Chiếc bình làm từ xác chiếc máy bay thứ 3700 rơi ở Hà Nội

04/02/2013 07:18 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - "Một kỷ vật khiến tôi không nén được xúc động là một chiếc bình hoa nhỏ được chế tác rất khéo léo. Giữa thân bình có khắc hình một chiếc máy bay Mỹ đang bốc cháy và chúc đầu rơi xuống", họa sĩ Nguyễn Thu Thủy kể về cuộc gặp gỡ thú vị của chị ở Pháp nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris.

Trong chuyến đi sang Pháp thực hiện bức tranh gốm, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy có may mắn được tham gia vào Lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức.

Tại đây, chị đã gặp gỡ những người bạn Pháp đã từng tham gia đấu tranh ủng hộ Việt Nam như: bà Helen Luc, nguyên Thượng nghị sỹ Quốc hội Pháp, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp - Việt, nhà sử học Alain Ruscio, tác giả của rất nhiều cuốn sách về Bác Hồ và Việt Nam, đạo diễn phim tài liệu Daniel Roussel, tác giả của những bộ phim tài liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hiệp định Paris và nhiều phim khác về Việt Nam... Đặc biệt chị còn gặp những người đã từng tham gia và gắn bó với hội nghị Paris những năm 1973.

Thethaovanhoa.vn xin giới thiệu bài viết của chị về những con người đặc biệt này.

Gặp lại bà Raymonde Dien

Tại lễ kỷ niệm này, tất cả chúng tôi đều vui mừng và xúc động được gặp gỡ bà Raymonde Dien, người phụ nữ đã xả thân chặn đoàn tàu chở vũ khí sang Việt Nam, nhân vật mà chúng tôi được biết đến từ trong sách giáo khoa thời con cắp sách đến trường. Tôi tặng bà chiếc cốc sứ Bát Tràng có in logo năm hữu nghị Pháp- Việt. Bà ôm hôn tôi thắm thiết và khoe tôi chiếc vòng ngà trên tay - kỷ vật Bác Hồ tặng bà năm 1956, cùng chiếc đồng hồ Movado có hình chân dung Bác..

Họa sĩ Thu Thủy (trái) cùng với những người bạn Pháp chụp ảnh kỷ niệm cùng nữ anh hùng Raymonde Dien

Năm nay bà đã 84 tuổi, phải ngồi xe lăn, không nói được nhiều, nhưng bà luôn cười thật tươi, dành cho chúng tôi ánh mắt đầy tình cảm trìu mến và tự hào.

Người bạn trẻ đi cùng bà kể rằng, giờ đây, tuy tuổi đã cao, nhưng mỗi khi có điều kiện, bà Raymonde Dien vẫn tham gia các hoạt động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam do Hội Hữu nghị Pháp - Việt phát động”. Bà Raymonde Dien xúc động nói: “Tôi cũng là con cháu Bác Hồ!”

Món quà đặc biệt

Một câu chuyện cảm động nữa là tôi được gặp hai người con của ông Duyver Popovich, người Choisy le Roi đã từng giúp đỡ nấu ăn cho phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian từ năm 1968-1973.

Theo lời căn dặn của ông trước lúc nhắm mắt xuôi tay, hai con ông đã mang những kỷ vật mà ông trân trọng giữ gìn theo mình đến cuối đời, đó là những thư từ, thiếp chúc Tết, bằng khen của Chính phủ CHXHCN Việt Nam tặng ông, những bức ảnh ông chụp chung cùng các thành viên phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bưu ảnh dán những con tem và chữ ký của tất cả các thành viên trong đoàn…



Những con tem Việt Nam và chữ ký của các thành viên trong đoàn VNDCCH - Kỷ vật do ông Popovich tặng lại thành phố Choisy le Roi

Và có một kỷ vật khiến tôi không nén được xúc động là một chiếc bình hoa nhỏ được chế tác rất khéo léo với hai núm hình đầu voi ngậm vòng hai bên. Giữa thân bình có khắc hình một chiếc máy bay của Mỹ đang bốc cháy và chúc đầu rơi xuống. Phía trên có khắc hàng chữ: “Mảnh xác máy bay thứ 3.700 bị bắn rơi tại Hà Nội ngày 27/6/1972”.

Bà Nicole, con gái của ông Popovich cho biết: “Đây là kỷ vật mà đồng chí Lê Đức Thọ đã tặng cho cha của chúng tôi trong bữa tiệc chia tay vào mùa xuân năm 1973.”

Bình hoa được làm từ mảnh xác máy bay thứ 3.700 bị bắn rơi tại Hà Nội ngày 27/6/1972

Ngôi biệt thự và những cuộc đàm phán bí mật

Thành phố Choisy le Roi trân trọng giữ gìn tất cả các kỷ vật, ảnh tư liệu và tất cả các tài liệu về Hiệp định Paris tại Viện lưu trữ của thành phố, nằm trong tòa nhà cổ ngay sát Tòa thị chính. Choisy le Roi đặc biệt có nhiều kỷ niệm và di tích lịch sử gắn bó với Việt Nam. Tòa nhà trường Đảng Cộng sản Pháp tại phố Maurice Thorez là nơi Hội đồng Thị chính thành phố Choisy le Roi đã dành riêng cho phái đoàn Việt Nam ở miễn phí trong 5 năm. Các bạn còn cử người bảo vệ, lái xe và nấu ăn cho phái đoàn Việt Nam. Tại đây, chúng tôi được gặp anh Gilles Dupuy, cháu nội của ông thị trưởng Fernand Dupuy thời kỳ 1959 đến 1979. Anh Gilles đã kể lại những kỷ niệm về ông nội đã truyền tình yêu đối với Việt Nam đến thế hệ trẻ Choisy le Roi như thế nào. Nhà ngoại giao Trịnh Ngọc Thái, nguyên thành viên đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bồi hồi xúc động nhớ lại những kỷ niệm xưa, ông chỉ cho chúng tôi phòng ở của cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy, phòng họp nơi đoàn từng đón tiếp rất nhiều bạn bè quốc tế đến cổ vũ ủng hộ Việt Nam, trong đó có nghệ sỹ Mỹ Jane Fonda.

Chúng tôi cũng đến thăm ngôi biệt thự số 11 phố Darthe - nơi Henry Kissinger và cố vấn Lê Đức Thọ đàm phán bí mật.Tuyết phủ trắng xóa sân vườn và mái nhà. Nhà ngoại giao Trịnh Ngọc Thái chỉ cho chúng tôi cây anh đào sau vườn nhà và nói: “Sau những giờ phút đàm phán căng thẳng, các cán bộ của ta lại ra đây thư giãn và hái anh đào ăn”. Ông còn chỉ từng chỗ nơi cố vấn Lê Đức Thọ, Henry Kissinger ngồi.



Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, nhà ngoại giao Trịnh Ngọc Thái và các bạn Pháp chụp ảnh kỷ niệm cùng vợ chồng chủ nhân ngôi biệt thự số 11 phố Darthe

Chủ nhân của ngôi biệt thự hiện nay là vợ chồng anh chị Petit Daniel và Laura cùng hai con trai nhỏ. Họ trân trọng giữ gìn nguyên bản ngôi biệt thự ốp đá cổ kính và cả những bài báo nói về những cuộc đàm phán bí mật giữa cố vấn Lê Đức Thọ và Henry Kisinger tại nơi đây. Họ nói với chúng tôi rằng họ rất tự hào vì được sống trong ngôi nhà lịch sử gắn bó với cuộc đấu tranh hòa bình cho Việt Nam và họ luôn sẵn sàng mở rộng cửa đón tiếp những người bạn Việt Nam đến thăm.

Nếu như sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 1, thì TP Choisy le Roi (Pháp) sẽ tổ chức vào tháng Ba để đón các đại biểu và bạn bè từ Việt Nam sang, cũng nhằm hưởng ứng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Được gặp gỡ và trò chuyện cùng bà Helen Luc, nguyên Thượng nghị sỹ Quốc hội Pháp, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt, nhà sử học Alain Ruscio, tác giả của rất nhiều cuốn sách về Bác Hồ và Việt Nam, đạo diễn phim tài liệu Daniel Roussel, tác giả của những bộ phim tài liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hiệp định Paris và nhiều phim khác về Việt Nam…, tôi cảm thấy một tình bạn lớn lao gắn kết giữa những người bạn Pháp và Việt Nam theo suốt một chiều dài lịch sử hơn 40 năm qua.

Dấu ấn Việt Nam ở  TP Choisy le Roi

Không phải ngẫu nhiên sau khi Hiệp định Paris được ký kết, thành phố Choisy le Roi vẫn luôn duy trì tình bạn gắn bó với Việt Nam như việc kết nghĩa với quận Đống Đa từ năm 1980, đặt tên một phố mới chạy thẳng ra sông Seine mang tên "phố Đống Đa" và mới đây một quảng trường mới bên sông Seine được đặt tên là quảng trường Hiệp định Paris.

Hai thành phố vẫn thường xuyên tổ chức các đoàn học sinh sang giao lưu và ở tại các gia đình rất thân thiết. Hàng năm các bạn tổ chức đón Tết âm lịch của Việt Nam với nhiều hoạt động triển lãm, diễn kịch, hoà nhạc với sự tham gia của các nghệ sỹ khách mời từ Việt Nam.

Bức tranh gốm về 40 năm Hiệp định Paris do tôi mới thực hiện (đã hoàn thành tại Pháp ngày 26/1, sẽ được khánh thành vào ngày 20/3 tới) như lời tri ân của thành phố Hà Nội đối với thành phố Choisy le Roi đầy ân tình, đã luôn sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong chiến tranh và thời bình xây dựng đất nước. 


Từ phải qua trái: Bà Nicole Trampoglieri, bà Helen Luc, ông Thị trưởng TP Choisy le Roi Daniel Davisse, ông Phó Thị trưởng Jean Joel Lemarchand, hoạ sỹ Thu Thuỷ, hoạ sỹ Dominique de Miscault

Nguyễn Thu Thủy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm