Bỏ tượng cổ, đục tượng mới vì... thờ nhầm?

25/03/2013 12:57 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vì không phân biệt được “cụ” Trần Hưng Đạo với “cụ” Phạm Tử Nghi, hai pho tượng cổ vài trăm năm tuổi tại di tích đình Quỳnh Biểu (Quảng Ninh) sắp phải dỡ bỏ và thay bằng hai pho tượng... mới làm.

Đó là nội dung chính trong biên bản làm việc giữa đại diện Sở VH,TT&DL Quảng Ninh, chính quyền địa phương và một số phụ lão thuộc làng Quỳnh Biểu (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) vào cuối tháng Hai vừa qua. Ngoài việc đề nghị những phụ lão này “thuyết phục nhân dân đồng ý”, biên bản (có chữ kí của lãnh đạo Sở VH,TT&DL) cũng ghi rõ về việc áp dụng hình thức “lễ hóa giải” cho những pho tượng cổ, sau khi tượng mới được hoàn thành.

Rất nhiều lá đơn khiếu nại từ nhân dân làng Quỳnh Biểu đã được gửi tới báo giới và các cơ quan chức năng sau kết luận trên. Theo đó, quyết định này được đưa ra một cách hoàn toàn trái với nguyện vọng của những người đã chứng kiến câu chuyện oái ăm về hai pho tượng này.

Đình làng Quỳnh Biểu được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

26 năm đưa Đức Thánh Trần... đi trốn

Được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2006, đình Quỳnh Biểu (hiện nằm tại xã Liên Hòa) lại gần như không còn chút gì liên quan tới ngôi đình Quỳnh Biểu tồn tại cách đây 50 năm. Năm 1963, theo xu thế cũ, ngôi đình cổ - được cho là xây từ thời Nguyễn – bị phá bỏ để lấy đất xây các công trình sinh hoạt chung trong làng. Khi đó, người mang pho tượng Trần Hưng Đạo (được nhân dân trong làng thờ làm Thành hoàng) từ đình đi cất giấu là cụ Lê Văn Bảnh, hiện 71 tuổi.

“Đình phải phá, các cụ trong làng đều đau lòng. Ở cánh đồng làng bên có chùa Lưu Khê, khi đó cũng gần như bỏ hoang. Tôi hì hục vác tượng sang, giấu tại một gian phòng xép” - ông Bảnh kể - “Mãi tới năm 1989, các cụ trong làng giục tôi sang xin về. Tới nơi, người coi chùa lắc đầu: tượng là của làng này. Tôi khóc mãi, ông cụ mủi lòng: “Khuân về giữa ban ngày thì chịu. Thôi, đêm tao để cửa cho mày vào, coi như bị trộm mang đi”.

Ông Lê Văn Bảnh, người mang tượng Trần Hưng Đạo đi giấu vào năm 1963

Đáng nói, tại chùa Lưu Khê khi ấy có tới hai pho tượng của làng Quỳnh Biểu. Pho còn lại là tượng Phạm Tử Nghi (một danh tướng nhà Mạc, quê Hải Dương), cũng được dân làng Quỳnh Biểu mang từ miếu Cống Quỳnh sang “gửi nhờ” tại đây vào năm 1963. Cả hai pho tượng được mang về năm 1989 và đặt tạm cạnh bàn thờ Phật trong chùa làng.

Năm 2005, khi đình Quỳnh Biểu được xây lại, lần lượt các pho tượng được rước từ chùa Quỳnh Biểu về “nhà mới”. Cùng một tấm lá dong bằng gỗ có chạm hình ngư dân chèo thuyền (giữ được từ ngôi đình cũ), hai pho tượng trên trở thành bảo vật trong đình và giúp địa chỉ này nhân danh hiệu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2006.

Đau đầu chuyện ngồi trên - ngồi dưới

Chuyện rắc rối bắt đầu từ việc xác định danh vị cho hai pho tượng này sau khi mang về đình. Theo kiểm kê, hai pho tượng đều làm bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng, ước chừng hơn 100 năm tuổi và có kích thước khá giống nhau (cao 115cm, rộng 30cm). Thêm vào đó, cả hai pho tượng đều có tư thế ngồi, mặt gắn râu, chân đi hia, đầu đội mũ cánh chuồn. Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở bàn tay và trang phục của hai pho tượng: một pho mặc áo chạm hình rồng vờn sóng nước, một bên tay thu kín trong áo;  pho còn lại có đôi bàn tay đặt trên đầu gối, áo chạm hình hổ phù.

Ông Bảnh, người trực tiếp mang tượng đi giấu, cũng như phần đông phụ lão trong làng, khẳng định: Tượng Trần Hưng Đạo chính là pho mặc áo chạm hình rồng. Ngược lại, ông Trần Văn Ngưu (Trưởng ban khánh tiết của làng) lại khăng khăng cho rằng pho tượng kia mới là Đức Thánh Trần... “chính hiệu”

Hai pho tượng đang được xếp ngang nhau tại đình Quỳnh Biểu (pho mặc áo rồng bên phải)

Cần nói thêm, như phần đông các địa điểm thuộc lưu vực sông Bạch Đằng, Đức Thánh Trần trong vài trăm năm qua luôn được cộng đồng Quỳnh Biểu thờ làm Thành hoàng duy nhất của làng. Ngược lại, theo những người cao tuổi, ngôi miếu nhỏ thờ Phạm Tử Nghi ngoài đê xuất phát từ truyền thuyết danh tướng này bị nhà Minh giết và thả trôi dọc sông Bạch Đằng, qua làng nào thì được làng ấy lập miếu cúng. Do vậy, việc trưởng ban khánh tiết của làng đưa cả hai “cụ” vào đình và xếp pho tượng hổ phù lên bệ trên, pho tượng áo rồng  vào bệ dưới đã gây nên nhiều bức xúc trong làng.

Trong vài năm, hàng loạt đơn khiếu nại được làng Quỳnh Biểu gửi tới Sở VH,TT&DL Quảng Ninh. Giữa năm 2010, cơ quan này đã có công văn trả lời với nội dung: Pho tượng mặc áo rồng, giấu bàn tay trong áo, là tượng Phạm Tử Nghi (Lý do: các pho tượng thờ  Phạm Tử Nghi ở những xã gần đó đều có bàn tay tạo hình như vậy). Do đó, việc bố trí hai pho tượng tại đình là hợp lý.

Đơn khiếu nại của phụ lão Quỳnh Biểu tiếp tục được gửi lên các cấp cao hơn. Vài tháng sau đó, Sở VH, TT&DL Quảng Ninh phải mời hai chuyên gia di sản về lập hội đồng thẩm định lại. Kết quả: Theo khẳng định của GS Đặng Văn Bài (nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa) và PGS Trần Lâm Biền, pho tượng mặc áo hình rồng mới là tượng Đức Thánh Trần. Dựa trên kết luận mới này, đầu năm 2011, Sở VH, TT&DL tỉnh Quảng Ninh ra một công văn thay thế quyết định cũ. Bây giờ, đến lượt pho tượng mặc áo rồng được công nhận là tượng Trần Hưng Đạo.

Vậy nhưng, tranh cãi ở đình Quỳnh Biểu vẫn chưa thể kết thúc. Theo như các lá đơn khiếu nại, Trưởng ban khánh tiết trong làng và một vài cá nhân vẫn nhất định cho rằng tượng Trần Hưng Đạo phải là pho “hổ phù”. Tới thời điểm hiện tại, hai pho tượng đang được... đặt ngang hàng trên bệ thờ. Thậm chí, một chái nhà ngang đã được xây thêm ở sân đình, với ý tưởng làm nơi đặt một trong hai pho tượng được rước từ chính điện xuống trong khi chờ cuộc tranh luận ngã ngũ.

(Còn tiếp)

Hoàng Nguyên
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm