Bộ phim làm quặn thắt lòng người

30/04/2013 10:08 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là một bộ phim dữ dội tới nỗi đã xem nó một lần, thì có lẽ bạn không bao giờ dám xem lần thứ hai. Bộ phim về chiến tranh Việt Nam của đạo diễn Brian DePalma Casualties of War vừa gây choáng váng, vừa gieo vào lòng khán giả nỗi khiếp đảm và buồn nản, nhưng cũng không kém lôi cuốn đến khó quên. Trong hơn hai tiếng đồng hồ, người xem bất đắc dĩ bị lôi kéo vào những sự kiện khủng khiếp được hé lộ trên màn ảnh.

Vụ rắc rối ở Đồi 192

Chuyện phim tường thuật trần trụi về vụ hiếp dâm tập thể và giết hại một thiếu nữ Việt Nam 18 tuổi, do lính Mỹ thực hiện ở Tây Nguyên năm 1966, được giới quân đội thời ấy gọi là “Vụ rắc rối ở Đồi 192”.

Sáng sớm ngày 18/11/1966, một đơn vị lính Mỹ đứng đầu là trung sĩ Meserve, kéo một cô thôn nữ tên Oanh ra khỏi túp lều nơi cô đang ngủ với mẹ và em gái. Meserve cho lính của mình biết hắn sẽ đưa cô ấy theo để làm “đồ chơi” cho cả nhóm. Tất cả bọn chúng đều sẽ giải trí bằng cách hãm hiếp cô ấy bất kỳ lúc nào chúng muốn. Khi nào cảm thấy chán chê, chúng sẽ giết cô rồi phi tang chứng cứ.

Kế hoạch phi nhân tính và ghê rợn của Meserve khiến cho binh nhì Erikson bị sốc. Anh tân binh này quyết sẽ không bao giờ tham gia vào vụ hiếp dâm hay giết chóc tập thể này. Bất chấp nỗi khiếp sợ Meserve, Erikson từng nảy ra ý tưởng giúp cô thôn nữ tội nghiệp trốn thoát, nhưng anh không thể dũng cảm đương đầu với Meserve và những tên còn lại trong đội lính điên cuồng này. Trong suốt nhiều ngày, người thiếu nữ bị cưỡng hiếp nhiều lần, và sau đó bị giết hại tàn nhẫn theo kế hoạch của Meserve.

Erikson trong sự phẫn nộ tột cùng đã báo cáo tội ác này cho các sĩ quan trong đơn vị của mình biết. Nhưng họ không muốn dính líu gì tới vụ này, tìm mọi cách can ngăn anh, và tỏ thái độ như thể anh bị điên. Và vì cố gắng vạch trần tội ác, nên Erikson trở thành mục tiêu giết hại của những người từng là đồng đội của anh.

Nhiều tuần sau, Erikson gặp được hai cha tuyên úy, những người nghiêm túc lắng nghe câu chuyện của anh, và anh dẫn họ đi tìm xác nạn nhân. Một trong hai cha tuyên uý là đại úy Kirk, trước đó đã ở trong lực lượng cảnh sát Salt Lake City 10 năm. Xác cô gái bị phân hủy nặng nhưng vẫn được đưa về Sài Gòn để khám pháp y, do đại tá Pierre Fink, sĩ quan chỉ huy của Phòng thí nghiệm y khoa Thứ Chín, thụ lý trường hợp này (Đại tá Fink là một trong ba nhà nghiên cứu pháp y đã thực hiện khám nghiệm tử thi Tổng thống John F. Kenedy bị ám sát năm trước đó vài năm.)

Sự việc bùng nổ và tội ác được đưa ra ánh sáng đúng như mong đợi của binh nhì Erickson, và một cuộc điều tra được bắt đầu. Năm 1967, bốn tên lính phạm tội bị đưa ra xét xử ở toà án binh tại Việt Nam. Chúng bị sa thải khỏi quân đội cùng với những bản án tù nghiêm khắc.



Từ The Visitors của Elia Kazan…

“Vụ rắc rối ở Đồi 192” được nhà báo chiến trường kỳ cựu Daniel Lang tường thuật trên tạp chí New Yorker vào ngày 18/10/1969, sau khi ông đọc cả bảy cuốn biên bản ghi lại vụ xử án trong văn phòng thư ký tòa án tại Tòa án binh Mỹ ở Falls Church, bang Virginia.

Lang đi tới Minnesota để tìm Erikson, nhân chứng duy nhất. Erikson không phải là tên thật của anh. Lang đã thay đổi tên họ của tất cả những người liên quan, để bảo vệ họ trong tương lai. Một thời gian rất dài Erikson phải sống dưới một cái tên giả, do sợ bị trả thù bởi những đồng đội mà anh đã đưa họ vào tù.

Sự kiện này được sự đón nhận đặc biệt từ giới phê bình khi nó được xuất bản thành sách dài 123 trang có tựa đề: Casualties of War. Tờ London Observer gọi đó là “một câu chuyện kinh điển về những hậu quả tàn bạo của chiến tranh, có thể so sánh với các tác phẩm kinh điển như: Red Badge of Courage, hoặc All Quiet on the Western Front”. Tờ Christian Science Monitor thì so sánh nó với thiên sử thi Heart of Darkness của Joseph Conrad.

Từ đầu thập niên 1970, Hollywood đã muốn biến Casualties of War của Daniel Lang thành phim. Nhưng họ e ngại chủ đề này quá nhạy cảm, và một lý do khác nữa là không thể quay phim tại chính nơi đã xảy ra sự kiện, bởi Chiến tranh Việt Nam vẫn đang tiếp diễn khốc liệt.

Năm 1972, đạo diễn Elia Kazan đã sử dụng câu chuyện cơ bản của Lang để làm điểm xuất phát cho một bộ phim có tên The Visitors. Kazan tự bỏ ra 160.000 USD để sản xuất và quay phim này trong điền trang của mình ở Connecticut, với tài tử James Wood, trong vai chính đầu tiên của mình, một cựu binh Chiến tranh Việt Nam bị những người đồng đội của anh trước đây lùng bắt. The Visitors không thất bại về doanh thu, nhưng bị khán giả và các nhà phê bình quay lưng vì chủ đề quá nhạy cảm ở thời điểm ấy. 

Casualties of War từng được so sánh với những kiệt tác điện ảnh kinh điển: Grand Illusion, Shoeshine và The Godfather

 … đến Casualties of War của Brian De Palma

Đạo diễn Brian De Palma từ lâu đã ấp ủ đưa thiên ký sự này lên màn ảnh, nhưng sự lạnh nhạt của công chúng với bộ phim The Visitors trước đó đã làm chìm xuồng dự án. Đến giữa thập niên 1980, phim về đề tài chiến tranh Việt Nam bùng nổ ở Hollywood cả về số lượng, chất lượng nghệ thuật lẫn doanh thu. Uy tín của De Palma ở Hollywood thời điểm này cũng lên rất cao với nhiều bộ phim thành công, do đó dự án Casualties of War lại được bật đèn xanh.

Hãng Columbia đầu tư kinh phí sản xuất khoảng 22 triệu USD, với phần lớn bối cảnh Việt Nam được quay ở Thái Lan. Đạo diễn De Palma đã chọn hai tài tử trẻ đang nổi Sean Penn thủ vai tên trung sĩ tàn ác điên dại Meserve, và Michael J. Fox thủ vai binh nhì Eriksson. Đóng vai binh nhì Hatcher và Diaz là 2 diễn viên lần đầu đóng phim John C.Reilly và John Leiguizamo.

Nhưng “lính mới” quan trọng nhất của phim chính là Lê Thu Thuỷ, thủ vai cô thôn nữ tên Oanh xấu số. Sinh năm 1966 – cùng năm xảy ra “Vụ rắc rối ở Đồi 192” – Thuỷ rời Việt Nam năm 1975 khi mới 9 tuổi nên không có khái niệm về chiến tranh. Cô đăng ký đi thử vai này khi đã 23 tuổi, và không hề biết đây là vai nữ chính. Đây là vai diễn đầu tiên và cũng là cuối cùng của Lê Thu Thuỷ, mặc dù diễn xuất của cô được rất nhiều lời khen ngợi.

Một số cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu tại Việt Nam phản đối bộ phim,  thậm chí cáo buộc De Palma làm cho hình ảnh người lính Mỹ trông có vẻ xấu xa, bởi vì bản thân đạo diễn De Palma chưa hề tham chiến ở Việt Nam. Nhưng các nhà phê bình lại nghĩ khác, bà Pauline Kael - một nhà phê bình nổi tiếng lập dị - đã so sánh Casualties of War với những kiệt tác điện ảnh kinh điển: Grand Illusion (1937), Shoeshine (1946) và The Godfather (1972). Còn Vincent Canby, một nhà phê bình tỉnh táo hơn, so sánh nó với On the Waterfront (1954), Prince of the City (1981) và Serpico (1973)… tất cả đều nói về những trang nam tử dũng cảm đứng lên làm nhân chứng chống lại cái xấu, dù cho điều đó có thể khiến cho họ trở thành những kẻ mách lẻo, hoặc bị xem là kẻ phản bội.

Mặc dù được trao giải Hòa bình của Hiệp hội phim chính trị, nhưng Casualties of War không thành công ở Mỹ khi chỉ thu được có 18,7 triệu USD. Tuy nhiên, bộ phim lại thành công bất ngờ ở Pháp vì người Pháp, dù bị thảm bại ở Điện Biên Phủ đã lâu, nhưng vẫn chưa nguôi kỷ niệm ấy. Họ sẵn sàng thừa nhận rằng Việt Nam là một vùng đầm lầy khắc nghiệt, có khả năng dìm chết bất kỳ ai đặt chân lên – nếu kẻ đó thiếu thiện chí.

BÁ VŨ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm