Bí ẩn 'Mona Lisa của Bắc Âu'

23/10/2013 08:11 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Kiệt tác của danh họa Hà Lan Johannes Vermeer mang tên Girl with a Pearl Earring được dự báo sẽ thu hút đông khách tham quan tới triển lãm Vermeer, Rembrandt và Hals: Các kiệt tác tranh từ Mauritshuis, khai mạc ở New York từ ngày 22/10.

Được Johannes Vermeer vẽ vào khoảng năm 1665, Girl with a Pearl Earring là tác phẩm nổi bật trong số 15 bức tranh phi thường của thế kỷ 17 trưng bày tại triển lãm. Các tác phẩm này còn gồm cả tranh của 2 danh họa Hà Lan Rembrandt và Hals. Chúng được mượn từ bộ sưu tập của Phòng trưng bày  Hoàng gia Mauritshuis ở The Hague, Hà Lan.

Điểm trưng bày cuối cùng

Girl with a Pearl Earring được người yêu nghệ thuật đặc biệt chú ý kể từ khi là chủ đề của cuốn tiểu thuyết lịch sử ăn khách cùng tên, được nhà văn Tracy Chevalier tung ra năm 1999. 


Chân dung danh họa Hà Lan Johannes Vermeer.

Cuốn truyện hư cấu hóa các tình huống ra đời của bức tranh, trong đó mô tả Johannes Vermeer đã trở nên thân thiết với một người hầu gái hư cấu tên Griet. Ông về sau đã thuê cô làm trợ lý kiêm người mẫu, có sử dụng chiếc khuyên tai ngọc trai của vợ mình.

Cuốn tiểu thuyết đã được đưa lên màn bạc vào năm 2003 và sân khấu kịch vào năm 2008. Trong phim, nữ diễn viên Scarlett Johansson thủ vai Griet. Johansson được đề cử 4 giải khác nhau cho vai diễn này, trong đó có giải Quả cầu vàng và giải BAFTA Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.  

Girl with a Pearl Earring “xuất hiện” lần  gần đây nhất ở New York là hồi năm 1984, tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Phải mất nhiều năm, các nhà tổ chức của The Frick, một trong những phòng trưng bày nhỏ nhất ở New York, mới tổ chức được triển lãm trưng bày các bức tranh thuộc Kỷ nguyên vàng Hà Lan.

New York là điểm trưng bày cuối cùng trong chuyến “chu du” toàn cầu của họa phẩm này, khi Phòng trưng bày Hoàng gia Mauritshuis ở The Hague đang được tu bổ.

Có kích cỡ 45cm x 40cm, bức tranh mô tả một cô gái trẻ nhìn nghiêng, thắt một chiếc khăn màu xanh và vàng trên đầu, tai đeo đôi khuyên ngọc trai và được coi là “Mona Lisa của Bắc Âu”.

Được biết bức tranh này được nhà sưu tầm nghệ thuật Arnoldus Andries des Tombe mua tại cuộc đấu giá ở Den Haag năm 1881 với giá chỉ 1 USD. Do không có người thừa kế, năm 1902 ông đã hiến tặng bức tranh cho Phòng trưng bày Mauritshuis.

Kiệt tác trải qua cuộc phục chế gần đây nhất là vào năm 1994. Trong khi tiến hành cuộc phục chế này, các chuyên gia phát hiện ra rằng ban đầu họa sĩ định dùng màu xanh lá cây sẫm làm nền của bức tranh, nhưng sau đó đã chuyển sang nền đen.

Bức tranh Girl with a Pearl Earring vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được giải mã.
Bí ẩn tạo nên sức lôi cuốn

Vermeer là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất trong Kỷ nguyên vàng Hà Lan, thời kỳ hưng thịnh của hội họa nước này. Giai đoạn đó, các họa sĩ Hà Lan đã cho ra đời hàng ngàn bức tranh, song giờ chỉ còn tồn tại khoảng 10%.

Sau khi bị lãng quên gần hai thế kỷ, năm 1866 Vermeer đã được tái phát hiện, khi các nhà phê bình nghệ thuật người Pháp Thore Burger và Gustav Friedrich Waagen xuất bản tiểu luận về 66 bức tranh được coi là của Vermeer (về sau chỉ có 35 bức được xác nhận là của Vemeer). Từ đó, danh tiếng của Vermeer đã nở rộ nhanh chóng và hiện nay ông được coi là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của Kỷ nguyên vàng Hà Lan. Ông nổi tiếng với cách xử lý và sử dụng ánh sáng một cách điêu luyện trong các tác phẩm của mình.

Vermeer nổi tiếng với các tác phẩm về đời sống hiện thực. Ông sống phần lớn cuộc đời tại thị trấn Delft. Cuộc đời của Vemeer dường như chưa bao giờ ổn định. Khi qua đời, Vemeer để lại cho vợ, con một món nợ lớn, có lẽ do bởi ông vẽ quá ít tranh.

Bức tranh Girl with a Pearl Earring mang chữ ký IVMeer, nhưng không đề ngày tháng nên người ta không rõ đây có phải tác phẩm được ủy quyền vẽ hay không và nếu có thì ai là người ủy quyền.

Cho đến giờ, các chuyên gia nghệ thuật vẫn chưa giải mã được nguồn gốc ra đời của bức tranh, do không có nhiều thông tin về họa sĩ cũng như người mẫu trong tranh.

Đã có hơn 1 triệu người tới chiêm ngưỡng kiệt tác này khi nó được trưng bày ở Nhật Bản gần đây. Nhiều người cho rằng bức tranh được quan tâm trở lại nhờ cuốn tiểu thuyết và bộ phim cùng tên.

Tuy nhiên, Melissa Buron, Phó Giám đốc Bảo tàng De Young, nơi bức tranh được trưng bày hồi đầu năm, nói với tờ The Wall Street Journal: “Cô gái trong tranh là ai? Cô ấy đang nghĩ gì? Cô ấy quan hệ như thế nào với Vermeer? Chính những bí ẩn đó đã góp phần tạo nên sức lôi cuốn của bức tranh”.

VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm