Ca sĩ Siu Black: Định mệnh nghệ thuật và khổ đau trần thế

29/07/2013 13:19 GMT+7 | Âm nhạc


(Thethaovanhoa.vn) - Thời ở Ban Mê, những năm 1980, tôi đã có những tiên đoán đầy cảm tính rằng Y Moan sẽ là một tên tuổi lớn, khi chàng trai ấy vẫn còn hoang dã cởi trần đóng khố đi hát giữa buôn làng. Và sẽ có một Siu Balck - họa mi nổi danh với dòng nhạc nhẹ cùng rock. Về Siu Black có lần tôi thấy NSND Lê Dung và NSND Thanh Hoa có chung cảm giác như tôi, khi hai ca sĩ gạo cội vào biểu diễn trên sân khấu cao nguyên này...

Và đúng như vậy, đầu những năm 1990 đã có một Siu Black làm náo động sân khấu với những ca khúc như thác đổ, như suối ngàn... Nhưng Siu, sau những đam mê cháy bỏng với ca hát và tiếng cười hồn nhiên khanh khách ngỡ vô ưu kia, cô còn có những đớn đau thân phận và chấp nhận định mệnh nghệ thuật cũng như những lận đận khổ đau của đời nghệ sĩ...

Định mệnh nghệ thuật

MC vừa giới thiệu xong đã thấy tiếng Siu vang lên: “Có tôi đây”. Phong cách ấy cùng với cái thân hình quá mập khiến khán giả rộ lên tiếng cười khoái trá và bất ngờ hơn, vài phút sau khi Siu cất tiếng hát thì người nghe quên ngay đi ngoại hình quá cỡ của Siu để chìm vào nỗi mê say giọng ca họa mi cháy bỏng...

Siu hồn nhiên thế, gần như bản năng thế giữa đời, khó ai ghét hay giận được con người ấy. Có nữ phóng viên cắc cớ hỏi: “Chị không có chút mặc cảm nào về hình thức của mình?”. Vẫn khanh khách cười: “Phụ nữ ai không muốn mình đẹp. Tại mình không chịu ăn kiêng nên phải đành chịu vậy chớ sao? Nhưng cứ  nhạc nổi lên, mình cất tiếng hát là quên tuốt luôn”.

Trong cuộc đời con người vẫn có những bước rẽ định mệnh, những nhân vật làm nên định mệnh... Và với Siu, có một định mệnh nghệ thuật mang tên Linh Nga Niêkdam và Nguyễn Cường... Chị Linh Nga là con gái nhà giáo, nhà cách mạng nổi tiếng Y Ngông Niêkdam, từng phụ trách ca nhạc Đoàn Nghệ thuật Đắk Lắk kể rằng, Siu là cô bé Bana sinh ra ở Plei Tơ Nghia, gần thị xã Kom Tum. Đó là cái làng có nhà rông Kon Rbang bề thế và nổi tiếng khắp vùng, trong một gia đình quyền thế và giàu sang. Nhưng cô lại có một tuổi thơ không bình yên.

Cha mẹ Siu ốm đau rồi theo nhau ra đi, bỏ lại mấy anh chị em nheo nhóc phải sống nhờ người bà con. Siu về Đắk Lắk ở với bác H’ Jưp là giáo viên. Nhà bác Siu cũng khó và đông con nên cuộc sống khá vất vả. Tuy vậy họ vẫn cố cho Siu học hành tử tế. Siu không học đại học mà đi làm rẫy với gia đình bác. Thế rồi như tình cờ số phận, cô được gặp Linh Nga Niêkdam.

Số là sau lần tham dự hội diễn của trường cấp 3 Buôn Ma Thuột, nhạc sĩ Linh Nga Niêkdam đã để ý cô gái Bana với giọng hát vượt trội này. Ngày cán bộ Đoàn về nhà thầy giáo H’ Jưp để xin Siu làm cộng tác viên, ai cũng ái ngại trước gia cảnh người giáo viên khi cả nhà 7, 8 người phải sống trong túp lều nhỏ xíu. Và Siu xuất hiện. Cô từ rẫy về, buông cây dao phát cỏ, thẹn thò lấy cái mũ che đi chỗ rách trên chiếc váy cũ bạc màu...

18 tuổi, Siu hồn nhiên bước vào con đường nghệ thuật khi cô bắt đầu theo học trung cấp thanh nhạc, rồi tham gia nhóm Bzan xanh của Liên đoàn Lao động tỉnh và ngay sau đó giành chiếc HCV đầu tiên của Hội diễn Công nhân Viên chức tại Hải Phòng năm 1983 với ca khúc Mưa cao nguyên của Linh Nga Niêkdam và Khi tan ca của Nguyễn Cường... Chị Linh Nga kể: “Tôi là dân thanh nhạc, nên có điều kiện bồi dưỡng đào tạo các em. Cả Y Moan và Siu Black đều là những người em trưởng thành từ chiếc nôi nghệ thuật lớn là Đoàn Ca múa Đắk Lắk một thời...”.

Sau Y Moan, Siu trở thành giọng ca chủ lực của Đoàn. Và rồi 6 năm sau khi trở lại Cao nguyên, nhạc sĩ Nguyễn Cường trong lúc đi tìm nghĩa của một câu hát ru Bana qua lời hát Siu, ông đã viết Thênh thênh ohơi. Và bài hát như một định mệnh gắn tên tuổi Siu cùng người nhạc sĩ Hà Nội.

Với bài hát của Nguyễn Cường sau đó Siu đã giành danh hiệu Ngôi sao nhạc nhẹ tại Liên hoan Nhạc nhẹ toàn quốc ở Nha Trang. Và rồi tài năng hình như luôn gặp những thử thách. Thời buổi đứng trước những nỗi khó chung của đất nước, các đoàn nghệ thuật lâm vào khó khăn, lương thấp, nghệ sĩ bỏ đoàn đi làm đủ nghề kiếm sống, Siu cũng như nhiều nghệ sĩ sống bằng nghề nương rẫy.

Nhưng thèm hát quá, lâu lâu lại đi hát với các đội nghệ thuật quần chúng. Lại khó khăn, vợ chồng Siu đã bỏ Đắk Lắk đưa con về lại quê nhà Kon Tum những mong cậy nhờ bà con họ hàng... Nhưng tài năng ở đâu cũng hiếm và quý. Ông Giám đốc Điện lực Kon Tum mời chị về công tác tại cơ quan.

Được một dạo yên ổn về việc làm, chỗ ở, lại được tham gia biểu diễn mọi nơi mọi lúc. Có thể nói đó là thời kỳ hạnh phúc nhất đời Siu. Siu đi hát ở thủy điện Yaly, phục vụ bà con các buôn làng, đâu đâu khán giả cũng mê say giọng hát họa mi phố núi... Rồi ca khúc Em muốn sống bên anh trọn đời của Nguyễn Cường xuất hiện cũng là lúc Siu tỏa sáng, không chỉ với vùng đất Tây Nguyên mà vang xa tận ngoài biên giới. Giải thưởng Giọng hát được yêu thích tại Nhật Bản năm 1996, giải Nhất Giọng hát vàng ASEAN năm 1997 - 1998 đã đưa Siu thành ngôi sao tự lúc nào...

Và khổ đau trần thế

Có thể nói sau Y Moan, gương mặt nụ cười quen thuộc của Siu đã thành niềm kiêu hãnh của người Tây Nguyên. Nhưng đời người nghệ sĩ thường nhiều sóng gió, khổ đau... Quy luật ấy không bỏ qua Siu.

Từ lúc nổi tiếng, lịch diễn của Siu dày đôi khi kín cả tháng. Vậy là chị chấp nhận lựa chọn: Không bỏ nghệ thuật, không phụ lòng khán giả. Cái gì đến đã đến. Chị không thể bỏ nghề, còn người đàn ông của chị thì không thể không có người đàn bà bên cạnh. Và cuộc chia tay nào cũng mênh mang buồn... Gia đình với người chồng đã gắn bó hàng chục năm cuối cùng tan vỡ.

Siu muốn chạy trốn quá khứ không vui và chị về TP.HCM những mong thỏa sức đem cái đam mê của mình hiến dâng cho đời. 30 năm họa mi Tây Nguyên cất tiếng hát, Siu để lại ấn tượng khó phai về một giọng hát, một tính cách khác lạ tươi vui... Nhưng chỉ hồn nhiên bốc lửa, chưa đủ để nói về Siu. Siu còn một chút gì tinh tế và đôi khi sâu lắng trong từng câu hát...

Vài năm lại đây Siu bất ngờ xuất hiện với những vai trò khác: MC, Giám khảo các cuộc thi rồi thì cả việc tham gia đóng phim... những tưởng để vùi quên quá khứ. Nhưng... Sau bao nhiêu biến cố cuộc đời, những khoảng trống riêng tư và những thị phi quanh cuộc đời người nghệ sĩ, Siu giờ đứng trước những chiêm nghiệm về số phận. Với chị, mọi sự trả giá đều có nguyên cớ của nó.

Những mong yên ổn chốn thị thành nhiều cạm bẫy, sao chị vẫn hồn nhiên trong trẻo quá! Và khổ đau đến với chị là điều khó tránh. Giá mà chỉ có đi hát, giá mà có cuộc sống bình yên bên một bờ vai tin cậy, Siu sẽ không vấp ngã, không khổ đau như bây giờ.

Làm ăn thua lỗ, vướng chuyện nợ nần bây giờ không hiếm. Chia sẻ với Siu lúc này nhiều người đã đến với chị bằng tấm lòng và cả những giúp đỡ khác. Là phụ nữ ai chẳng mơ ước một cuộc đời bình lặng? Là người hồn nhiên hào sảng thế, ai biết được những hệ lụy cuộc đời chị phải gánh. Nhưng định mệnh nghệ thuật và những sóng gió cuộc đời làm người ta đau đớn. Với Siu, tôi tin nhiều người thương hơn giận, khi chị gặp sự cố, vấp váp...

Khi đang viết về Siu, từ Ban Mê, chị Linh Nga nói qua điện thoại: “Tin ở Siu đi. Người Tây Nguyên vốn vậy. Siu sẽ làm lại được. Siu vốn trọng tình cảm. Hễ Tây Nguyên nhắn gọi Siu về ngay. Ai gọi cũng về liền... Siu là vậy!”...

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm