Công chúa Turandot dưới bàn tay của Trương Nghệ Mưu

08/08/2009 08:45 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Turandot là tên vở nhạc kịch chuẩn bị ra mắt công chúng vào tháng 10 tại sân vận động Tổ Chim – Bắc Kinh. Người dàn dựng vở nhạc kịch này không ai khác là đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu.

Những tác giả của vở Turandot

Turandot hay còn gọi là Công chúa Turandot (tiếng Trung là Đồ Lan Đóa) là một tác phẩm hiếm hoi trong lịch sử văn học Phương Tây (thế kỷ XVIII) viết về bối cảnh Trung Quốc, bởi xét về khoảng cách địa lý lúc bấy giờ Châu Âu và Châu Á biết rất ít về nhau. Tác giả vở kịch là Carlo Gozzi (1720 – 1806), một kịch gia nổi tiếng nước Ý. Vở Turandot của ông được xem là một trong 10 kiệt tác của kho tàng văn học kịch thế giới.

Giacomo Puccini (1858 - 1924)

Nội dung Turandot lấy bối cảnh Bắc Kinh thời phong kiến, nàng công chúa Turandot xinh đẹp tuyển phò mã, ai muốn lấy nàng phải trả lời được 3 câu đố, nếu trả lời sai dù chỉ một câu cũng bị chặt đầu. Rất nhiều người đã phải chết, nhưng những kẻ si tình vẫn lao đầu vào ứng thí. Trong số đó có hoàng tử Calaf, người một lần nhìn thấy vẻ đẹp của Turandot đã trúng phải tiếng sét ái tình.

Calaf trả lời đúng cả 3 câu đó hóc búa của Turandot nhưng nàng công chúa này vẫn lạnh lùng không muốn thực hiện lời hứa của mình. Trước tình cảnh đó, Calaf ra lại một câu đố cho Turandot với điều kiện nếu nàng trả lời đúng anh sẽ tự nguyện chặt đầu mình bằng không nàng sẽ phải đồng ý lấy Calaf.

Cốt chuyện mới lạ, với những câu đố thông tuệ đã tạo nên sức hấp dẫn của vở kịch này. Đến năm 1924, vở kịch đã được nhà soạn nhạc Giacomo Puccini (1858 - 1924) chuyển thể thành tác phẩm nhạc kịch (Opera). Giacomo Puccini đã qua đời tại Brussels vì căn bệnh ung thư vòm họng vào cuối năm 1924, ông để lại vở nhạc kịch Turandot vẫn còn dang dở.

Sau này nhà soạn nhạc Franco Alfano viết tiếp 2 cảnh cuối của vở opera dựa trên bản thảo mà Puccini để lại. Vở opera Turandot được coi là kiệt tác vĩ đại nhất của Giacomo Puccini, tiếng nhạc của ông đã xây dựng hình ảnh một Turandot xinh đẹp thông minh nhưng lạnh lùng, độc ác; một hoàng tử Calaf trí tuệ và một Liu đầy chất thơ.

Turandot có trở thành kiệt tác của đạo diễn Trương Nghệ Mưu?

Turandot là một trong những vở kịch hiếm hoi của phương Tây viết về Trung Quốc, tuy vậy nội dung và phong cách nhân vật vẫn không toát lên được “dáng vẻ” của văn hóa Trung Hoa.
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu muốn dựa trên cái nền có sẵn của cốt truyện và lồng vào trong đó một “phong cách Trung Hoa”.

Một số phông cảnh sân khấu của vở Turandot 2009 mới được công bố
(nguồn ảnh Xinhuanet)
Dạo gần đây, báo chí bắt đầu đưa tin về vở Turandot của đạo diễn Trương Nghệ Mưu sẽ ra mắt vào ngày 7/10/2009. Nhưng đúng ra, đây chỉ là sự tái hiện lại và làm cho hoành tráng hơn. Vở Turandot đã được đạo diễn Trương bắt tay vào xây dựng vào năm 1997. Ngày 5/9/1998, tại Cung Văn hóa Lao động Nhân dân – thành phố Bắc Kinh, lần đầu tiên vở nhạc kịch này ra mắt công chúng, tiếp đó là tại Thái Miếu. Sau đó, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã cùng với vở nhạc kịch của mình đi chu du qua nhiều nước từ Hàn Quốc cho tới Italy (quê hương của vở Turandot), Pháp, Đức, Tây Ban Nha và nhiều nước thuộc Châu Âu.

Sau 12 năm, Trương Nghệ Mưu một lần nữa quyết định làm mới Turandot đặc biệt là thông qua hiệu quả sân khấu và ánh sáng. Ông tự tin rằng vào tháng 10 này khán giả sẽ được thỏa mãn thị giác và thính giác khi đến sân vận động Tổ Chim thưởng thức vở nhạc kịch này.

Vở Turandot lần đầu ra mắt tại Bắc Kinh năm 1998
Đạo diễn Trương phát biểu: “Năm 1998, tôi đứng ngoài Thái Miếu xem Turandot, ngày hôm đó trời mưa rất to, chữ trên màn hình nhìn không rõ, tiếng Ý thì nghe cũng không hiểu, nhưng tôi vẫn có thể xem hết vở nhạc kịch. Vì sao vậy? Đó là vì nó có nguyên tố Trung Quốc”. Cũng vì cái “nguyên tố Trung Quốc” đó mà đạo diễn Trương cùng nhóm của ông đã đầu tư nhiều tâm huyết vào vở nhạc kịch Turandot năm 2009. Tham vọng của đạo diễn Trương không chỉ dừng lại ở sự thành công của một vở nhạc kịch, hay một vài đêm diễn. Với kinh phí đầu tư lên tới 1,2 tỷ NDT đạo điễn Trương đem theo kỳ vọng biến Turandot tác phẩm vốn của phương Tây trở thành một tác phẩm mang đậm phong cách Trung Hoa.

Rất có thể, đằng sau những cái tên như Carlo Gozzi, Giacomo Puccini người ta sẽ còn nhớ đến một Trương Nghệ Mưu khi nhắc đến Turandot.

Cảnh trí sân khấu
 
 

Đạo diễn Trương đưa vở Turandot đến Hàn Quốc năm 2003


Và diễn tại Pháp vào năm 2005 (nguồn ảnh Xinhuanet)
Hiền Thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm