Ca trù "kết nghĩa" cùng quan họ

03/10/2009 10:15 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Không thể chờ tới những chương trình hoành tráng và được đầu tư kỹ càng hơn, một đêm diễn chia vui theo hình thức“cây nhà lá vườn” của các nghệ nhân quan họ và ca trù sẽ diễn ra tại đình Cống Vị (Hà Nội) vào tối mai 4/10/2009.

Như cách nói vui của người trong cuộc, đây là đêm diễn “tự ăn mừng” của ca trù và quan họ - khi hai loại hình này đều được UNESCO công nhận và tôn vinh vào cuối tháng 9 vừa qua. “Tự ăn mừng” vì đêm diễn được tổ chức khá giản dị: Không bán vé, không giấy mời, không  cả diễn văn chào mừng. Nghệ nhân biểu diễn thuộc về 2 CLB Quan họ Đặng Xá (Bắc Ninh) và Ca trù Thăng Long (Hà Nội). Qua lời mời bằng... điện thoại, khách tới đình Cống Vị, dự kiến cũng chỉ là bạn nghề hoặc những người vốn dĩ đắm đuối với hai loại hình nghệ thuật này.


CLB Ca trù Thăng Long sẽ tham gia biểu diễn
tại
đình Cống Vị


Ở Bắc Ninh, CLB Quan họ Đặng Xá là nơi hiếm hoi giữ lại hình thức biểu diễn của quan họ cổ với những chi tiết khá khắt khe về trang phục, làn điệu, cách diễn xướng... Tới đây, người xem có thể thấy được sự khác biệt giữa một canh quan họ của các liền anh, liền chị vài chục năm trước với lối biểu diễn vốn bị chê là “hiện đại hóa” của các làn điệu quan họ hiện nay. Trong khi đó, CLB Ca trù Thăng Long cũng được tổ chức như một nơi “chơi nghề” cho các nghệ nhân. Vốn đầu tư ít  ỏi, họ được “ mượn miễn phí” sân đình Cống Vị làm nơi biểu diễn, với điều kiện một năm hai lần phải tham gia vào các buổi diễn tại đình.

Khá thú vị, trước khi cùng lọt vào danh sách xếp hạng của UNESCO, ca trù Thăng Long và Quan họ Đặng Xá đã... “kết nghĩa” với nhau từ vài năm trước. Lý do đơn giản: gạch nối giữa 2 CLB này là nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. Là người đưa ra ý tưởng thành lập CLB Quan họ làng Đặng Xá, Hiền cũng chính là “cố vấn chuyên môn” trong việc truyền nghề cho một số nghệ nhân trẻ của CLB Ca trù Thăng Long. Chính vì vậy, khi 2 CLB này lần lượt ra đời từ vài năm trở lại đây, anh là người chủ động tổ chức cho họ... kết nghĩa với nhau.


Quan họ Đặng Xá

Nói nôm na, giữa 2 CLB có việc gì thì vẫn “gọi nhau sang”. “Một số lần, cả quan họ và ca trù của hai phía cùng xuất hiện trong một chương trình nghệ thuật rồi,  anh Hiền kể, “Cùng là nghệ nhân, cùng lao đao vất vả trong nhịp chảy của cuộc sống hiện đại, anh em hai phía hiểu và thương nhau là điều tự nhiên và bình thường.”

Dự kiến, đêm diễn vào tối mai sẽ có đầy đủ những “món” đặc sắc nhất trong quan họ và ca trù. Nếu quan họ là hình thức biểu diễn theo lối cổ thì ca trù tại đấy sẽ có hình thức hát thờ cửa đình - hình thức được coi là quan trọng và thiêng liêng nhất trong nghệ thuật ca trù. Nói như anh Bùi Trọng Hiền, những hình thức biểu diễn theo kiểu “nguyên bản” như vậy khó lòng có điều kiện xuất hiện trong đời sống hiện đại, bởi sự thay đổi về không gian sống, điều kiện biểu diễn cũng như phong cách truyền thống. Tạm thời, một đêm diễn “giả cổ” như vậy phải chăng cũng là dịp hiếm hoi để ca trù và quan họ được sống trong đúng không gian của mình?

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm