Con đường để 6.000 phút phim vô giá về Việt Nam

15/08/2013 08:22 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 13/8, Đài Truyền hình Việt Nam đã công bố một phần trong số 6.000 phút phim tài liệu màu quý giá do người Nhật quay tại miền Bắc Việt Nam từ năm 1964 đến 1981. Đây là những thước phim màu hiếm hoi ghi lại không chỉ hoạt động chính trị, xã hội mà còn cả văn hóa, đời sống... của người dân miền Bắc từ thời kỳ chi viện cho miền Nam, tới lúc đất nước hòa bình. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là những thước phim vô giá.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Xuân Tùng (Đài Truyền hình Việt Nam), người đã có công không nhỏ trong việc phát hiện kho phim này tại Nhật Bản và mang về Việt Nam.

Tài sản tinh thần của nhân dân

Phóng viên Xuân Tùng
* Cơ duyên nào khiến anh biết được kho phim này và mang được chúng về Việt Nam?

- Trước kia tôi đã từng được nghe là thời chiến đã từng có một hãng phim Nhật Bản làm việc rất lâu ở Việt Nam. Trong một lần đi công tác ở Nhật Bản, tôi có tìm hiểu và được giới thiệu tới hãng Nihon Denpa News (NDN). Lúc đó cũng không biết có phải cái hãng mình nghe kể hay không. Tới nơi tôi rất bất ngờ và thú vị khi thấy hành lang của họ có rất nhiều hình ảnh ở Việt Nam. Hãng cũng tiết lộ họ sở hữu một kho phim nhựa quay tại Việt Nam từ năm 1964 đến 1981. Sau 4 năm đàm phán, VTV đã mua độc quyền vĩnh viễn kho phim này. Toàn bộ phim gốc (gồm 1.500 đầu phim, tức 6.000 phút phim) đã được mang về Việt Nam. Sau 2 năm, VTV quyết định cho ra mắt khán giả. 

* Động lực nào khiến anh mang phim về Việt Nam?

- Lần đầu tiếp cận với những bản phim này, tôi có cảm giác rất thú vị và đặc biệt lôi cuốn vì những gì mình nghe kể ngày xưa, giờ mình lại được nhìn thấy trên phim. Lúc xem tôi đã nghĩ phải mang phim này về Việt Nam. Tôi nhận thức đây là tài sản tinh thần của chúng ta, mang được về sẽ có cơ hội sử dụng rất lớn, giúp người Việt Nam hiểu thêm về quá khứ. Tôi là người yêu thích điện ảnh, nên khi tìm được nguồn phim này phải nói là rất hào hứng. Đây quả thực là điều ý nghĩa, vinh dự nhất trong sự nghiệp làm truyền hình của tôi.

* Theo anh, tại sao hãng phim của Nhật Bản lại quyết định bán đứt cho Việt Nam?

- Với hãng NDN, đây đúng là khối tài sản lớn họ có thể bán ra tiền, nhưng họ cũng nhận thấy đây không phải là những thước phim đơn thuần, mà là tài sản của nhân dân Việt Nam. Điều may mắn nhất là hãng phim NDN đã không đặt yếu tố thương mại lên hàng đầu.

* Khi Đài  tiếp nhận, những thùng phim ở trong tình trạng thế nào?

- Kho phim được bảo quản hoàn hảo nhất từ trước đến nay mà tôi được biết. Đến những người làm nghề như đạo diễn Thanh Vân, đạo diễn Hữu Tuấn cũng còn phải bất ngờ về chất lượng hình ảnh của phim. Khi mang về Đài chúng tôi cũng có hệ thống bảo quản phim đủ tiêu chuẩn.

Hình ảnh trong Ký ức Việt Nam (VTV)
Khó nhất là mời thêm nhân chứng để dựng phim

* Được biết ê-kíp đã mất rất nhiều công trong việc khai thác kho phim này. Các anh phải đối mặt với những khó khăn gì?

- Vâng, đây là công việc thủ công nhất mà tôi từng được biết. Chúng tôi phải chuyển toàn bộ từ dạng phim nhựa sang phim số, hiện tại mới chuyển được 15% thôi. Thông tin ở mỗi thùng phim cũng rất ít, muốn biết nội dung cụ thể chỉ có cách xem. Có lúc chúng tôi mất cả tháng để chuyển định dạng 1 thùng phim. Khi xem xong mới biết nó không phục vụ cho mốc thời gian mình định làm. Tiến độ luôn bị chậm vì như vậy.

Phần lớn các cuộn phim không có âm thanh, do thời trước, làm phim nhựa người ta thu đường tiếng riêng và ghép lại sau. Với người làm phim, thiếu âm thanh coi như mất đi 50% rồi, rất khó để đoán định về không gian, bối cảnh, cảm giác... Chúng tôi phải liên lạc với Nhật Bản để có thêm tiếng hiện trường, họ cũng gửi thêm cho những bản ghi chú chi tiết về nội dung của các cuộn băng.

Chương trình Ký ức Việt Nam được phát sóng vào 21h50 trên kênh VTV1 từ thứ Hai đến thứ Năm và 11h50 trên VTV3 từ thứ Ba đến thứ Sáu, bắt đầu từ ngày 19/8 tới. Đây là những thước phim tài liệu màu do người Nhật Bản ghi hình trong giai đoạn từ 1964 đến 1981 với đề tài trải rộng từ chính trị, đến văn hóa, đời sống... Có thể nhiều khán giả sẽ bất ngờ khi gặp hình ảnh của chính mình và người thân trong phim.

Vì làm mò, nên chúng tôi thường xuyên phải hỏi chuyên gia, tìm hiểu thông tin để đối chứng. Đơn cử, chúng tôi không hiểu vì sao người Nhật quay hình ảnh cái ri đô màu đỏ và xám. Phải mất 2 tuần mới hiểu ra rằng, sau khi chiến tranh kết thúc, kho vải dùng để may quần áo cho phi công Mỹ được đem bán cho nhân dân và người dân mang về làm ri đô.

Việc tìm nhân chứng mới là kinh hoàng. Dự kiến năm đầu sản xuất 208 tập, thì số nhân chứng cần tìm sẽ gấp nhiều lần con số đó. Phải tìm những người đã từng sống vào thời điểm từ 1961 đến 1984, có người già chẳng còn kể được, có người biết nhưng không tường tận. Chúng tôi phải nhờ đến các nhà cố vấn, tướng lĩnh quân đội, huy động bạn bè, người quen...

* Phim gốc là phim tài liệu, khi xử lý chúng ta lại làm lại theo cách của mình. Khán giả chắc chắn sẽ băn khoăn về tính khách quan.

- Kho phim chúng tôi tìm về thực chất chỉ là 1.500 đầu mục phim, chưa được dựng nên chưa thể coi là những bộ phim tài liệu hoàn chỉnh, với chủ đề rất đa dạng. Dù có biên tập lại dưới góc nhìn hiện đại, thì chúng tôi vẫn phải giữ nguyên tính lịch sử của nó. Có một câu rất hay của ngành điện ảnh: những hình ảnh không biết nói dối.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: Tôi rất xúc động khi được xem lại những hình ảnh do các bạn Nhật Bản quay. Khi xem phim không cần nghe lời đã hiểu câu chuyện vì chính mình đã từng sống ở thời đó.

NSND, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn: Năm tôi 20 tuổi (1968), tôi học quay phim, thường xuyên gặp nhóm làm phim của hãng NDN đi quay. 40 năm sau, thật là duyên kỳ ngộ, tôi được xem những thước phim họ quay. Những hình ảnh về nghề nghiệp tất nhiên không có gì ghê gớm, nhưng về giá trị lịch sử đúng là vô giá. Điều đáng nói là những thước phim đã được các bạn Nhật Bản quay với tinh thần đầy trân trọng, nâng niu.

Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu một số hình ảnh do VTV cung cấp từ kho phim này:


Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm