Con trâu trong văn học nghệ thuật

28/01/2009 12:59 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Trâu thiết thân với nông dân, thân thiết với nông thôn, là thành phần gia đình Việt Nam trong cuộc sống suốt mấy ngàn năm:
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.
Câu ca dao giản dị mà hàm súc, hiện thực và trữ tình. Câu trên là một tiểu đối toàn chỉnh: trên/ dưới, cạn/ sâu. Câu dưới dàn trải, bắt đầu tiểu đối: chồng/ vợ, cấy/ cày, sau cùng con trâu bước ra, chậm chạp, ung dung, trong một nhịp thơ khoan thai hơn: chất trữ tình ưu đãi con trâu vào cuối câu.
 
Đây không phải là bức ảnh toàn cảnh, công việc đồng áng không diễn ra một lần như thế, mà tuần tự: cày xong mới bừa, bừa xong mới cấy, theo tục ngữ: trâu ra, mạ vào. Nhưng là một bức họa tổng hợp công tác nông vụ, với kỹ thuật khác nhau: đồng sâu là đồng chiêm, đồng cạn là ruộng bậc thang:
Ruộng thấp tát một gầu giai

Ruộng cao thì phải đóng hai gầu sòng
Một số sách, kể cả sách giáo khoa, trích dẫn ngược, do không hiểu kỹ thuật canh nông: ruộng cao gồm nhiều bậc, phải đưa nước từ bậc thấp lên bậc trên, rồi tiếp tục như thế, bằng gầu sòng nặng, do một người lực lưỡng chuyển động. Gầu giai (giây) nhẹ hơn, thường do hai phụ nữ vận chuyển, đưa nước từ hồ, ao lên ruộng thấp.
 
Vì thân thiết với đời sống hàng ngày, con trâu có khi được liên hệ với người vợ:
Thứ nhất vợ dại trong nhà

Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn
Trong một xã hội nông nghiệp ổn định, gia đình Việt Nam ổn định, dù cho khi đói khi no, trong đó địa vị và tư cách người phụ nữ được tôn trọng. Hạnh phúc con người, trong nông thôn Việt Nam, diễn ra dưới đôi mắt con trâu:
Sớm mai cắp nón ra đồng,

Một đôi vợ chồng với một con trâu
Trâu chia sẻ thân phận con người. Người có lúc đói, nhưng trâu ít khi phải đói. Gặp ngày cày bừa tận lực người phải cắt cỏ cho trâu, thậm chí cho trâu ăn thóc, hay... ăn cháo.
 
Pierre Gourou, nhà địa lý học chuyên về Đông Nam Á, có thống kê: con trâu làm việc 60 ngày, người làm 180 ngày trung bình trong năm; ông còn nhận xét trên đồng quê có khi thấy người lao động, gồng gánh cật lực, trong khi dưới bóng tre trâu nằm... chơi!
Dưới gốc đa già, trong vũng bóng

Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai

(Bàng Bá Lân, Tiếng sáo diều)
Nói về thơ Hán Việt không thể không nhớ con trâu trong thơ Trần Nhân Tông (1285 - 1308). Ông vua thao lược, đạo hạnh này làm thơ thậm hay. Đàn trâu chỉ thoáng hiện trong bóng chiều đã để lại cho ngàn sau một ấn tượng sâu đậm vì lời thật, cảnh thực:
Trước xóm sau thôn tựa khói lồng

Bóng chiều man mác, có dường không.

Theo hồi kèn mục, trâu về hết,

Cò bạch thi nhau liệng xuống đồng
 
(Thiên Trường vãn vọng -
Cảnh chiều Thiên Trường -
Ngô Tất Tố dịch )
Người xưa trọng vọng trâu; theo truyền thuyết trâu đã giúp vua Vũ nhà Hạ trị thủy. Thời Chiến Quốc, Tử Đồi - con vua Chu Trang Vương - nuôi hàng trăm con trâu cho ăn gạo thóc, mặc gấm vóc, lại có kẻ hầu người hạ. Họ ca ngợi nghề chăn trâu của những Sào Phủ, Nịnh Thích. Nhưng con trâu vẫn không mấy khi lê nổi bàn chân lầm than từ bùn lầy lên đến trang giấy văn chương, dù có xuất hiện nhiều lần trong nghệ thuật tạo hình như tranh, tượng.

Ở Việt Nam vào thời bình minh của thơ Nôm, Nguyễn Trãi (1374-1442) sống nhiều nơi thôn ổ, tả nhiều cảnh nông tang, mà chỉ tả con trâu vẽ trong nghiên mực “Đầm chơi bể học đã nhiều xuân” nghĩa là con trâu vẫn... nằm chơi.

Một lần khác Nguyễn Trãi nói đến con nghé, nhân sử dụng một tục ngữ răn đời - sảy giàn tan nghé :
Chúa giàn nẻo khỏi tan con nghé

Hòn đất hầu làm mất cái chim

(Bài 23 trong Bảo kính cảnh giới)
Nghĩa là: con trâu đầu giàn (chuồng, ràn) phải giữ vị trí lãnh đạo, để con nghé đừng chạy lạc. Câu sau, ngụ ý không nên làm việc phù phiếm, dựa theo tục ngữ:
Đất bụt mà ném chim trời

Chim thì bay mất, đất rơi xuống chùa
Đến Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), hiền triết, khi nhắc đến con trâu cũng mượn tục ngữ để nói việc đời:
Người hàng thịt nguýt người hàng cá

Đứa bán bò gièm đứa bán trâu

(Bài 112,1983,1997)
Như vậy con trâu chưa phải là một mô hình tự lập trong câu thơ, mới làm cớ cho người ta nói chuyện khác.
 
Không hiểu vì lý do gì, về sau người Việt Đàng Trong quan tâm đến trâu nhiều hơn. Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) đã an vị con trâu chính xác trong đời nông dân:
Ấm lạnh trọn bề vài đám ruộng

Làm ăn giữ bổn mấy con trâu
Một “tổng kết” thú vị của cây bút Đặng Tiến (Pháp) về hình ảnh con Trâu trong văn học nghệ thuật.
 
Bài thơ cụ thể nhất về con trâu có lẽ là của Học Lạc (Nguyễn Văn Lạc, 1842-1915)
Mài sừng cho lắm cũng là trâu,

Gẫm lại mà coi thật lớn đầu.

Trong bụng lam nham ba lá sách,

Ngoài cằm lém đém một chòm râu.

Mắc mưu đốt đuốc (*)
tơi bời chạy,

Làm lễ bôi chuông (**) dớn dác sầu.

Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ,

Năm dây đàn khảy biết nghe đâu.
(*Đốt đuốc: sự tích Điền Đan nước Tề, sử dụng một ngàn con trâu buộc đuốc vào đuôi rồi đốt cho trâu xông trận phá hàng ngũ đối phương.

**Bôi chuông: ngày xưa, tại Trung Quốc, người ta giết trâu để làm lễ bôi chuông. Có lần Tề Tuyên Vương thương hại, truyền lịnh tha mạng sống cho trâu.)

Cùng ở Nam Bộ, Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1883) có bài Trâu già, chung một mạch điển cố:
Một nắm xuơng, một nắm da

Bao nhiêu cái ách cũng từng qua

Đuôi cùn biếng cột Điền Đan hỏa

Tai nặng buồn nghe Nịnh Tử (*) ca

Sớm dạo vườn Nghiêu (**) ăn hủng hỉnh

Tối về nội Võ (**) thở hi ha

Ngày xưa mắc phải nơi đường bệ

Ơn có Tề Vương cứu lại tha
(*Nịnh Tử: sự tích Nịnh Thích thời Chiến quốc chăn trâu, gõ sừng ca hát than thân, được vua Tề Hoàn Công nửa đêm đốt đuốc phong chức đại phu.

**Nghiêu, Võ: hai ông vua đời thượng cổ; theo truyền thuyết, trâu giúp các vua này cày ruộng và trị thủy).

Từ đấy trâu được trọng vọng: trên đồ đất nung từ thời Thương Chu, hai ngàn năm trước Tây lịch đã có hoa văn hình trâu. Đời Tiền Hán - vài ba thế kỷ trước Tây lịch - đã có nhiều tượng trâu bằng đồng, nhất là vùng Vân Nam. Có lẽ tục giết trâu tế thần có từ thời thượng cổ, ngày nay vẫn còn ở một vài nơi, như miền Tây Nguyên Việt Nam, còn tục đâm trâu, giết trâu tế Dàng.

***

Trong văn học Đàng Trong, hình ảnh và thân phận con trâu, hiện thực và đầy đủ nhất nằm trong truyện Lục súc tranh công. Truyện kể lại cuộc tranh công tị việc giữa sáu gia súc : trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn. Phần quan trọng nhất dành cho trâu, non một trăm câu, cũng là phần hay nhất, là tiếng nói thống thiết của nông dân phản ánh số kiếp lầm than không lối thoát.
Trước cổ đã mang hai cái niệt (*)

Sau đuôi thêm kéo một cái cày.

Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây,

Trên lưng ruồi bâu, dưới chân đỉa cắn,

Trâu mệt đã thở dài, thở vắn,

Người còn hầm hét, mắng ngược mắng xuôi

(*Niệt: giây buộc ách)

Sống cùng cực, chết còn chưa rảnh nợ đời: trâu lập tức bị phân thây xẻ thịt, tận dụng từ ngọn sừng đến móng giò, ninh nhừ làm nham làm thấu (hai món ăn):
Người người đều bàn bạc với nhau:

Kẻ thì rằng tôi lãnh cái đầu,

Người thì nói phần tôi cái nọng.

Kẻ giành bong bóng ép gối mà kê,

Còn sừng đem về ép thoi, làm lược...
Văn chương có quy luật riêng, làm bằng khuôn sáo, thời thượng, về sau lại thêm “đường lối” không được như trâu quá sá, mạ quá thì. Vì vậy con trâu dù thân thiết và thiết thân với nông dân cũng không mấy khi xuất hiện trong văn thơ hiện đại.

Ta có hai cuốn tiểu thuyết dưới nhan đề Con Trâu: cuốn trước của Trần Tiêu (1938), kể chuyện một nông dân Bắc Bộ nghèo khổ, điêu đứng, cả đời mơ ước tậu được một con trâu nái làm cơ nghiệp, và đến lúc chết vẫn còn mơ ước, lẩm bẩm hai tiếng “con trâu”. Cuốn sau, của Nguyễn Văn Bổng (1952), kể chuyện thời kháng chiến chống Pháp khu V, vùng Nam - Ngãi, lính Pháp đàn áp dân chúng, bắn giết trâu hầu làm trở ngại sản xuất; quần chúng phải chiến đấu, để tự vệ và bảo vệ trâu, đưa trâu vào rừng hay xuống hầm. Những đoạn tả việc trâu xe nước, trong lửa đạn là những trang hiện thực sinh động.

Khoảng 1957, Sơn Nam có viết một truyện ngắn đặc sắc, Mùa len Trâu, kể lại việc nông dân di chuyển đàn trâu hàng mấy trăm con từ đồng bằng Hậu Giang ngập lụt lên vùng cao Ba Thê, Bảy Núi để dinh dưỡng; gần đây, 2003, kết hợp với truyện Một cuộc biển dâu, Mùa len Trâu được Nguyễn Võ Nghiêm Minh dựng thành phim hay, gây ấn tượng mạnh, với đàn trâu vĩ đại băng mình qua cảnh trời nước mênh mông, tựa một ngọn gió đen, như trong thơ Thanh Thảo:

Đàn trâu ngọn gió đen ào qua trảng cỏ...

(Những người đi tới biển, 1976)

Người chân quê khề khà nói chuyện trâu không bao giờ đủ, không bao giờ hả. Cũng dựa vào cơ hội năm Kỷ Sửu mới nói được chuyện trâu bò thô lậu. Cuối cùng còn mượn dịp báo Tết, để chúc bạn đọc năm châu bốn biển một niên sức khỏe, an vui và tài lộc dồi dào:
Được tiền thì mua rượu

Rượu say rồi cưỡi trâu

Cưỡi trâu thế mà vững

Có ngã cũng không đau.
Lời hưng phấn này, mừng vui ngày Tết, là thơ Trần Tế Xương.

Orléans, 4/12/2008

Đặng Tiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm