Chời ơi, áo dài!

11/02/2013 07:53 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - “Áo dài, chời ơi!”, đấy là tôi nhại lại câu thốt của một người đàn ông Mỹ hồi năm 1970 khi nhìn thấy tà áo dài Việt Nam trong hội nghị các nhà khoa học Hoa Kỳ tại tiểu bang Vermont, mà nhà văn Tràng Thiên kể lại trong tùy bút Chiếc áo dài Việt Nam (*). Năm 2012, khi đọc tác phẩm viết từ năm 1971 này (nằm trong tập tùy bút Quê hương tôi, NXB Văn học và công ty Nhã Nam ấn hành), tôi giống như anh Hoàng trong truyện ngắn Ðôi mắt của Nam Cao, vỗ đùi đen đét mà rằng: Viết về áo dài giỏi như thế là cùng!

Áo dài! 0,22 giây Google cho ngay kết quả: 13.400.000 tìm kiếm liên quan tới áo dài. Cùng với “phở” và “bánh mì”, “áo dài” là một trong 3 từ tiếng Việt được ghi “thuần Việt” trong Từ điển Oxford. Có nghĩa áo dài chẳng còn xa lạ với người Việt Nam và cả người nước ngoài. Áo dài tung bay theo chân hoa hậu, á hậu trên các đấu trường nhan sắc quốc tế, áo dài lại theo em gái mỗi sáng mai đạp xe tới trường… Người ta viết về áo dài, khen áo dài, ca tụng áo dài, tìm hiểu chân tơ kẽ tóc, thậm chí là tranh luận xem ai mới đích thực là người “vẽ” ra áo dài đầu tiên... quá nhiều rồi. Tràng Thiên nói một câu chuyện khác, ấy là “Áo dài Việt Nam “thắng lớn” trong nước và ngoài nước, do đâu mà được vậy?”. Câu trả lời của ông thật bất ngờ, khiến chúng ta ớ người ra, rồi sau đó gật gù, nói theo ngôn ngữ thời xưa là “chí phải, chí phải”, còn ngôn ngữ thời nay là “quá đỉnh”. Câu trả lời là: Do nó cho thấy gió.

Thực ra đó cũng không phải câu trả lời của nhà văn, mà là nhận xét của nhiếp ảnh gia Việt Nam nổi tiếng thế giới Nguyễn Cao Đàm sau nhiều tháng trở về từ Hội chợ Osaka, Nhật Bản, chứng kiến cuộc “so tài” và “chiến thắng” của áo dài Việt Nam trước các đối thủ quốc tế (giống như màn thi trình diễn quốc phục tại Hoa hậu Hoàn vũ).


Áo dài hơn đứt các trang phục truyến thống của nhiều dân tộc khác, chính vì Áo dài cho thấy gió. Hoàn toàn không phải một ý tưởng lãng mạn. Nhà văn cụ thể hóa cái “gió áo dài” ấy ra đây:

“Mặc áo dài mà đứng yên chưa chắc đã ăn đứt nổi những cô gái Âu - Á khác mặc y phục dân tộc của họ. Nhưng mặc áo dài mà đi, mà múa... thì người con gái Việt Nam linh động hẳn lên.

Áo dài Việt Nam nó vừa theo sát những nét tuyệt mỹ của thân người, lại vừa thêm cho tấm thân ấy sự linh động phơi phới mà nó vẫn ao ước. Những tà áo nhẹ ve vẩy phất phơ trong gió làm cho một thân hình nặng nề nhất, cục mịch nhất, cũng hóa ra thanh thoát.

Thân người là đẹp, nhưng thứ y phục chỉ nhằm khai thác cái đẹp của thân người thì rõ ràng là tục. Trang phục là văn hóa, văn hóa là một cố gắng cải biến thiên nhiên. Trang phục mà như mini-jupe, thì ấy là một cuộc phi nước đại trở về tự nhiên, gợi lên những ham muốn trực tiếp vào “tòa thiên nhiên”, là một chối bỏ văn hóa.

Nhưng thân người đẹp, y phục không được phép xóa hẳn cái thân người đi. Trang phục mà như chiếc kimono Nhật thì là một sự quá trớn của văn hóa đấy nhé. Văn hóa cũng phần nào thôi chứ.

Chiếc áo dài Việt Nam là một sự dung hòa giữa tự nhiên và văn hóa. Phần trên của nó đề cao thân người, bạo và tục; đã có phần dưới rất thanh, thoát hẳn thân người.

Nhìn vào một người nữ mặc áo dài, sau khi bị khích động vì cái phần trên, mắt lần dò nhìn xuống, thì ở phần dưới lại chỉ thấy... gió! Vâng! Ở đây chỉ thấy có gió (như người nhiếp ảnh gia tinh mắt đã thấy), có cái thướt tha, cái bay bướm mà thôi”.

Có lẽ chỉ cần thế thôi, Cho-Thấy-Gió, là đủ để ông học giả người Mỹ học duy nhất một câu tiếng Việt, “Áo dài, chời ơi!”. Hai nhạc sĩ Thanh Tùng và Từ Huy khi viết “Tung bay tà áo (dài) tung bay…” có cái lý của nó. Áo dài mà đứng yên chưa chắc gợi được cảm hứng cho nhạc…

Ấy thế nhưng, liên tục các năm gần đây, khi áo dài theo chân các người đẹp ra với đấu trường quốc tế, thi đấu với các trang phục truyền thống của các quốc gia khác, thì “áo dài, chời ơi”, “sao quê thế”, “nhạt nhòa thế”, “rườm rà rắc rối thế”… - toàn những “đá” của dư luận từ chính những người Việt Nam yêu áo dài. Mà thực tế, các nhà thiết kế đã rất dụng công, đầu tư bao thời gian, công sức, tiền bạc để sáng tạo những chiếc áo dài sao cho thật độc đáo, thật ấn tượng, thậm chí, thật… kỷ lục, cho các người đẹp mang đi. Ấy thế nhưng, chưa ở cuộc thi nào, áo dài “chiến thắng”, cũng như thành tích cao nhất của các người đẹp Việt Nam tại các cuộc thi nhan sắc thế giới là xếp thứ 11 trong Top 15 (Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm 2004).

Đem thắc mắc này cùng với bộ ảnh nhiều năm áo dài Việt Nam xuất hiện tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, đến gặp Trịnh Bách, nhà thiết kế và nhà nghiên cứu trang phục Việt Nam nổi tiếng, người đã phục dựng thành công nhiều y phục cung đình Huế và cũng là tác giả của nhiều bài viết về áo dài đăng trên một số tạp chí nước ngoài, thì anh buông ngay một câu (lại “chời ơi” nữa): Đây có phải là áo dài đâu!

Sống ở nước ngoài nhiều năm (trước khi trở thành nhà thiết kế và nghiên cứu văn hóa truyền thống Việt Nam, Trịnh Bách là guitarist cổ điển nổi tiếng người Việt ở nước ngoài, học trò của nghệ sĩ guitar bậc thầy Andres Segovia), viết về áo dài khi còn chưa trở về Việt Nam, Trịnh Bách bảo: “Cái áo dài vẫn được cả thế giới coi là quốc phục, hoặc trang phục truyền thống của Việt Nam. Một điều buồn cười là trong khi người Việt cứ nghĩ rằng áo dài Việt nổi bật vì sự gợi cảm, sexy. Mà ít ai ngờ thật ra áo dài Việt Nam được người ngoại quốc nhận ra nhiều nhất qua cái quần. Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, chương trình Broadway Miss Saigon được ra mắt ở New York. Cô đào chính người Philippines tên là Lea Salonga trong vai Miss Saigon mặc áo dài nhưng không mặc quần, cho nên bị báo chí Mỹ chỉ trích tơi bời. Dù lúc đó văn hóa Việt Nam chưa được biết đến nhiều ở bên ngoài”.

Lại thêm một “phát hiện” thú vị: Là áo, nhưng sự độc đáo, nét đặc trưng khác biệt lại nằm ở quần! Có quần, mà áo dài, với phần thân trên và xẻ tà khá giống với xường xám của người Trung Hoa, là một loại trang phục khác hẳn xường xám, không chỉ ở dáng hình, mà còn ở tinh thần. Vậy chứ, mặc áo dài mà không “cho thấy quần” thì còn đâu là vẻ áo dài nữa! Cực đoan hơn, nhạc sĩ Dương Thụ còn “phản đối tất cả các kiểu quần áo dài màu…đen”. Theo ông, áo dài màu gì thì mặc với quần trắng vẫn là đẹp nhất, vì nó, dù vô cùng kín đáo (dài từ thắt lưng xuống gót chân) vẫn “gợi” được đường cong, “gợi” được “cảm giác da thịt”. Ngược lại, màu đen thì giấu hết. Mặc thời trang mà chỉ thấy thời trang thì vứt. Thời trang phải để thấy con người!

Sang Nhật, nghe nói để học mặc kimono phải cần đến cả tháng, còn nếu thuê người mặc giùm cho mình một bộ kimono đúng bài bản, phải trả công 200USD. Áo dài, bạn đã biết mặc chưa?

Thủy Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm