Cải lương 'Chuyện tình Khau Vai': Tình yêu và lòng bao dung hòa quyện

09/01/2014 16:12 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Đến một ngày nào đó, dẫu chợ tình Khau Vai có biến mất đi giữa đời thực thì nó vẫn sẽ tồn tại trong ký ức của con người, trong những tác phẩm nghệ thuật, trong đó có Chuyện tình Khau Vai của Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa công diễn vào cuối tháng 12 vừa qua (tại rạp Hồng Hà, Hà Nội.

1. Chuyện tình Khau Vai (tác giả: Nguyễn Thế Kỷ; chuyển thể và ĐD: NSƯT Triệu Trung Kiên) dựa trên câu chuyện dân gian về truyền thuyết chợ tình Khau Vai (chợ tình diễn ra vào 27/3 Âm lịch hàng năm) - một di sản văn hóa tinh thần tồn tại cả trăm năm của người dân tộc thiểu số vùng Hà Giang, đang dần phôi pha bởi những va đập tất yếu của cuộc sống hiện đại.

Vở cải lương dựa trên huyền thoại quen thuộc về nàng Út và chàng Ba nhưng câu chuyện mở rộng ra với cả vùng trời Khau Vai. Chuyện rằng nàng Út, con gái tộc trưởng người Nùng, đem lòng yêu chàng Ba là một thanh niên người Giáy nghèo nàn. Vì tục lệ tổ tiên ngăn cấm, họ trốn lên đỉnh Khau Vai để chung sống, nhưng rồi lại phải trở về để ngăn chặn cuộc tương tàn đổ máu giữa hai sắc tộc.


Nàng Út (nghệ sĩ trẻ Ninh Thị Như Quỳnh) trên sân khấu cải lương Chuyện tình Khau Vai. Ảnh: Ngân Anh

Họ buộc phải cưới người khác dù vẫn không quên được nhau. Khi nàng Út biết rằng người chồng hiện tại chính là kẻ giết chết cha mình và biết rằng không thể đến với chàng Ba, nàng tìm về đỉnh Khau Vai để được chết tại nơi mà nàng đã từng hạnh phúc nhất.

Một câu chuyện đơn giản nhưng có sức lay động kỳ lạ với người xem, bởi sức mạnh của tình yêu và còn bởi cách kể chuyện, cách lý giải tâm trạng và cách hành xử của các nhân vật khá hợp lý: nàng Út không tự dưng mà chọn cái chết nếu như không bị đẩy đến tận cùng của tuyệt vọng, chàng Ba không chết theo nàng Út bởi chàng còn trách nhiệm với đứa con mới chào đời…

Nhìn chung đây là một kịch bản tốt, có sức lay động người xem, mặc dù đôi chỗ xử lý hơi “điện ảnh” có thể khiến khán giả cải lương chưa ưng ý lắm (ví dụ Cố Sầu làm nhiều chuyện ác nhưng không có kết cục đích đáng). Trên nền sân khấu thiết kế sang trọng và phục trang đẹp, câu chuyện được tái hiện qua diễn xuất của dàn nghệ sĩ trẻ đẹp của Đoàn 1 Nhà hát Cải lương Việt Nam: Quang Khải, Như Quỳnh, Minh Hải, Xuân Thông, Dạ Ngọc Hương, Mai Lý, Đức Hảo, Ngọc Thảnh… Ngoài ra, vở diễn cũng tạo được ấn tượng cho khán giả qua sự xuất hiện của các diễn viên nhí trong vai các chú khỉ con trên đỉnh Khau Vai.

Có thể nói, khán giả đã có dịp thưởng thức một bữa tiệc đầy màu sắc và âm thanh của núi rừng Tây Bắc, cùng với những cảm xúc nguyên sơ về tình yêu và lòng bao dung của con người. Trong Chuyện tình Khau Vai có những mối tình tay ba rất “lạ lùng”: một người vợ cho phép chồng đến gặp người yêu cũ (vợ chàng Ba), một người vợ khuyến khích người yêu cũ sum họp với chồng mình nơi suối vàng (bà tộc trưởng), còn người chồng ghen tuông độc ác (Cố Sầu) thì chẳng được bất cứ tình cảm gì của người khác dù đứng trên đỉnh cao quyền lực. Chợ tình Khau Vai là như thế, là khi tình yêu trai gái hòa lẫn với lòng vị tha của con người, để cùng nuôi dưỡng tình yêu và sự sống cho con người ở đấy.

2. Tuy nhiên, vở cải lương Chuyện tình Khau Vai vẫn còn vài điều “lấn cấn”, ví dụ như nỗ lực tạo ra một không gian xưa cũ của Tây Bắc cả trăm năm trước nhưng bản nhạc chủ đề khá “tân thời”; sự gặp gỡ và tình yêu  của nàng Út - chàng Ba hơi thiếu điểm nhấn để tạo ấn tượng về một cuộc tình khắc cốt ghi tâm; kịch bản có đôi chỗ tạo cảm giác lan man, chưa chặt chẽ (mặc dù đó có thể là dụng ý của tác giả trong việc kể chuyện khách quan, không áp đặt tư tưởng), vài nhân vật diễn xuất chưa đạt đến chiều sâu và độ tinh tế …

Nhưng nếu tạm gác qua những săm soi có phần hơi chi tiết đó thì Chuyện tình Khau Vai là một vở diễn tốt, đạt được tiêu chuẩn “sang và đẹp”, vừa đậm chất cải lương lại vừa hiện đại trong cách dàn dựng. Vở diễn đã nhận được sự khen ngợi của đông đảo khán giả, những người mà bất chấp cái rét mùa Đông Hà Nội vẫn đến xem chật rạp, kể cả phải ngồi những ghế phụ đặt thêm hoặc đứng!

Người ta đến xem Khau Vai giữa Hà Nội để ra về với một cảm giác bâng khuâng, buồn cho bi kịch tình yêu nhưng cũng mang chút lạc quan, rằng cái chết không phải là sự kết thúc khi mà tình yêu là vĩnh hằng. Nói như đạo diễn Triệu Trung Kiên, có đến Khau Vai mới hiểu cuộc sống miền núi khắc nghiệt và khó khăn đến dường nào, và chỉ có sức mạnh tình yêu mới tiếp thêm được nghị lực sống cho con người.

Chuyện tình Khau Vai sẽ tiếp tục mang hương vị núi rừng Tây Bắc lãng mạn và huyền bí đến với khán giả Thủ đô vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ này.

Hy Văn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm