Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc: 'Đến Việt Nam vì sức hút của nền văn học'

07/11/2013 14:49 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Thiết Ngưng, người được mệnh danh là "mỹ nữ" trong làng văn Trung Quốc, cùng đoàn gồm 6 đồng nghiệp khác đến thăm trụ sở Hội nhà văn Việt Nam sáng 5/11.

1. Đoàn nhà văn Trung Quốc đến Việt Nam lần này theo lời mời của nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong một chuyến thăm Trung Quốc trước đây. Sáng 5/11, đoàn có buổi gặp gỡ với hàng chục nhà văn Việt Nam tại trụ sở hội.

Phát biểu chào đón đoàn đại biểu Trung Quốc, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng khẳng định văn học Trung Quốc từ lâu đã được đánh giá cao và có ảnh hưởng tại Việt Nam.


Hai chủ tịch Hữu Thỉnh (trái) và Thiết Ngưng trong buổi giao lưu tại Hà Nội sáng 5/11

Nhà thơ cũng hy vọng, với sự phát triển của công nghệ thông tin, văn học Việt Nam sẽ được biết đến nhiều hơn ở Trung Quốc. Gần đây, 25 tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam đã được phát hành ở Trung Quốc với bản dịch của dịch giả Đoàn Tiểu Hoa.

“Tiến bộ của văn học sẽ tạo ra hơi ấm và tình thương cho một thế giới đang thu hẹp lại” - theo nhà thơ Hữu Thỉnh.

Nhà văn Thiết Ngưng chia sẻ: “Chúng tôi đến thăm Việt Nam vì 3 lý do: sức hút của nền văn học, sức hút của đất nước Việt Nam và sức hút của các đồng nghiệp Việt Nam.

Tôi tin rằng 1,3 tỷ độc giả Trung Quốc cũng có mong muốn được đọc các tác phẩm văn học Việt Nam để hiểu hơn về tâm tư của người Việt Nam. Họ muốn thông qua tác phẩm để biết sau hơn 20 năm mở cửa, các lĩnh vực chính trị, văn hóa, kinh tế… của Việt Nam đã phát triển như thế nào”.

2. Nữ Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc cũng cho rằng, văn học có tác động rất mạnh về tâm linh đối với con người. Có những tác phẩm vượt qua được thời gian, ngôn ngữ và lãnh thổ. Hơn nữa, Trung Quốc từng giao lưu văn học với nhiều nước và vùng lãnh thổ như Anh, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Đài Loan... nhưng không nước nào có sự gắn bó mật thiết như Việt Nam.

Nhà văn Thiết Ngưng được bầu làm Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc từ năm 2006, năm bà 49 tuổi - một độ tuổi rất trẻ so với chức vụ này. Trước bà, 2 chủ tịch khác của Hội Nhà văn Trung Quốc là những đại thụ của làng văn: Mao Thuẫn và Ba Kim.

Các tác phẩm của Thiết Ngưng đã được dịch ra tiếng Việt có: Cửa hoa hồng, Thành phố không mưa, Những người đàn bà tắm, Chơi vơi trời chiều.

Ngoài Thiết Ngưng, một số thành viên còn lại trong đoàn sang Việt Nam lần này là Ngải Khắc Bái Nhi - Mễ Cát Đề (tổng biên tập Tạp chí Nhà văn Trung Quốc); Trương Đào (Phó trưởng Ban Liên lạc đối ngoại Hội Nhà văn Trung Quốc)...

Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm