Bửu Chỉ: Muốn tiến bộ, phải tự lột da mình…

13/02/2013 07:20 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - “Muốn tiến bộ thì phải tự lột da mình để nhìn vào chính mình…”- vài ngày trước khi rời cõi tạm, Bửu Chỉ đã viết như vậy trong thư gửi một người bạn vẽ. Những bài viết cùng nhiều sáng tác, trong đó có cả những bài, những tác phẩm lần đầu được công bố trong cuốn Bửu Chỉ - Đường bay nghệ thuật và Ký ức trần gian (*) giúp người ta hiểu hơn về người họa sĩ đặc biệt này của hội họa Việt Nam hiện đại.

Dày 367 trang, Bửu Chỉ - Đường bay nghệ thuật và Ký ức trần gian có gần 50 trang phụ bản, in màu và đen trắng, giới thiệu nhiều sáng tác của ông, có những bức nhiều người đã biết và có cả những bức lần đầu tiên được công bố. Tương tự, nhiều bản viết trong sách cũng lần đầu tiên được công bố rộng rãi. Phần viết của ông gồm 14 bài, trong đó, có bài ông viết, có bài là bản thảo trả lời phỏng vấn tư liệu của Viện Mỹ thuật và báo chí nhưng vì nhiều lý do lúc đương thời nên đã không được đăng tải hoặc đăng tải không nguyên bản. Nhiều người bạn, người anh em từng viết về ông và nay lại tiếp tục viết về ông riêng cho sách này.

Bửu Chỉ (1948 - 2002) là một nhân vật đặc biệt của hội họa Việt Nam hiện đại. Ông thuộc dòng dõi hoàng tộc Huế, yêu thích hội họa từ nhỏ nhưng lại học luật để thuận theo ý gia đình. Cuối những năm 1960, Bửu Chỉ tham gia phong trào sinh viên biểu tình chống chiến tranh ở Huế bằng rất nhiều bức vẽ nói lên tinh thần yêu chuộng hòa bình và tự do. Ông chịu cảnh tù đày của chính quyền miền Nam từ năm 1972 cho đến khi giải phóng thống nhất đất nước.Trong tù, dù bị tra tấn, nhiều nhất vào đôi bàn tay, nhưng ông vẫn vượt qua tất cả để tiếp tục vẽ, truyền lửa khát vọng tự do cho bạn tù và cho hàng vạn người chờ được ngắm nhìn những bức vẽ của ông ở bên ngoài song sắt, như chờ được ông tiếp lửa đấu tranh. Trịnh Công Sơn từng viết: “Trong những năm chiến tranh ác liệt nhất ở miền Nam, nếu như ở địa hạt âm nhạc, tôi viết những ca khúc phản chiến và khát vọng hòa bình thì ở phía hội họa, họa sĩ Bửu Chỉ gần như là người duy nhất vẽ rất nhiều về đề tài chiến tranh và hòa bình… Chúng tôi cùng hát với nhau những đêm không ngủ, những ngày xuống đường và nhiều nhất là những buổi hát nuôi dưỡng hào khí ở quán cà phê Tổng hội…” (Trịnh Công Sơn, Viết về Bửu Chỉ). Sách Bửu Chỉ… đã giới thiệu nhiều sáng tác trong giai đoạn này của ông, từ tranh vẽ độc lập đến minh họa và vi-nhét cho những tờ báo, tạp chí yêu nước của sinh viên thời đó.

Qua sách này, người yêu hội họa của ông lần đầu được biết đến bức bài tập hình họa mà ông tập vẽ theo một bức tranh chân dung hiện thực cổ điển của Rembrandt. Người tập vẽ này khi đó đã rất biết chú trọng vào đôi mắt, nơi tập trung và tỏa sáng thần thái của nhân vật. Ông cũng không bỏ qua các chi tiết như viền tóc, viền khăn, dáng mũ dù chỉ là những nét phác sơ giản. Bài tập phần nào nói lên sự cẩn trọng của một họa sĩ tự học, có lẽ đúng hơn là tự mình dạy và học với chính mình từ những bài tập sơ đẳng nhưng căn bản nhất của nghệ thuật tạo hình. Để sau đó, trên nền tảng kỹ thuật tạo hình vững vàng ấy, ông hoàn toàn tự do với tư tưởng sáng tạo nghệ thuật của mình.

Những thăng trầm của cuộc đời ông về sau này đã được phản ánh lại trong nhiều bài viết của người bạn và đồng nghiệp Đinh Cường, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, Nguyễn Quân, đến những người yêu Huế và thương ông, trọng tài ông như Nguyễn Đắc Xuân, Bửu Nam, Phạm Thị Anh Nga, Lê Khắc Cầm, Ngô Minh, Trần Thùy Mai… Riêng ông, hầu như ông không đề cập đến thực tại cá nhân trong những bài viết của mình mà thay vào đó luôn là sự nhất quán trong tư tưởng sống và tư tưởng nghệ thuật. Bàn về bản sắc dân tộc trong mỹ thuật hiện đại, ông viết “… Tôi quyết định vẽ theo tôi một cách tự nhiên và trung thực. Nếu tôi là người Việt Nam với đầy đủ tư chất thì tác phẩm của tôi sẽ mang tính Việt Nam. Tính Việt Nam của một con người sống trong thời hiện đại. Tôi muốn nói bản sắc dân tộc được hình thành từ con - người - bên - trong của mỗi nghệ sĩ. Tính cách của một tác phẩm được quyết định và hình thành bởi một con người như thế…”. Cũng là sự trung thực trong nghệ thuật được ông tiếp tục nhấn mạnh qua bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Đại Dương (truyền hình Huế, năm 1997): “…Nghệ thuật đứng về phía “nước mắt”. Nó phản ánh cái phần bóng tối của cuộc sống mà mọi người chưa thấy ra hoặc mỗi người nghĩ mỗi cách. Nghệ thuật là khát vọng hướng về chân, thiện, mỹ mà chẳng bao giờ đạt được cái cùng. Nghệ thuật dĩ nhiên là cái đẹp; nhưng trước khi là cái đẹp, nó phải là cái trung thực…”. Cũng đề cập tới sự trung thực với nghệ thuật, ông viết về Trịnh Công Sơn: “…Tôi thì cho rằng, đến ngày nay, qua những trò dâu bể của cuộc thế, thời tính của những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn vẫn còn. Nó còn trong ý nghĩa của tiếng nói lương tâm và nhân ái… Là một nghệ sĩ chân chính, anh đã chọn cái logic của quả tim và bằng trực giác nghệ thuật, anh đã dựng nên sự nghiệp của mình…” (Bửu Chỉ, Tôi phát biểu về Trịnh Công Sơn và những ca khúc phản chiến của anh).

Nghệ thuật dĩ nhiên là cái đẹp; nhưng trước khi là cái đẹp, nó phải là cái trung thực- Bửu Chỉ

Từ nửa cuối những năm 1980 trở đi, khi dứt hẳn công việc của một công chức, ông hoàn toàn tự do với nghệ thuật. Ông bán được tranh, đem lại tài chính đủ cho cuộc sống gia đình, được mời đi Pháp, Nga, vẽ tranh và triển lãm. Hội họa của Bửu Chỉ bộc bạch một cách khẳng khái nhưng luôn ấm áp và tinh tế tư tưởng xuyên suốt về sự trung thực với con - người - bên - trong của mình: một con người vừa thấu hiểu vừa như bị ám ảnh những vấn đề nhân bản cốt lõi, như là cái chết hay sự sống, tự do hay ngục tù, cái đẹp trong hạnh phúc và cả trong đau khổ, thời gian đời người và thời gian vĩnh cửu, và không ngừng chiêm nghiệm chính mình. Trong thư gửi bạn Đinh Cường chỉ vài ngày trước khi rời cõi tạm, ông viết: “... Trời lạnh, ngồi góc ấm, ông tìm đọc hai cuốn sách dịch này cũng thú, Báu vật của đờiĐàn hương đình (nói về xã hội Trung Quốc trong những chuyển biến lịch sử cận đại) của Mạc Ngôn (sinh 1955)… Nên đọc để thấy muốn tiến bộ thì phải tự lột da mình để nhìn vào chính mình…” (Đinh Cường, Bửu Chỉ, tiếng vọng một đời người).

Còn nhiều điều thú vị có thể rút ra được từ cuốn sách này, như là giá trị của tình bạn, tình yêu, giá trị của sự hi sinh trong tình chồng vợ, giá trị và trị giá của nghệ thuật, giá trị từ cuộc đấu tranh không khoan nhượng của ông với những kẻ phải đạo vì vụ lợi… Và hi vọng, sau khi gấp sách lại, bạn sẽ ít nhiều đồng ý với nhận định của ông về nghệ thuật: “… tranh là não sống, là tinh huyết” và “... Nó (nghệ thuật - PV) là sự phản kháng, là tiếng kêu gào không nguôi về nỗi bất hạnh của thế gian. Tiếng kêu gào này đôi khi cũng có thể chỉ là một đóa hồng mọc ra từ tim…” (Bửu Chỉ, Lạm phát hội họa, tháng 12/1991).

(*) Sách được thực hiện bởi một nhóm thân hữu và những người quý mến họa sĩ Bửu Chỉ, bao gồm từ việc sưu tầm tư liệu, sắp xếp, biên soạn, trình bày và đóng góp tài chính. Tiền bán sách sẽ được dành cho Quỹ Bửu Chỉ, dự tính do gia đình của cố họa sĩ quản lý, với mục đích hỗ trợ trẻ em nghèo hiếu học cũng như những năng khiếu hội họa nhỏ tuổi.

Bộ Bạch thư về bọn cáo quỷ quyệt với bút tích của ông


Phong Vân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm