Chấm điểm bài thi trên… DIỄN ĐÀN INTERNET!

08/08/2009 11:43 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục ngày nay không còn là điều mới mẻ. Nhưng gần đây nhiều sinh viên kháo nhau một hình thức khá đặc biệt - thi và chấm thi môn Văn hóa học… trên diễn đàn của Khoa Văn hóa học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.

Truy cập vào phần “Diễn đàn” của trang web: www.vanhoahoc.edu.vn (hoặc vanhoahoc.net, vanhoahoc.com), người đọc rất bất ngờ khi thấy những topic (chủ đề) phong phú. Bên cạnh những chủ đề mang tính xã hội như Đi tìm giá trị văn hóa trong ngoại tình, Tình yêu & tình dục đồng giới - cách nhìn nhận của xã hội, Mại dâm trong thời kỳ hội nhập, có những chủ đề được khai thác theo hướng nghiên cứu nhưng vẫn thể hiện thông qua những đề tài mang tính thị hiếu như Văn hóa nhũ hoa, All about kiss, Cười dưới góc nhìn văn hóa , Tục cạy cửa ngủ thăm - có hay không giá trị văn hóa?...

Nhưng đó không hẳn là những topic để phổ biến kiến thức hay để... tán gẫu như thường thấy trên các diễn đàn. Đó chính là những bài thi đang trong quá trình “chấm điểm”; và việc bạn “comment” đánh giá các chủ đề ấy chính là bạn đang góp phần “cho điểm” cho những bài thi.

Bài thi phải công khai trên diễn đàn

Về hình thức thi và chấm thi mới mẻ này, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Trưởng khoa Văn hóa học - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho biết:


GS.TSKH Trần Ngọc Thêm thuyết trình tại Đại học Đông Nam (Nam Kinh, Trung Quốc)

- Xuất thân từ nghề ngôn ngữ học toán học, sau đó mới chuyển sang nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa, tôi sớm nhận thấy việc học viên sử dụng diễn đàn cho việc học tập đem lại lợi ích rất lớn. Do đó tôi đã hướng dẫn cho các học viên ứng dụng vào tất cả các môn học.

* Giáo sư có thể nói cụ thể hơn về cái “lợi ích rất lớn” đó?

- Trước hết, việc sử dụng diễn đàn có khả năng giúp kéo dài thời gian học. Một môn học 30 tiết trên lớp chỉ có 6 buổi, thời gian lĩnh hội kiến thức và suy nghĩ về môn học là rất ít. Mặc dù môn nào cũng có yêu cầu bắt buộc phải đọc sách nhưng nếu thầy cô không có biện pháp để kiểm tra thì nhiều người cũng không đọc sách mà chỉ giới hạn ở vốn kiến thức tiếp thu được trên lớp. Trong khi đó với hình thức này, việc học tập diễn ra là vô hạn về thời gian và có thể tiến hành trong mọi không gian.

Thứ hai, một người khi sử dụng tốt diễn đàn thì luôn có thể sử dụng tri thức tập thể của các thành viên trong diễn đàn để phục vụ cho nhu cầu của mình.Ví dụ có câu hỏi thắc mắc nào đó, học viên có thể đưa lên thành một chủ đề; và ở trong một diễn đàn đông người thì sẽ luôn có người giúp mình giải đáp những thắc mắc đó. Thứ ba, hình thức thi này không đơn giản là thi mà là sáng tạo, là bước đầu tập sự nghiên cứu khoa học.

* Như vậy, diễn đàn không còn là chỗ để... tán chuyện nữa, mà là một “phòng thi” thực sự...

- Hình thức thi này còn tạo ra sự đối thoại giữa các học viên. Người Việt Nam thường thích “tám” chuyện phiếm nhưng khi vào công việc thì khả năng làm việc nhóm rất hạn chế. Chính vì thế, cách học này sẽ giúp cho học viên tinh thần làm việc tập thể, biết cách giao tiếp khoa học để chủ đề của mình được duy trì lâu dài. Ngoài ra, hình thức học này còn giúp học viên rèn luyện được kỹ năng nghi ngờ, kiểm tra và phê phán trong giao tiếp khoa học, nội dung được thảo luận trên diễn đàn. Đây là một thao tác rất quan trọng về mặt phương pháp luận, bởi nếu đó là nội dung do thầy cô đưa lên diễn đàn thì học viên có xu hướng chấp nhận như chân lý, từ đó trở nên thụ động và không có ý kiến. Tuy nhiên nếu là những ý kiến của các thành viên trong diễn đàn, học viên thường có xu hướng nghi ngờ và nhờ đó tư duy sẽ trở nên năng động và tích cực để xác nhận hoặc phản bác lại.

Thực tế, với phương pháp đào tạo này, giảng viên chúng tôi vẫn có tham gia trong diễn đàn nhưng dưới dạng ẩn danh nhằm tạo sự bình đẳng và khuyến khích học viên tự tin trước những đánh giá của mình hơn.

Điểm số căn cứ trên cả… comment!

* Ở hình thức thi này, ngoài ý thức của học viên trong quá trình học tập, giáo sư còn áp dụng những tiêu chí nào để chấm bài?

- Điểm thi của một học viên làm bài trên diễn đàn được tổng hợp từ ba điểm thành phần: Nội dung và chất lượng phần bài làm của học viên trong chủ đề/ Số lượng và chất lượng các bài trao đổi, bình luận của các thành viên khác về chủ đề đó/ Số lượng và chất lượng các bài của học viên tham gia vào các chủ đề của các thành viên khác.


Trang web của Khoa Văn hóa - nơi có diễn đàn để đưa các bài thi lên "chấm điểm"

* Giáo sư đã “thử nghiệm” hình thức đào tạo và chấm thi này lâu chưa? Và kết quả ra sao?

- Ở Khoa Văn hóa học ĐHQG TP.HCM, hình thức này được chúng tôi áp dụng từ năm 2005, còn ở ngoài Bắc thì tôi mới thực hiện trong năm 2009 (ở lớp Cao học Văn hóa học K15 của Viện Nghiên cứu văn hóa).

Cần thay đổi cách thức chấm thi “truyền thống”?

* Giáo sư có nhận xét gì về ưu điểm và nhược điểm khi sử dụng hình thức thi này so với hình thức thi viết tự luận truyền thống?

- Hầu như chỉ có ưu điểm. Hình thức thi tự luận cổ điển kiểu ra một đề thi gồm một hai câu hỏi và học viên ngồi làm bài thi trong một hai tiếng có rất nhiều nhược điểm. Nhược điểm thứ nhất là người học có thể chép bài của nhau. Dù là thi ở cấp đại học hay sau đại học thì việc có những cá nhân chép bài của nhau vẫn luôn luôn có. Thứ hai là cách thi đó không phản ánh hết được kết quả học tập. Một nội dung thì chỉ phản ánh đuợc một khía cạnh nhất định. Thứ ba là các bài làm na ná giống nhau, khiến trò và  thầy đều thấy đơn điệu và nhàm chán. Thứ tư là thời gian và không gian thi cố định khiến người học đôi khi rất thiệt thòi vì những lý do khách quan như đúng hôm thi bị ốm, tinh thần không tốt, hoặc có những ẩn ức nào đó khiến họ không làm được bài...

Trong khi đó thì hình thức thi này giúp học viên chủ động về thời gian và không gian làm bài cũng như phản ánh được về trình độ khả năng của học viên một cách khá chính xác.

* Thi cử là một khâu quan trọng trong quy trình giáo dục, vậy thì tính pháp lý của cách thi mới này như thế nào?

Mở rộng thử nghiệm này là cần thiết

“Hiện nay các trang mạng của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam chủ yếu mới dừng ở những thông tin quản lý. Việc sử dụng sâu vào mục đích chuyên môn chưa nhiều. Hình thức thi trên mạng theo kiểu trắc nghiệm thì ở một số nước đã làm nhiều, nhưng hình thức vừa thi vừa sáng tạo kiểu trên diễn đàn này có lẽ là khá mới mẻ. Tôi nghĩ rằng việc mở rộng thử nghiệm này là cần thiết và hữu ích” (GS.TSKH Trần Ngọc Thêm).

- Yêu cầu pháp lý cao nhất trong việc thi cử là đánh giá đúng năng lực người học, đảm bảo sự khách quan, công bằng, và khi cần thì có thể thanh tra, kiểm tra được. Với hình thức thi này, mặc dù người học làm bài ở nhà, nhưng sẽ phải tự làm chứ không thể nhờ người khác làm thay được vì người học phải duy trì một chủ đề trong một thời gian dài với nhiều yếu tố bất ngờ; trong thời gian đó, người học phải theo dõi thường xuyên, tham gia trao đổi nhiều lần với những thành viên khác và phải tham gia trao đổi ở các chủ đề khác.

Một bài khi đã đăng lên diễn đàn thì không thể tháo xuống được nữa. Bài thi viết tự luận sau ba năm sẽ được hủy đi, còn một chủ đề trên diễn đàn sẽ nằm ở đó vô thời hạn.

Ở hình thức thi viết tự luận, thầy chấm thế nào thì chỉ có thầy biết, chỉ khi có khiếu kiện mới có người mở ra xem lại. Còn ở đây, bài vở của học viên luôn nằm công khai ở trên diễn đàn, các học viên có thể kiểm tra thầy và tự kiểm tra lẫn nhau bất cứ lúc nào. Điểm cho sẽ phải hoàn toàn khách quan và công bằng

* Xin cảm ơn giáo sư.

Ngọc  Minh (thực hiện)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm