Ca sĩ Họa Mi: Tôi sẽ trở về

05/10/2009 09:38 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Đúng như nghệ danh, nữ danh ca có “giọng hát trong và thánh thót ở những nốt cao, ấm áp và tình cảm ở những nốt trầm”, từng là một trong những ngôi sao hàng đầu của sân khấu nhạc nhẹ TP.HCM. Rời bỏ sân khấu ca nhạc năm 1988 vì lý do gia đình, sau 21 năm định cư tại Pháp, Họa Mi vừa “trở về” bằng album đầu tiên trong cả cuộc đời ca sĩ: Một thời yêu nhau (Phương Nam Film phát hành). Đây cũng là lúc để chị nhớ lại những kỷ niệm xưa cũ, để tiếc nuối một chút và hi vọng thật nhiều.

Nghề hát tìm đến tôi

* Chị là một trong số rất ít ca sĩ thời đó được học thanh nhạc một cách bài bản, cơ duyên nào đưa chị đến với nghề hát?

- Cho đến khi đi hát, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành ca sĩ. 15 tuổi, vì yêu văn nghệ nên tôi tham gia ca đoàn Gió Hơi (được thành lập bởi một... bác sĩ) và thỉnh thoảng được hát lĩnh xướng. Một lần, ông Đoàn Chính (em của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - PV) xem chúng tôi biểu diễn, ông chú ý đến giọng hát của tôi và gợi ý tôi nên thi vào Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ (nay là nhạc viện TP.HCM - PV) vì năm đó trường mở lớp thanh nhạc đầu tiên do ông phụ trách. Đó là năm 1972. Vậy là tôi cứ sáng học chữ ở trường Gia Long, chiều học nhạc ở đó. Tuy vậy, lúc ấy tôi cũng chưa hề nghĩ mình sẽ trở thành ca sĩ.

* Học nhạc viện nhưng không nghĩ sẽ thành ca sĩ, vậy lúc đó chị định theo nghề gì?

- Tôi thích nghề bác sĩ. Bởi vì tôi mồ côi ba từ năm 11 tuổi, má tôi đang bệnh nặng, tôi thường xuyên phải vào bệnh viện chăm sóc má sau giờ học. Ở đó, tôi gặp một vị bác sĩ tốt bụng, ông chăm sóc má tôi cũng như nhiều bệnh nhân khác rất tận tâm dù những người bệnh ở đó đều rất nghèo và nằm viện không mất tiền. Tôi từng thấy ông bế người bệnh liệt giường đi chụp chiếu, khám bệnh... Ông đã khiến tôi cảm động và mơ ước mình sẽ trở thành bác sĩ.

* Nhưng rồi chị cũng trở thành ca sĩ...

- Tôi đến với nghề này bằng cơ may. Tôi chẳng tự tìm đến nghề nhưng nghề cứ tìm đến tôi. Học nhạc viện đến năm thứ ba,  tôi được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ tìm đến đặt vấn đề lăng-xê tôi thành ca sĩ chuyên nghiệp. Tôi rất bất ngờ và câu đầu tiên mà tôi nói với Hoàng Thi Thơ là: “Hồi nào đến giờ cháu không nghĩ sẽ thành ca sĩ, chú nói vậy cháu rất mừng. Nếu được hát thì cháu có thể kiếm được tiền.” Đúng là lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng nếu đi hát có tiền thì tôi sẽ tự lo được đời sống của mình chứ không phải sống nhờ anh trai, vì má tôi mất được hơn một năm rồi. Hoàng Thi Thơ đưa cho tôi bản nhạc bài hát Đưa em xuống thuyền bảo tôi về tập, hai tuần nữa thì biểu diễn. Tôi hết hồn vì vốn đã không tưởng tượng có ngày lên sân khấu biểu diễn một mình, lại chỉ được có hai tuần chuẩn bị. Dù trước đó tôi cũng đã lĩnh xướng nhưng bên cạnh tôi là cả một ca đoàn và sân khấu cũng nhỏ thôi.

* Lần biểu diễn đầu tiên đó có thành công?

 - Tôi nghèo đến nỗi không có nổi một bộ quần áo đẹp để lên sân khấu. Tôi nói với Hoàng Thi Thơ điều đó và ông đã dắt tôi về nhà giới thiệu với vợ rồi nhờ vợ ông lo cho tôi. Cô ấy đã đưa tôi đi may một bộ áo dài, mua cho tôi một đôi giày. Đến nhà hàng Maxim, tôi đọc bảng tiết mục thì thấy tên bài hát mình tập nhưng tên ca sĩ lại là Họa Mi (Họa Mi tên thật là Trương Thị Mỹ - PV), tôi hỏi Hoàng Thi Thơ: “chú có để lộn tên người khác không”, Hoàng Thi Thơ nói: “Từ nay trở đi cháu sẽ tên là Họa Mi”. Tôi đã run rẩy bước xuống sân khấu bằng cái cầu thang hẹp không đèn đuốc (hết mỗi tiết mục thì không có giới thiệu mà đèn tắt, ca sĩ đi xuống từ chiếc cầu thang cheo leo) với một cái tên mới và một bài hát tập được hai tuần, vừa sợ té vừa sợ hát sai. Rồi mọi chuyện cũng suôn sẻ, nhưng cảm giác hồi hộp còn kéo dài một thời gian. Giờ 54 tuổi mà mỗi lần ra sân khấu tôi còn run chứ huống hồ... (cười).

* Nghe nói chị còn đóng phim...

- Đúng rồi nhưng bộ phim đó chưa bao giờ được chiếu. Tôi lại về sống nhờ người anh, để nửa năm sau thì gặp một cơ may khác, tham gia đoàn Kim Cương. Đây cũng là lúc tôi lấy chồng, sinh con, cuộc sống rất khó khăn. Hát ngày nào thì có tiền đi chợ ngày ấy, tôi còn phải mang con theo khắp nơi để biểu diễn. Những kỷ niệm thời đó gắn nhiều với cháu đầu lòng của tôi nhất đấy. Hát với đoàn Kim Cương bảy năm thì các nhà văn hóa mở cửa hoạt động ca hát, tôi đã bỏ đoàn Kim Cương đến hát tại NVH quận 10 với nhạc sĩ Dương Thụ. Hồi đó nhiều NVH có sân khấu ca nhạc nhưng tụ điểm của anh Dương Thụ là lớn nhất, sân khấu ngoài trời với sức chứa tới 6.000 khán giả, trong khi những nơi khác chỉ khoảng 1.500.

Từng không nghe nhạc vì sợ nhớ nghề

* Chị ở lại Pháp năm 1988 để tìm cách đưa chồng (nghệ sĩ saxophone nổi tiếng Tấn Quốc) sang chữa bệnh trong một tâm thế không mấy dễ chịu, chị đã vượt qua thời kỳ khó khăn đó thế nào?

- Mới qua Pháp, tôi vừa phải đi học lại tiếng Pháp, vừa đi hát lấy tiền. Tôi hát trong một nhà hàng người Hoa từ 10h đêm đến 2h sáng với khán giả chủ yếu là người Hoa, người Pháp, rất ít người Việt. Tôi hát chỉ để kiếm sống vì ngày nào cũng biểu diễn những tiết mục như thế và có khi mình hát người ta chẳng hiểu mình hát gì, buồn lắm. Rồi kinh tế Pháp suy thoái, nhà hàng đó đóng cửa. Chồng cũ tôi không chữa được bệnh đã trở về Việt Nam. Chúng tôi chia tay, tôi một mình lo cho ba đứa con. Tôi đi bước nữa, chồng mới của tôi có một cửa hàng bánh và kem, tôi gần như bỏ hát hẳn để chăm lo công việc gia đình. Tôi không dám nghe nhạc, xem video ca nhạc Việt Nam và không biết người ta hát gì trong một thời gian dài, vì sợ mình không chịu nổi. Năm 1995, khi các con tôi đã lớn, công việc kinh doanh cũng đi vào ổn định, tôi đang dự định sẽ hát trở lại thì mang bầu đứa con út. Vậy là một lần nữa tôi lại phải rời xa ca hát, dằn lòng với lời an ủi của chồng: “Thôi em đã hát bấy nhiêu năm và đã ở đỉnh cao rồi, chẳng còn gì phải tiếc nuối nữa.”

 * Nhưng giờ chị đã về và thu liền một mạch ba album, chị có kế hoạch trở về hẳn Việt Nam phải không?

- Năm 2007, Phương Nam Film đã mời tôi về nhưng gia đình tôi lại mở thêm một tiệm bánh mì nữa nên tôi lại phải bận rộn và không thể về được. Giờ mọi việc đã ổn và tôi không thể trì hoãn lâu hơn, tôi nói với chồng nguyện vọng của mình: “Em muốn làm những CD cho riêng mình để có vật kỷ niệm cho đời ca sĩ.” Và anh đã đồng ý. Tôi làm album với những bài hát tôi yêu thích, vì từ đó tới giờ tôi chỉ có một cuốn băng do Hoàng Thi Thơ làm cho, đã lâu lắm rồi. Giờ, với những album này, tôi không quan trọng số tiền bán được, nếu khán giả yêu mến tôi mà mua nhiều, có tiền, tôi sẽ làm thêm nữa. Vậy thôi.

* Vì sao đã ở Việt Nam tới ba tháng để thu âm nhưng chị nhất định không gặp gỡ báo chí cho đến ngày album vol.1 được phát hành, chị còn từ chối lời mời biểu diễn của chủ phòng trà Văn Nghệ?

- Tôi không dám gặp báo chí vì tôi lo lắng không biết mình có làm album được không, thôi để khi làm được việc, ra sản phẩm rồi thì còn có chuyện mà nói. Tôi không dám biểu diễn vì sợ không được khán giả đón nhận, để ra album rồi xem khán giả có thích mình không thì mới biểu diễn chứ. (Cười).

* Nghe lại giọng hát của mình, chị có thấy mình khác?

- Khác nhiều chứ. Lúc trước còn trẻ, kỹ thuật tuy có tốt nhưng tâm trạng, diễn xuất rồi cả tâm hồn không được như bây giờ. Giờ kỹ thuật, giọng hát cũng yếu đi vì tuổi tác nhưng tâm trạng thì mang nặng trong mỗi bài hát, những tâm trạng không thể gọi tên được.
 
Ở Việt Nam mấy tháng, ngồi trên xe đò về miền Tây chơi, người ta mở những bài nhạc về quê hương, rồi dân ca Nam Bộ, tôi nghe thấy xúc động vô cùng. Mà cũng những bài ấy, trước đây tôi nghe thấy bình thường lắm. Rồi tôi nghĩ có lẽ mình sẽ thu một album như vậy...

* Chị từng nói về Sài Gòn bây giờ, chị thấy mình như người nhà quê ra tỉnh, điều gì đã khiến chị thấy “ngợp” như vậy?

- Mọi thứ thay đổi nhiều quá, nhà cửa xây lên, xe cộ đông đúc, hàng quán san sát, đời sống con người bận rộn... nói chung là ngoài sức tưởng tượng. Tôi như bị lạc khi cảm thấy bị cắt khỏi nhịp sống của nơi đây từ hai mươi mấy năm trước. Tôi thấy có gì đó tiếc nuối cái ngày xưa dễ thương của một thành phố nhỏ nhắn, ít xe cộ, nhà cửa không cao lắm.

* Còn đời sống ca nhạc thì sao?

- Phòng trà bây giờ ít quá, mà khách cũng không nhiều. Trong thời gian ở Việt Nam, tôi đã đến nghe nhạc ở phòng trà Không Tên, Đồng Dao, tôi thấy ở đó người ta hát đủ loại nhạc, ca sĩ cũng toàn người trẻ, biểu diễn sôi động, tôi lo mình không gần được với người trẻ. Cách hát của ca sĩ Việt Nam giờ cũng khác dù họ vẫn hát những bài nhạc tình mà ngày xưa chúng tôi hát. Họ trẻ và không sống ở thời đó nên họ hát bằng sự cảm thụ, bằng cách riêng của họ, như thế cũng tốt nhưng cá nhân tôi thấy có bài họ hát như vậy thì được nhưng cũng có những bài không hợp. Nhưng cũng có thể khán giả trẻ bây giờ thích kiểu đó, mỗi thời một kiểu kỹ thuật và cách thể hiện.

* Chị thấy những sáng tác mới như thế nào?

- Sáng tác mới, cũng là nhạc tình nhưng rất khác, không giống với thời xưa, nhưng cũng có cái hay của nó. Tôi nghĩ sau này có thể tôi sẽ thu một số bài hát do những người trẻ sáng tác. Nhạc tình mới có lời dễ thương nhưng cũng giản dị, dễ hiểu hơn, còn nhạc thương mại thì tôi thú thật là tôi không nghe được vì lời lẽ hơi “trắng trợn”, “sỗ sàng”, tôi nghĩ đã là ca khúc thì tuy sử dụng lời lẽ thật thà nhưng cũng phải văn chương một chút thì hay hơn.

* Chị có nghĩ đến chuyện trở về hẳn không?

- Tôi đã nghĩ đến chuyện đó. Nếu về, tôi sẽ đi diễn nếu được mời, không thì mở cửa hàng bánh, kem. Chồng tôi cũng đồng ý như vậy, chúng tôi muốn được sống những năm tháng cuối đời trên quê hương, lưu lại trong đầu những kỷ niệm về nguồn cội. Hơn hai chục năm ở xứ người, tôi chẳng bao giờ được nhắc lại những kỷ niệm cũ như thế này vì cuộc sống quá bận rộn, cả ngày quần quật, chẳng còn thời gian mà nhớ, mà kể, cũng chẳng có ai ngồi nghe mình kể nữa. Giờ nói chuyện với em, tôi thấy mình như một bà già đang ngồi kể lại chuyện xưa. (Cười). Nhưng kế hoạch sớm nhất là vợ chồng tôi sẽ về ăn Tết vào cuối năm nay, tôi thèm cảm giác Tết lắm. Bao nhiêu năm tôi không có được cảm giác ấy, vì sống giữa một cộng đồng văn hóa khác, Tết của mình không phải Tết của họ, đến ngày 30 thì sửa soạn mâm trái cây, con gà, bánh chưng cúng ông bà rồi vợ chồng ngồi ăn với nhau, thế là hết. Có lúc thèm Tết quá, tôi đến khu người Hoa, xem họ chưng đồ, treo đèn để có chút cảm giác. Có năm tôi còn quên mất Tết đấy.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này! 

Vân Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm