Blog 365: Suy bụng ta ra bụng... thần linh!

03/03/2010 11:44 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Lễ hội là một phần của bản sắc dân tộc, mỗi dân tộc có những lễ hội khác nhau, và những hoạt động tại lễ hội phản ảnh tâm tư, nguyện vọng, mong muốn, tín ngưỡng, niềm tin... của dân tộc đó về cuộc sống.

Tại nước ta, mùa lễ hội vừa bắt đầu với những cảnh nhốn nháo khác thường. Nói khác thường bởi lễ hội ở ta thường diễn ra tại các đền, chùa, phủ, miếu... vốn là chốn tôn nghiêm. Người ta dâng thật nhiều lễ, cúng thật nhiều vàng mã, rải tiền, nhét tiền vào các pho tượng để... xin, xin tiền tài, xin mùa màng, xin bình an, xin sức khỏe. Tại một lễ hội, công chức đã nườm nượp đổ về xin ấn để cầu... thăng quan tiến chức. Chen nhau đến tức thở, dâng lễ thật đầy, thật nhiều... để cầu xin cho điều mình muốn. Có thể nói đây không những là nơi thể hiện tâm tư, nguyện vọng của con người mà còn là nơi con người thể hiện cách đạt được mong muốn của mình.


Sắp lễ dâng lên thần linh. (Ảnh minh họa)
Tín ngưỡng là một điều tốt, cuộc sống sẽ chẳng ra làm sao khi con người chẳng còn tin tưởng vào điều gì. Đầu năm rước tí lộc về nhà để cầu mong những điều may mắn sẽ đến với bản thân và gia đình cũng chẳng phải là điều sai trái, nhưng cầu xin phải bằng tấm lòng chứ không phải bằng vật chất, vì thánh thần đâu phải là con người mà thèm những thứ xa hoa đó.

Trên một tờ báo, nhà nghiên cứu dân gian Bùi Trọng Hiền đã nhắc nhở rằng: “Thánh thần không phải quan tham”, thật không sai vì thần thánh có thể ban chức tước cho con người nhờ những đồng bạc nhét vào pho tượng hay những nỗ lực của bản thân sẽ đem lại điều đó?

Thật tội, văn hóa con người xuống cấp nên tưởng là thánh thần cũng xuống cấp theo. Niềm tin thay đổi đã khiến con người thay đổi, hay nói một cách khác, người ta đang suy bụng ta ra bụng... thần!

Mrken

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm