30/09/2013 06:58 GMT+7 | Văn hoá
Năm 1988, vở kịch Chuyện bây giờ mới kể của tác giả Lâm Quang Tèo ra đời. Một năm sau, vở kịch này diễn tại Sân khấu Kịch thể nghiệm (5B Võ Văn Tần, TP.HCM) đã tạo thành hiện tượng sân khấu một thời tại TP.HCM. Vở kịch này sáng đèn liên tục khoảng 10 năm, và mới đây, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã dựng lại kịch bản này. Thật ngạc nhiên, bản tái dựng vẫn thu hút khán giả đầy khán phòng.
Tác giả kịch bản Lâm Quang Tèo đã kể những “chuyện bây giờ mới kể” với TT&VH Cuối tuần về vở kịch này.
Tác giả Lâm Quang Tèo
10 năm chưa có giấy phép công diễn
* Được biết,Chuyện bây giờ mới kể lúc ra đời gặp khá nhiều sóng gió?
- Đạo diễn Minh Hải đã dựng vở kịch này của tôi bằng ngôn ngữ chính luận, lấy bối cảnh miền Tây Nam Bộ, nói về sự gian dối của con người trong thời chiến sang đến tận thời bình. Đây là một vấn đề được xem là khá nhạy cảm, dù lúc đó, làn gió Đổi mới đã được phát động. Do khá nhạy cảm nên vở kịch này diễn dưới “chiếc nón” là kịch thể nghiệm chứ không hề có giấy phép nào cả.
Bằng quan hệ cá nhân, tôi đã mời các cô chú: Võ Văn Kiệt, Trần Trọng Tân, Trần Văn Trà, cô Nguyễn Thị Định, Cáp Xuân Diệm, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ… và các nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghi, Doãn Hoàng Giang… đến xem. Chú Trần Trọng Tân xem xong vào cánh gà nói: “Tụi bây diễn hay lắm”. Chú Võ Văn Kiệt xem hai lần và gọi tôi đến nhà nói: “Mày quậy quá trời nhưng mần ăn vẫn coi được. Mày đã gửi gắm được cái hồn xứ sở vào đây”.
Sau khi nhận được đánh giá tốt của các chú, các bác, cứ thế Chuyện bây giờ mới kể thừa thắng xông lên đến những 10 năm mà không hề có một tờ giấy phép được diễn nào hết trọi (cười).
* So với bản dựng của đạo diễn Minh Hải với bản dựng của NSƯT Thành Hội, anh thấy có điều gì khác biệt?
- Về tinh thần thì vẫn y như nhau, có điều khác là trong khi Minh Hải khai thác góc nhìn chính luận thì Thành Hội thiên về khai thác tình cảm giữa những con người từng là đồng đội trong chiến tranh. Lời thoại của bản dựng bây giờ cũng được Thành Hội “gọt bớt” cho nhẹ nhàng hơn. Thật may mắn khi khán giả đến xem không hề vơi đi. Khán giả của 20 năm trước là những người đứng tuổi đã trải qua cuộc chiến. Khán giả bây giờ là những bạn trẻ khoảng 30 tuổi trở lại. Tôi rất mừng vì một vở kịch cũ vẫn thu hút người xem.
* Điều tâm đắc nhất khi ông soạn vở kịch này là gì?
- Thông điệp mà tôi muốn gửi thật đơn giản: Trong chiến tranh, con người ta có thể nói dối với nhau vì mục đích chung và duy nhất là đạt được hòa bình. Nhưng hòa bình rồi, con người phải trung thực với nhau, bởi sự gian dối còn tàn khốc hơn bom đạn.
Khi tôi viết kịch bản này, thời bao cấp chỉ vừa cáo chung vài năm, mà như nhiều người biết, đó là một thời kỳ kinh khủng khi con người không dám/được sống thật với chính mình.
* Có ý kiến cho rằng, anh viết vở kịch này vì muốn phản biện lại tác phẩm Cù lao Tràm từng đình đám một thời của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn?
- Thực ra tôi chỉ phản biện lại nhân vật Biền trong Cù lao Tràm mà thôi. Khi tiểu thuyết này ra đời, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn có đến giao lưu với sinh viên Trường Sân khấu- Điện ảnh TP.HCM mà tôi đang theo học. Trong Cù lao Tràm, bao nhiêu sự dốt nát đều dồn lênnhân vật Biền đang làm chủ tịch xã. Biền chỉ biết mê vọng cổ, cải lương chứ không biết làm gì khác. Nguyễn Mạnh Tuấn đã hiểu chưa đúng về vọng cổ, cải lương và tính cách của người Nam Bộ nên tôi đã xây dựng hình ảnh nhân vật Biền - chủ tịch xã trong Chuyện bây giờ mới kể hoàn toàn khác như một cách phản biện lại.
Nếu anh Nguyễn Mạnh Tuấn hiểu đúng hơn, dùng lời lẽ nhẹ hơn về vọng cổ, cải lương Nam Bộ thì đã không phản biện lại làm gì. Nhưng dù gì cũng cảm ơn nhà văn, vì nhờ nhân vật Biền trong Cù lao Tràm tôi đã xây dựng nhân vật Năm Biền thật vui cho vở kịch của mình. Chuyện chỉ có vậy thôi.
Từng vào tù, kể chuyện cho bạn tù nghe…
* Nghe nhiều người nói anh có thời gian ở tù khi Chuyện bây giờ mới kể vẫn sáng đèn hàng đêm?
- (Cười lớn). Đúng là năm 1993, tôi bị bắt giam khoảng 7 tháng ở Chí Hòa. Chuyện tôi đi ở tù không liên quan gì đến vở kịch của tôi hết, nhưng nhờ nhuận bút từ vở kịch này mà tôi có tiền mua sữa cho con vừa sinh vài tháng trước khi tôi bị tạm giam. Cũng nhờ nhuận bút từ vở kịch này, bạn bè lấy đó thăm nuôi tôi trong tù.
Chuyện là vầy, năm 1992, gia đình tôi có miếng đất rộng 2.000m2 ở An Phú, Q.2 cần bán. Do tôi quan hệ rộng nên tôi được anh em trong nhà ủy quyền làm các giấy tờ giao dịch để bán. Nhưng vì người mua trả tiền quá chậm nên gia đình tôi bán miếng đất ấy cho người khác và lấy tiền trả lại cho người mua trước. Tình hình lúc đó đất bắt đầu tăng giá, nên người mua trước không đồng ý nhận lại tiền đã khởi kiện. Tôi bị bắt giam là vì thế.
* Ở tù cũng là… môi trường để anh nạp thêm vốn sống cho nhiều kịch bản sau này?
- Chắc có lẽ thiếu phòng giam nên tôi bị nhốt ở khu dành cho tử tội bên cạnh phòng tướng cướp khét tiếng Phước “8 ngón”. Khoảng 7 tháng sau tôi được thả vì không có tội. Chuyện cũng chỉ có vậy thôi. Nhưng ở tù tôi thấy cũng có chuyện để nói, vì hàng đêm tôi đều kể chuyện cho bạn tù nghe. Hết chuyện Tây chuyện Tàu thì tôi kể chuyện hồi ở trong rừng, hết chuyện thực thì tôi sáng tác trong đầu kể tiếp…
* Năm ngoái, có lời đồn rằng anh đã làm “Lê Lai cứu chúa” trong vụ ầm ĩ Phước Sang mượn ô-tô đem cầm?
- Mặc người đời hiểu sao cũng được về vụ ấy, nhưng tính tôi xưa nay vốn vậy. Phước Sang là bạn của tôi, mà bạn gặp khó thì mình giúp được gì là giúp liền cũng giống như khi mình gặp thì có bạn bên cạnh.
Hiện tôi đang viết tiếp Chuyện bây giờ mới kể phần 2, bởi các nhân vật trong kịch này vẫn còn đang sống với số phận của mình. Tôi lang bạt kỳ hồ, giao du với đủ hạng người, nên chỉ cần bê nguyên xi họ vào kịch, kể lại một cách có lớp lang là cũng đủ thành câu chuyện hấp dẫn rồi.
Tác giả Lâm Quang Tèo, sinh năm 1958, cho biết: “Tôi theo anh trai, nhạc sĩ Thanh Trúc - tác giả ca khúc Vì sao em chết, PV - vô chiến khu ở Đầm Dơi, Cà Mau năm 11 tuổi. Lúc đầu tôi được tổ chức chọn gửi ra Hà Nội để đi Liên Xô học nhưng vì chiến tranh ác liệt nên các chú, các bác giữ lại làm giao liên trong khu. Chính những tháng ngày ở chiến khu đã giúp tôi có vốn sống để viết Chuyện bây giờ mới kể.” Lâm Quang Tèo là một trong những người khai sinh ra Hãng phim Hội Nhà văn VN, ông từng làm giám đốc đầu tiên của chi nhánh hãng phim này tại TP.HCM khi vừa thành lập. Hiện Lâm Quang Tèo sống cuộc đời phiêu bạt, để liên lạc với ông chỉ có thể gọi điện thoại vì ông không ở một nơi cố định nào. |
HOÀNG NHÂN (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất