tiếc, Jane Campion không thể trực tiếp có mặt nhận giải vì đang lâm bồn). Nhưng bất ngờ lớn nhất vẫn còn đang ở phía trước, khi The Piano sau đó được đề cử 8 giải Oscar, và đoạt 3 giải – trong đó Jane Campion đoạt giải Kịch bản gốc hay nhất.

Cả “hai mẹ con” Holly Hunter và Anna Paquin đều được ca ngợi hết lời về vai diễn trong phim, và đều đoạt giải Oscar. Holly Hunter đáng chú ý vì là một trong 3 nữ diễn viên – cùng với Marlee Matlin (Children of a Lesser God) và Jane Wyman (Johnny Belinda) – đoạt giải Oscar Nữ diễn viên chính, khi chỉ diễn xuất bằng ký hiệu và không nói một lời nào.

Đoạt giải Nữ diễn viên phụ ở tuổi 11, khiến Anna Paquin trở thành người đoạt giải Oscar trẻ thứ nhì trong lịch sử, sau Tatum O'Neal.

Nói đến The Piano là phải nhớ ngay đến phần nhạc phim tuyệt diệu của nhà soạn nhạc người Anh, Michael Nyman. Nhạc phim đã giúp định rõ cảm xúc của bộ phim khi đang diễn ra quá trình quay, và chính Holly Hunter đã tự mình chơi hầu hết các trường đoạn piano trong phim. Sau này khi phát biểu nhận giải Oscar, Hunter đã nói rằng chính nhạc phim đã giúp cô tạo ra nhân vật Ada. Nhạc phim The Piano đã trở thành một album nhạc phim ăn khách.

Bá Vũ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm