Bị nhốt ở 'địa ngục' để dịch Dan Brown

09/05/2013 13:29 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Một tuần trước khi tiểu thuyết được dự đoán sẽ là bom tấn xuất bản Inferno (Địa ngục) ra mắt, một thông tin bên lề được tiết lộ: 11 dịch giả đã bị “nhốt” trong một hầm ngầm ở Italia để dịch cuốn sách này ra nhiều thứ tiếng.

Các nhà ngôn ngữ học thuộc nhiều quốc tịch khác nhau nói trên bắt đầu công việc từ tháng 2 đến tháng 4/2012, theo Independent, để chuẩn bị cho sự kiện ra mắt Inferno vào tháng 5 năm nay.

Bìa cuốn Inferno sắp ra mắt vào 14/5.

Công việc dịch thuật tuyệt mật

Nơi họ sống là một boongke dưới lòng đất ở thành phố Milan, dưới điều kiện an ninh nghiêm ngặt, ra vào đều bị kiểm soát, được ví như “địa ngục”. Họ sẽ dịch cuốn sách ra tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Ý và nhiều ngôn ngữ khác.

Tờ Telegraph cho biết, khi được đưa đến nơi “tập kết” tại đây vào tháng 2/2012, các dịch giả nhanh chóng bị đặt vào tình trạng “khóa kín”. Họ bị tịch thu điện thoại di động và làm việc trong sự kiểm soát gắt gao để đảm bảo không có bất cứ thông tin nào về cuốn sách, đặc biệt là nội dung, bị tiết lộ.

Các dịch giả cũng bị hạn chế dùng máy tính, không được mang sổ và giấy ra ngoài hầm ngầm và phải giao nộp bản thảo bản dịch mà họ dịch xong vào mỗi buổi tối. Nhưng các dịch giả không sống luôn tại đây, họ ở các khách sạn trong thành phố, sử dụng xe bus mini để di chuyển đến hầm ngầm này làm việc.

Đến bữa ăn, họ được vệ sĩ dẫn đi ăn ở căng tin tại trụ sở của Mondadori, một nhà xuất bản khổng lồ ở Italia do chính trị gia Silvio Berlusconi sở hữu. Mỗi người đều được cung cấp các thông tin che giấu cần thiết để trả lời mỗi khi bị người khác đặt câu hỏi về công việc của họ ở hầm ngầm. 

Nhà văn Dan Brown

Trải nghiệm kỳ quặc ở Milan

Trong thời gian 2 tháng làm việc toàn thời gian, nhóm dịch giả không có cơ hội đi thăm thú thành phố Milan và chỉ mong nhanh chóng xong việc để trở về nhà.

Những trải nghiệm về thời gian làm công việc này được các dịch giả chia sẻ cho một phương tiện truyền thông duy nhất, tờ tạp chí TV Sorrisi e Canzoni thuộc sở hữu của NXB Mondadori.

“Thời gian rảnh ư? Thời gian rảnh nào?” - dịch giả người Pháp Dominique Defert nói với tờ tạp chí. “Milan ư? Milan ở đâu vậy? Cứ như thể Milan thuộc về một thiên hà xa xôi”.

Esthel Roig, một dịch giả người Tây Ban Nha, kể: “Tôi đến Milan 3 lần và thật tuyệt khi thấy người dân, cửa hiệu và nhà hàng ở đây, nhưng lần này tôi quá mệt mỏi và không thể thưởng thức được những thứ đó”.

Các dịch giả mô tả khách sạn mà họ nghỉ lại là một nơi “mất hút giữa đồng không mông quạnh”, và Esthel Roig cho biết cô thấy nhớ con mèo của mình. Carole Del Port, một dịch giả người Pháp khác, nói: “Thời gian chúng tôi ở ngoài hầm ngầm hầu như rất ít, chỉ đủ ăn trưa, ăn tối vào một giờ rất muộn, khi chúng tôi đã mệt bã người, và ngủ để lấy sức”.

“Nhưng đó vẫn là một trải nghiệm độc đáo đến khó tin” – dịch giả này thừa nhận - “một cơ hội hiếm có để làm việc cùng một nhóm đồng nghiệp trong vòng ít tuần và hoàn toàn đắm chìm trong thế giới của Dan Brown”.

Fabiano Morais, một dịch giả người Brazil, cho biết: “Tôi buộc phải nói rằng, hơi lạ lẫm khi làm việc với máy tính không kết nối Internet, nhất là ban đầu, nhưng rồi tôi cũng quen với việc đó”.

Dịch giả người Ý Annamaria Raffo lại tỏ ra tiếc nuối vì “Thật buồn là tôi không biết gì về đời sống ban đêm ở Milan. Kết thúc công việc lúc 8h tối, tôi chỉ còn thời gian nhảy lên xe bus trở về khách sạn, ăn chút gì đó và ngã xuống giường”.

Mỗi lần vào hoặc ra khỏi hầm ngầm, các dịch giả đều phải báo cáo nguyên nhân, mục đích. Thường thì là để hút vài điếu thuốc, hoặc đi dạo cho thoải mái đầu óc. “Để ngắm tuyết” là một lý do được dịch giả Morais đưa ra, bởi vì anh là người Brazil và chưa bao giờ được thấy tuyết.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Tiểu thuyết Inferno được đầu tư lớn

Inferno là tiểu thuyết mới nhất của nhà văn bestseller Dan Brown, ông viết tiếp về nhân vật chính quen thuộc của mình là giáo sư Robert Langdon của Đại học Harvard. Dan Brown là tác giả của Mật mã Da Vinci, Thiên thần và Ác quỷ…

Một bài viết trên trang Amazon khẳng định Inferno là xuất bản phẩm được đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Riêng việc mời một nhóm dịch giả làm việc bí mật đã đủ cho thấy xung quanh cuốn sách có nhiều chuyện khác người.

Mặc dù vậy, thù lao cho các dịch giả nói trên không được tiết lộ. Với điều kiện công việc ngặt nghèo như vậy, nhiều người đoán đó hẳn là một con số hậu hĩnh.




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm