Đạo diễn Jonathan Harris: 'Đây là thời điểm tốt nhất để làm phim tài liệu'

26/10/2013 10:45 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Đã có kinh nghiệm 45 năm làm phim và 35 năm về giảng dạy làm phim tài liệu, GS Mark Jonathan Harris cho biết ông đang chứng kiến sự "bùng nổ" của thể loại phim tài liệu trên khắp thế giới và hiện tại đang là thời điểm tốt nhất để làm phim tài liệu.

Đạo diễn Mark Jonathan Harris đã đến Việt Nam và đã có buổi giao lưu tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD), Hà Nội vào sáng 25/10.

1. Theo GS Harris có 3 lý do giúp cho thể loại này phát triển. Một là phương tiện kỹ thuật ngày càng đa dạng, với một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, hay một chiếc máy quay mini kỹ thuật số, bất kỳ ai cũng có thể làm phim tài liệu.

Hai là làm xong phim người ta hoàn toàn có thể phát hành trên mạng, không cần phải "cầu cạnh" các đài truyền hình. GS Harris kể con trai ông buổi sáng thức dậy vô tình nhìn thấy những người thu gom rác dọn dẹp bất cẩn. Anh đã ghi lại hình ảnh này, sau đó đăng trên YouTube. Chỉ một thời gian ngắn đã có rất nhiều người xem và có một số nước liên hệ mua bản quyền.

Ba là, người dân trên thế giới ngày càng có nhu cầu xem những thước phim tư liệu về những gì có thật xảy ra trên toàn thế giới.


Đạo diễn Mark Jonathan Harris trong buổi giao lưu tại TPD vào sáng 25/10

GS Harris cho biết đứng trước phim Hollywood, phim tài liệu chẳng việc gì phải run sợ: "Phim Hollywood rất thú vị, họ tạo ra những nhân vật siêu anh hùng, là niềm mơ ước của con người, nhưng lại ít cho thấy đời thực. Mà phản ánh đời thực lại là việc của phim tài liệu".

Việc phản ánh đời thực của phim tài liệu, nếu biết cách làm có thể hấp dẫn chẳng kém phim Hollywood. Mặt khác phim tài liệu có khả năng mang đến sự cộng cảm với người xem và thay đổi nhận thức của họ về một vấn đề. Phim tài liệu thực sự có sức nặng, vấn đề là người làm phim có sống chết với chủ đề mà anh ta chọn và có biết cách để lôi kéo khán giả cùng xem không mà thôi.

2. Ở Việt Nam, các nhà làm phim tài liệu đã tận dụng "thời điểm vàng" này như thế nào?

Giáo sư Mark Jonathan Harris là nhà làm phim, nhà báo và nhà văn. Hiện ông đang đảm nhiệm chức vụ Trưởng Khoa Sản xuất phim tài liệu, Trường Nghệ thuật Điện ảnh, Đại học Nam California, Mỹ. Ông từng đạt 3 giải Oscar ở thể loại phim tài liệu với 3 bộ phim Cây gỗ đỏ (1968); Đường về còn xa (1997); Trong tay những người lạ mặt: câu chuyện đưa những trẻ em Do Thái tị nạn về Anh quốc (2000).

Vài năm gần đây ở Việt Nam, phim tài liệu đã bắt đầu được khơi lên mạnh mẽ. Năm 2013 đã có rất nhiều hoạt động, liên hoan phim, hội thảo để các nhà làm phim tài liệu giao lưu, trao đổi, liên kết. Những giải thưởng độc lập như Búp sen vàng (của TPD), liên hoan phim trực tuyến YxineFF đã giới thiệu những gương mặt mới đầy tiềm năng. Những bộ phim ngắn do người trẻ thực hiện đưa lên mạng đã lôi kéo được một lượng khán giả đông đảo. Sức hấp dẫn của phim tài liệu độc lập thậm chí còn át cả những bộ phim thuộc dòng chính, do nhà nước đầu tư ngân sách.

Đạo diễn Phan Nhật Gia Linh, Giám đốc Sáng tạo của Tiệc phim YxineFF cho biết trước khi tổ chức LHP tới các trường ĐH, anh thường dùng "mẹo" trà trộn phim tài liệu và phim truyện với nhau để "buộc" khán giả phải xem. Nhưng hiện nay tình hình có vẻ sáng sủa hơn khi những bộ phim tài liệu được các bạn trẻ đón nhận khá nhiệt tình.

Nỗi băn khoăn "ở Việt Nam có sống được bằng phim tài liệu không?" dần dần sẽ không còn là nỗi lo số 1, bởi nhiều người thực sự muốn làm loại phim này. Sự hợp tác quốc tế cũng mở ra cơ hội cho các nhà làm phim độc lập, cho họ nhiều cơ hội học hỏi và thậm chí là cả tiền làm phim. Vấn đề chính là họ có muốn làm phim hay không, có đề tài nào khiến họ mất ngủ hay không mà thôi.

Chia sẻ sau đây của GS Harris, dẫu rất nhiều nhà làm phim Việt Nam biết, nhưng nhắc lại âu cũng chẳng thừa. "Dân tài liệu chúng tôi vẫn nói với nhau dù 70% bộ phim chúng ta làm ra là ngoại ngữ, thì cũng phải làm sao để người dân ở đâu trên thế giới cũng có thể hiểu được".

Phim tài liệu cũng thu bộn tiền

Ở Việt Nam đã có rất nhiều đơn vị làm phim tài liệu rồi, nhưng cái tôi nghĩ là chúng ta chưa tạo được một "làn sóng", chúng ta cũng chưa thực sự kết nối được với nhau. Tôi nghĩ cần có người đứng lên để làm việc này. Đây là thời cơ để phim tài liệu bùng lên. Đừng nghĩ làm phim tài liệu không kiếm ra tiền. Hãy nhìn cách Discovery thu bộn từ phim tài liệu (Nhà sản xuất Hà Thục Vân).

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm