Chuyện chưa biết về một 'nhà duy tân'

20/07/2013 14:31 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Nếu gọi cho đúng, Phan Khôi là một nhà báo viết nghị luận, nhà tư tưởng, hơn là một nhà thơ - tác giả bài Tình già khởi đầu phong trào Thơ Mới thế kỷ 20.

Nhân thành phố Đà Nẵng đặt tên Phan Khôi cho một tuyến đường mới mở (cùng với một số học giả khác như Hoàng Châu Ký, Thu Bồn, Tế Hanh, Nguyễn Văn Xuân), TT&VH trò chuyện với nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân - người nghiên cứu chuyên sâu về tác gia này.

Ông Ân kể, tối hôm 14/7, người con trai út của Phan Khôi là Phan An Sa đã gọi điện báo tin về việc Phan Khôi được đặt tên cho một con đường ở gần cầu Cẩm Lệ (Đà Nẵng). Ông An Sa là người soạn cuốn Nắng được thì cứ nắng kể về một phần cuộc đời và sự nghiệp người cha, ra mắt đầu năm nay.

* Cảm tưởng của ông về việc Đà Nẵng lấy tên Phan Khôi để đặt cho một con đường của thành phố này?

- Với quá trình đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay thì sẽ có thêm nhiều thành phố, nhiều đường phố mới, cần đặt tên. “Mốt” dùng tên các danh nhân, nhà hoạt động chính trị xã hội để đặt tên đường, theo tôi là một tập quán bình thường.

Thế nhưng việc chọn tên này cũng thể hiện sự thừa nhận của xã hội đối với một tên tuổi. Sự thừa nhận đó với tôi có ý nghĩa tương đối, tôi không đánh giá quá cao việc người ta chọn tên người này mà không chọn tên người kia. Bởi vì sự khẳng định giá trị của một tác giả là phụ thuộc vào công việc của giới nghiên cứu. Tầm vóc di sản của tác gia ấy còn phải được/bị kiểm định bởi thời gian dài, cả trong tương lai xa.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân. Ảnh: Mi Ly
* Theo ông, lâu nay sự nghiệp báo chí của Phan Khôi đã được nhìn nhận đầy đủ chưa?

- Phan Khôi sinh thời phải chịu thiệt thòi rất lớn. Thật ra, khi đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng người ta chỉ dùng cái tên Chương Dân - là bút danh mở đầu sự nghiệp viết báo của ông. Đó là một cách ứng xử rất tế nhị ở miền Bắc đầu năm 1959.

Một thời gian dài sau khi ông mất, người ta chỉ nhắc đến ông với các tội trạng. Ông từng bị phê phán nặng nề nhất. Cả một sự nghiệp báo chí với nhiều thành tựu coi như bị chìm vào quên lãng.

* Tại sao Phan Khôi lại chọn viết báo làm cái nghiệp cả đời?

- Sinh thời, ông không làm quan, dù cha ông và ông nội đều là quan triều Nguyễn. Sau khi đỗ tú tài Nho học, Phan Khôi không tiếp tục con đường thi cử nữa, nhưng vẫn tiếp tục dùng chữ Hán, rồi học thêm chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Ông vẫn dùng chữ Hán vì nhận thấy có cả một kho tàng tri thức thâm hậu trong đó.

Khi còn trẻ, ông đã tham gia phong trào Duy Tân, được Phan Châu Trinh đưa ra Bắc để làm việc ở trường Đông Kinh Nghĩa Thục, nhưng trường bị giải tán quá sớm. Về sau, ông chủ động rời bỏ các tổ chức, làm dân thường và đóng góp cho công cuộc duy tân theo khả năng của riêng mình: viết báo.

Vì thế, có thể nói tất cả tư tưởng và hoài bão cải đổi xã hội của Phan Khôi đều thể hiện qua các trang báo. Ông là một nhà duy tân bằng con đường ngôn luận.

Các đầu sách về Phan Khôi do Lại Nguyên Ân biên soạn: Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo từ năm 1928 đến 1932 và cuốn Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn
* Phan Khôi viết rất nhiều báo trong Nam ngoài Bắc: Phụ Nữ Tân Văn, Thần Chung, Trung Lập, Dân Báo ở Sài Gòn, Tràng An, Sông Hương ở Huế; Nam Phong, Thực Nghiệp, Phụ Nữ Thời Đàm ở Hà Nội... Sự nghiệp báo chí của ông đã để lại những dấu ấn tư tưởng rõ rệt nào?

- Có 2 vấn đề chính mà ông tập trung nêu ra trong suốt sự nghiệp của mình: Ông là người đầu tiên nói về ảnh hưởng kìm hãm của Khổng giáo ở Việt Nam (bắt đầu bằng một loạt bài năm 1929 trên Thần Chung) và cũng là nhà báo Việt Nam đầu tiên nêu ra vấn đề nữ quyền, giải phóng phụ nữ, từ năm 1929, chủ yếu trên báo Phụ Nữ Tân Văn.

Bộ sách Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân hiện đã in được 5 tập (các năm từ 1928 đến 1932). Giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp báo chí của Phan Khôi là từ 1929 đến 1941. Lại Nguyên Ân cũng đang soạn tiếp các sưu tập Tác phẩm đăng báo của Phan Khôi những năm còn lại; một vài cuốn sẽ ra mắt trong năm nay.

Ông vạch ra rằng, đạo Nho của Khổng Tử đã chi phối tư duy chính trị của hầu hết các giới cầm quyền và quan chức Việt Nam, khiến đất nước chìm trong “đêm trường Trung cổ” lạc hậu, làm cho dân tộc đến khi gặp chủ nghĩa thực dân thì rất dễ bị nô dịch, khống chế.

Phan Khôi khẳng định: Xã hội trung đại Việt Nam và châu Á, Đông Á nói chung, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 gặp làn sóng Âu hóa do chủ nghĩa tư bản thực dân đưa tới, một cách cưỡng bức, đặt ra nhiều vấn đề mới. Một trong số đó là phải nâng cao vai trò của người phụ nữ lên ngang bằng với nam giới trong xã hội Việt Nam, nếu không thì nhiều mặt thuộc giáo dục gia đình và sinh hoạt xã hội sẽ mãi mãi lạc hậu, nữ giới sẽ tiếp tục bị kỳ thị. Chính Phan Khôi đã phỏng vấn và tập hợp ý kiến của các nhân vật có ảnh hưởng như Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Khắc Hiếu, Đạm Phương... về vấn đề phụ nữ và đăng lên báo Phụ Nữ Tân Văn, sau đó ông viết tổng luận.

Có thể nói, Phan Khôi là nhà tư tưởng đầu tiên ở Việt Nam thế kỷ 20 nêu ra vấn đề nữ quyền, kể cả nếu so sánh với các học giả nữ giới cùng thời khác.

Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm