Ca sĩ Thanh Bùi: Sá gì “thần tượng âm nhạc” Anh, Mỹ!

16/06/2011 10:37 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Sinh ra ở xứ sở kangaroo, ca sĩ Thanh Bùi thực sự là một công dân Australia đúng chất. Phần Việt Nam luôn nằm sâu trong chàng ca sĩ đã đứng thứ 8 trong cuộc thi Australia Idol giờ đang trỗi dậy mạnh mẽ khi trở về làm việc ở quê hương. Đặc biệt là khi Thanh Bùi chính là người được chọn đại diện cho Việt Nam trong đêm nhạc HArtistry sẽ diễn ra tối nay (16/6) tại SVĐ Quần Ngựa, Hà Nội.

Thanh Bùi giản dị trong bộ quần áo đen, giọng nói ấm ngọt như cơm gạo mới. Chen giữa cuộc trò chuyện, Thanh cười thoải mái và thân tình như thể đang ngồi trong chiếc ghế nhung đỏ mà Thanh gọi là “chiếc ghế mơ mộng” trong phòng mình.

* Nhận lời tham gia đêm nhạc, có phải anh muốn “tấn công” thị trường âm nhạc Việt Nam không?

- Không, tôi không có ý định đó. Chỉ đơn giản là H-Artistry là một chương trình tuyệt vời. Nếu nhận lời biểu diễn, đây sẽ là lần đầu tiên người Việt Nam tham gia chương trình. Tôi nhận lời bởi tôi rất hãnh diện về điều đó.

Ở nhà, tôi vẫn sống theo phong tục Việt Nam, tôi vẫn ăn mắm ruốc, sầu riêng. Nguyên tắc của gia đình tôi là ở nhà không được nói tiếng Anh, chỉ được nói tiếng Việt thôi. Nếu nói tiếng Anh trong nhà sẽ bị phạt quỳ ngay.

Nhưng cũng phải nói, khi về Việt Nam, tôi mới có cảm giác gần gũi hơn với khán giả của mình. Khán giả Việt Nam quan trọng đến mức mỗi ngày tôi muốn hoàn thiện ngôn ngữ của mình để có thể tiếp xúc với người Việt, khán giả Việt. Tôi tự thấy mình cần nói cho giỏi hơn. Nhiều khi, nói những suy tư, triết lý rất khó, nhưng tôi vẫn cố gắng.

H-Artistry không phải cho tôi cơ hội để gần khán giả Việt Nam hơn, mà để khán giả quốc tế gần hơn với người Việt Nam. Đó mới là điều tôi muốn nói, muốn làm.

* Điều đó có ý nghĩa thế nào với anh?

- Điều đó có nhiều ý nghĩa với tôi lắm. Ở nước ngoài, họ vẫn đánh giá cao người Việt ở nhiều ngành. Đó có thể là những ngành rất khó như bác sĩ, nha sĩ. Nhưng người Việt ở nước ngoài lại không được đánh giá cao về âm nhạc. Vì thế, với H-Artistry, tôi phải thể hiện tài năng để có thể thay đổi điều đó.  Ước mơ của tôi là thế giới sẽ biết đến người Việt như những người có tài năng âm nhạc tầm quốc tế, có hướng đi ra quốc tế.

* Liệu anh có choáng ngợp khi hát chung sân khấu với những “thần tượng” đến từ Anh và Mỹ?

- Cả hai bạn diễn của tôi, họ cũng như mình thôi. Có gì khác nhau đâu. Sự thật, tôi đã làm việc với những người nổi tiếng hơn. Tôi đã viết nhạc với những người thắng giải Grammy. Với đêm diễn tối nay, tôi nghĩ sẽ đốt cháy sân khấu còn hơn cả hai bạn diễn. Bởi họ là khách mời, còn đây là đất nước của mình mà (cười sảng khoái).

* Anh có quan tâm tới những cơ hội ở những thị trường âm nhạc khác, như ASEAN hay Mỹ?

- Tôi hiện là thành viên của một ban nhạc ở Australia. Sau cuộc thi Australia Idol 2008, tôi đã tìm cho mình một ê-kíp đặc biệt. Họ sẽ hỗ trợ tôi cả trong việc tìm thể loại âm nhạc phù hợp và sáng tác cho tôi thể hiện. Tuy nhiên, khó khăn là, trong vóc dáng Á châu tôi cũng sẽ không phù hợp khi chọn đi con đường của người Tây phương. Ví dụ nếu tôi theo nhạc R&B thì họ sẽ so sánh mình với người da đen - nguồn gốc của chính loại nhạc đó. Và thực sự người da đen có những tố chất để hát tốt nhất thế giới loại nhạc này. Khán giả nhìn mặt tôi, thì khuôn mặt ấy cũng không có chất rock.

Vậy thì tôi phải tìm thể loại nhạc phù hợp. Và phải mất hai năm trời tôi mới thấy nó. Đó là soul pop electronica. Cuối năm nay, tôi sẽ phát hành album thể loại này tại Australia. Bỏ ra hai năm trời, viết 117 bài hát. Rồi chọn lại chỉ có 12 bài. Công sức ấy rất là lớn. Nếu không thành công thì có lẽ đó là số phận thôi.

Hát hết chỗ bài hát đó cũng mất nhiều thời gian, nhưng tôi phải thử hết. Và trong suốt hai năm trời đó, tôi làm việc 100 tiếng/ tuần.

* Gia nhập làng nhạc Việt vài năm nay, anh có nhận xét gì về thị trường này?

- Đó là thị trường mới bắt đầu. Nếu so với những thị trường đã mấy trăm năm như Australia thì không thể. Nhưng phải nói người Việt Nam mình rất giỏi. Có điều họ chưa có cơ hội để phát triển thôi. Mặc dù vậy, năng lực của thị trường Việt tăng rất nhanh.

Vì thế, tôi hy vọng trong một thời gian ngắn, đến ngày nào đó người ta không chỉ nói về thị trường âm nhạc Nhật Bản, Hàn Quốc mà còn nói đến thị trường âm nhạc Việt Nam nữa.

Ngữ Yên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm