Có một Hoàng Trung Thông trào lộng

28/04/2013 13:01 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm có lẽ là hai câu thơ nổi tiếng nhất của Hoàng Trung Thông vì đã được đưa vào sách giáo khoa. Nhưng trong mắt bạn văn, con người ông hiện rõ hơn ở sự trào lộng bản thân và nỗi đau riêng tư.

Từ ngày tôi để râu/ Tôi biết đâu/ Người ta nhìn tôi kính cẩn/ Và tôi cũng nhìn người ta gật gật cái đầu - Hoàng Trung Thông tự trào về địa vị “có chức có quyền” của mình trong tập thơ cuối cùng của ông, Mời trăng in năm 1992.

Năm đó nhà thơ 67 tuổi, chỉ một năm sau là ông qua đời. Đó là năm 1993.

Vừa qua, Viện Văn học (Lý Thái Tổ, Hà Nội) tổ chức tọa đàm nhân 20 năm ngày mất của cố viện trưởng Hoàng Trung Thông - một nhà lãnh đạo rất có uy tín và đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng những người cộng sự.

1. Trong suốt cuộc đời, Hoàng Trung Thông có một thời gian làm cán bộ lâu dài và lãnh đạo nhiều cơ quan nhà nước: ông là Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh Nghệ An vào năm 1949, Trưởng phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương (1956-1957), Thư ký tòa soạn báo Văn Nghệ và Giám đốc NXB Văn học (1958-1964), Vụ trưởng Vụ Văn nghệ (1972-1975) và cuối cùng là Viện trưởng Viện Văn học (1975-1985?).


Từ trái sang phải: các nhà thơ Nông Quốc Chấn, Chế Lan Viên, Tế Hanh và Hoàng Trung Thông (ảnh tư liệu)

Ngó qua bảng danh sách ấy, người ta dễ có ấn tượng cuộc đời Hoàng Trung Thông gắn với chức vụ. Nhưng trong ký ức của đồng nghiệp thì Hoàng Trung Thông “không phải là con người của chức vụ và quyền hành. Càng về sau, ông càng dần dần xa rời con người đó một cách không tự giác. Ông lãnh đạm với chức vụ và quyền hành. Con người ông không kham nổi những thứ đó”.

Trong thời Hoàng Trung Thông, Viện Văn học được cấp chiếc xe hơi Lada, “oai” hơn bất cứ viện nào, nhưng có lúc Viện trưởng cho dùng xe hơi để... chở lợn về làm thịt cải thiện cho cán bộ viên chức trong viện, cách ứng xử rất bình dân và dân chủ, không câu nệ gì cả.

2. Bạn bè, đồng nghiệp của Hoàng Trung Thông nhắc nhiều đến quãng thời gian lúc cuối thời kỳ lãnh đạo ở Viện của ông, những chuyện không nhiều người biết, nhất là việc ông “mượn rượu giải sầu” vào những năm cuối mà ai cũng biết và ái ngại cho ông. “Ông trở nên thoải mái trong sự lơ mơ của người say và biết là rượu tàn phá cơ thể nhưng vẫn chấp nhận”.

Buổi tọa đàm “Sự nghiệp văn học Hoàng Trung Thông” Viện Văn học (Hà Nội)
Tôi muốn uống rượu trong/ Không muốn uống rượu đục/ Chao! Sông cũng như người/ Có khúc và có lúc - những câu thơ mà nhà thơ Vũ Quần Phương bình là: “Đoạn trước nói về tình thế khắc nghiệt, ngoài ý muốn, đoạn sau là lời tự nhủ hãy vịn vào nội lực để thích ứng và đứng vững”.

Và ông còn viết những câu thơ giễu: Cụ được ưu tiên nhưng cụ sợ thiếu tiền (trong tập Mời trăng).

Chỉ tiếc là, trong buổi tọa đàm tưởng niệm 20 năm ngày mất ở Viện Văn học với tên gọi “Sự nghiệp văn học Hoàng Trung Thông” lại không có di ảnh của ông hay các tập thơ, tập truyện của ông được trưng bày.

Nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925-1993) sinh tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông vào Đảng năm 21 tuổi và hoạt động cách mạng, chủ yếu ở công tác tuyên huấn và văn nghệ.

Bài thơ nổi tiếng Bài ca vỡ đất (được đưa vào sách giáo khoa môn Văn, hệ 10 năm) là tác phẩm tốt nghiệp lớp văn hóa kháng chiến của ông vào năm 1948. Trong đời, ông sáng tác và dịch rất nhiều, cả thơ và văn xuôi, có đến 10 tập thơ trong đó có một tập thơ trào lộng thời chống Mỹ (Ôkê cuốn gói – 1973) hay truyện dịch kinh điển Người đánh cá và con cá vàng năm 1986.


Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm