16/12/2013 09:27 GMT+7 | Văn hoá
Bộ ảnh này nằm trong tập sách ảnh mang tên Halong Bay phối hợp giữa thành phố Hạ Long và một NXB nước ngoài, phần hình ảnh do Dương Minh Long thực hiện chụp từ tháng 7/2007 đến 8/2008.
5 năm đã trôi qua, những bức ảnh này vẫn được nhiều người tán thưởng và nhiếp ảnh gia Dương Minh Long viết riêng cho TT&VHCuối tuần những suy nghĩ của anh về bộ ảnh này.
“Cánh buồm nâu”
Năm 2007, lần thứ ba tôi quay lại Hạ Long. Lần thứ nhất năm 1980. Lần thứ hai năm 1992. Vịnh Hạ Long bao nhiêu năm lẩn quẩn trong đầu hình ảnh một nơi du ngoạn, mây núi sương khói hữu tình... Một Hạ Long “postcard”, đèm đẹp với “cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…” (mượn thơ Nguyễn Bính). Cánh buồm nâu không có lỗi, nhưng sự nhàm chán của mỗi cú bấm máy mang lại sự “dối lừa” cho người thưởng ngoạn, làm cho người xem lầm tưởng về Hạ Long, quên mất rằng UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long mấy điểm sau: Giá trị cảnh quan thiên nhiên; giá trị địa chất, địa mạo và giá trị đa dạng sinh học. Hai lần đầu, vì đi ít, đi ngắn nên cảm giác thấy hơi chán, không cảm thấy muốn chụp.
Chỉ đến khi được dành hơn một tháng với phương tiện di chuyểnnhanh, khảo sát rộng về Vịnh Hạ Long. Đọc và tìm hiểu lịch sử kiến tạo địa chất đá vôi của Vịnh đã trải qua khoảng 500 triệu năm với những hoàn cảnh cổ địa lý rất khác nhau, với các giá trị: Giá trị địa chất địa mạo - Giá trị cảnh quan thiên nhiên - Giá trị đa dạng sinh học. Ròng rã hơn tháng trời len lỏi loanh quanh không thể đi hết 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, mới tận mắt thấy quá nhiều vẻ đẹp thật ấn tượng.
Khảo sát xong thấy mê mẩn nhưng lại quá băn khoăn. Bởi lẽ: đã quá nhiều hình ảnh về Vịnh Hạ Long được khai thác, được chụp. Và trong khá nhiều trường hợp được “tô vẽ” Hạ Long với vẻ “xinh gái” du lịch! Với nhiều cánh buồm, nhiều trời mây vằn vện, nhiều hang động màu mè… Có một hình ảnh nào đó chưa thể hiện ra đúng như hình ảnh thiên nhiên mà Hạ Long vốn có? Nhiều giá trị của Hạ Long chưa thật sự được khai thác.
Sau một thời gian thử nghiệm các loại khổ phim để mang lại hiệu quả cuối cùng trước khi quyết định dành thời gian bấm máy về Vịnh Hạ Long. Những ngày đầu, khi tôi chụp thử - máy phim khổ vuông 6x6cm với một số bối cảnh, với ánh sáng âm chiều. Mọi cảm giác về hình gần như bị bó cứng và các chi tiết ảnh có vẻ nắn nót quá! Sau ít hôm tôi lại thử khổ phim hình chữ nhật 6x9cm. Mọi cảnh vật nằm vào trong ảnh hình như thoáng đãng hơn. Nhưng sự nghiệt ngã mà khuôn hình chữ nhật mang lại chính là một khuôn hình mang dáng dấp buồn chán bấy lâu nay. Nó gợi một không khí ảnh cũ, một hình ảnh đâu đó đã được làm xong từ thuở nào…
Rồi một hôm, nhân trời trong và không mây. Hạ Long hiện ra ít chi tiết nhất, chỉ gợi vài đường nét núi non, không nương nhờ của mây chiều hay cánh buồm vốn đã quen thuộc. Một khuôn hình panorama cho bối cảnh rộng, từ ngọn cỏ gần đến dãy núi xa, đều gợi cảm giác có lẽ như thế Hạ Long mới ôm trọn trong lòng cái cảm xúc về khuôn hình của một vẻ đẹp!
Phim đã tráng xong. Chờ cho cảm giác về hình lắng xuống. Tôi quyết định chọn khổ phim panorama trên máy quét Noblex. Phim sử dụng là film Fuji Slide.
Sự cuốn hút của bộ ảnh này là một vẻ đẹp khác của Vịnh Hạ Long mà chưa có nhiều ống kính ghi lại được. Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long thực hiện bằng phim khổ lớn (slide 6cm x 12cm) với khuôn hình panorama. Phim không sử dụng các kỹ thuật chỉnh sửa, chắp ghép, tái tạo mây trời… mà giữ nguyên không khí như nó vốn có. Ở những bức ảnh đó chúng ta thấy hiện lên một vẻ đẹp Hạ Long thuần khiết…
Cần được say mê hơn
Nói về những bức ảnh Hạ Long đã được chụp như thế nào, thật là một lời mời khó!
Gắn bó liên tục ngoài đảo hơn một năm trời để có bộ ảnh Hạ Long mà công chúng yêu ảnh nói chung, người yêu ảnh Hạ Long nói riêng, gọi nó là xem tạm được - thì sự khích lệ của người lao động ảnh muốn chia sẻ thêm: Hạ Long là một địa danh khó chụp. Để chống lại “Cánh buồm nâu” trên hàng vạn bức ảnh thì bạn phải chấp nhận trả giá để có được một cái nhìn khác, một hình ảnh khác về Vịnh Hạ Long (chưa bàn đến vẻ đẹp).
Di chuyển chụp ở các khu vực núi hiểm trở và cực kỳ nguy hiểm. Các khe núi với rêu trơn trượt và sắc nhọn bất cứ lúc nào cũng có thể gây thương tích. Để có được dăm ba khuôn hình với một lời khen xem nhẹ bỗng, người lao động ảnh cần nhiều sự trợ giúp của các loại phương tiện.
Cần nhiều thời gian, và nỗ lực của nhiều nhóm người cùng tham gia. Công tác tổ chức khuôn hình và ghi chép địa lý là hết sức quan trọng. Người xem, xem được ảnh đã quý. Người xem “đọc” được ảnh lại càng trân trọng hơn.
Vịnh Hạ Long cần được nhiều người say mê Hạ Long chụp kỹ hơn nữa. Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho một hình ảnh Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới mang giá trị lâu dài.
Dương Minh Long
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất