Charlie Nguyễn bấm máy 'Tèo Em': Phim 'road trip comedy' đầu tiên

20/05/2013 07:22 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay (20/5), tác phẩm điện ảnh mới nhất của Charlie Nguyễn được bấm máy tại TP.HCM, sau đó đoàn sẽ di chuyển dần dần theo kiểu cuốn chiếu để đóng máy tại thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp.

Thuộc thể loại "road trip comedy" (tạm dịch: hài hành trình), Tèo Em với hai diễn viên chính do Thái Hòa (Tèo Em) và Johnny Trí Nguyễn thủ vai, hứa hẹn là phim hài đầu tiên của Việt Nam làm theo thể loại này, dù thế giới đã khá quen thuộc.

“Thái Hòa đã có vài vai hài thành công trong Để Mai tính, Long Ruồi, Cưới ngay kẻo lỡ, nên khi viết nhân vật Tèo Em, tôi phải né dữ lắm, để tìm sự khác biệt" - Charlie Nguyễn nói về nhân vật đo ni đóng giày trong Tèo Em -  "Điều này cũng được Thái Hòa bổ trợ rất nhiều, vì cậu ấy có sự thông minh trong nghề nghiệp, là một diễn viên từng diễn khá nhiều tấu hài, nhưng luôn khoác lên mình “gương mặt chẳng hài”, kết hợp lại sẽ tạo nên những bất ngờ”.

Sau vài phim bộ ba (từ trái sang) Charlie Nguyễn – Thái Hòa – Johnny Trí Nguyễn này lại kết hợp với nhau. Ảnh: TL

* Thưa anh, khái niệm road trip comedy (hài hành trình) quả là còn mới mẻ với khán giả Việt Nam, vậy nó khác với các thể loại phim hài khác ở những điểm nào?

- Nói giản dị nhất thì ở phim "hành trình", diễn tiến câu chuyện phải nằm ở chính hành trình, phải di chuyển từ điểm A đến điểm B, đó là mấu chốt. Tình huống gần như bắt buộc là phải có hai nhân vật, mà ban đầu họ xung khắc với nhau, để qua các biến cố, họ sẽ hiểu nhau và sát cánh bên nhau nhiều hơn. Phim "hài hành trình" cũng vậy thôi, mảng miếng cười xảy ra nơi các mâu thuẫn ở trên đường, mà đích đến cũng thường là nơi kết thúc câu chuyện.

Thái Hòa và Johnny Trí Nguyễn sống ở hai thế giới khác nhau, một người lịch lãm, lanh lợi, một người cù lần, ngây ngô. Họ buộc phải lên cùng chuyến xe để đi về thị xã Sa Đéc, nhằm cứu vãn một mối tình, trên đường đi, chính sự khác biệt và xung đột đã sinh ra hài hước. Nhưng vượt lên trên tất cả, chính sự khác biệt lại bổ sung cho nhau, ảnh hưởng và làm thay đổi con người lẫn nhau.

* Nếu chỉ dừng lại ở đây thì những ai thích phim hài Mỹ có thể nhớ đến tác phẩm Planes, Trains and Automobiles (năm 1987) của John Hughes với hai nam diễn viên Steve Martin và John Candy, rất nổi tiếng. Anh sẽ phá cách cấu trúc hai nam nhân vật chính như thế nào?

- Đây quả là câu hỏi gây khó dễ (cười khá dài), vì thể loại này đã thành công thức chuẩn mực rồi, để phá cách cũng không hề đơn giản, mà làm không khéo thì bị nói giống phim này phim kia.

Tôi sẽ mở thêm một tuyến nhân vật song hành để phá cách, nơi đó là câu chuyện do Ninh Dương Lan Ngọc, Ngọc Tưởng, Yaya Trương Nhi… thể hiện. Hai câu chuyện này sẽ “âm thầm” bổ sung, đan cài vào nhau, để gặp nhau tại Sa Đéc, thì kết thúc.

* Câu chuyện này đến với anh từ lúc nào? Hình như ban đầu kịch bản muốn câu chuyện đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt, sao anh đổi xuống Sa Đéc?

- Khi quay Bụi đời Chợ Lớn thì tôi đã được đọc kịch bản gốc của phim này, tôi thấy thích vì nó chạm đến thể loại road trip, vốn ít gặp ở Việt Nam. Nhưng khi đọc kĩ, tôi thấy cần phải viết lại và bổ sung nhiều tình tiết cho chặt chẽ, lôi cuốn.

Còn việc đổi từ Đà Lạt sang Sa Đéc là do câu chuyện không cần đến quãng đường dài như vậy. Về mặt sản xuất, đoạn đi Sa Đéc cũng tiết kiệm được nhiều hơn, vì không có đèo núi; hơn nữa, cá nhân tôi cũng thích Sa Đéc, nơi đã dựng nên tác phẩm Người tình rất lãng mạn.

* Nhân anh nhắc lại Bụi đời Chợ Lớn, vốn đang gặp trục trặc khi duyệt phim, anh rút kinh nghiệm gì cho mình khi làm Tèo Em?

- Thật lòng mà nói thì tôi chẳng có kinh nghiệm gì trong việc đáp ứng các yêu cầu của quá trình duyệt phim, vì đây là phim đầu tiên tôi "bị" mắc ở khâu này, còn những phim khác khá suôn sẻ. Hơn nữa, khi sáng tạo, tôi muốn làm hết khả năng và điều kiện của mình, những chuyện khác thì làm sao mà kiểm soát được, nên không cần phải lo lắng nhiều quá. Với lại, như anh em trong đoàn hay đùa vui, Tèo Em “là em” của bụi đời, thuộc thể loại tâm lý hài, kết thúc tốt đẹp, thì đâu có gì phải lo.

* Bản thân anh nghĩ gì khi từ chuyện của Bụi đời Chợ Lớn mà dư luận đặt vấn đề cần mở rộng việc dán nhãn và phân loại phim tại Việt Nam?

- Tôi không thích so sánh nền điện ảnh Việt Nam với bất kì nền điện ảnh phát triển nào khác, nhưng thực tế cho thấy, ngay cả Mỹ, họ cũng phải trải qua nhiều chục năm để hoàn chỉnh dần dần các điều khoản của luật. Tôi chỉ biết hi vọng rằng, khi các điều khoản trong Luật Điện ảnh Việt Nam được thay đổi theo hướng cụ thể và cập nhật hơn, thì cả phía quản lý và phía sản xuất đều dễ làm việc hơn, còn nơi hưởng lợi nhiều nhất là khán giả.

* Xin cảm ơn anh

VĂN BẢY (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Một số phim thuộc thể loại road trip, rất nổi tiếng, có thể dễ dàng tìm xem trên mạng: The Hitch-hiker (1953), Easy Rider (1969), The Reivers (1969), Five Easy Pieces (1970), Duel (1971), The Motorcycle Diaries (2004), Bombon: El Perro (2004), Old Joy (2006), Little Miss Sunshine (2006)…



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm