28/06/2013 14:19 GMT+7 | Văn hoá
Như hầu hết các tạp chí văn nghệ địa phương, và cả trung ương, dù còn tiếng tăm, Sông Hương không tránh khỏi tình trạng mất độc giả và thiếu kinh phí để hoạt động tử tế. Tại Hà Nội, đầu tháng 7/2013 này, tạp chí Nhà văn và tác phẩm của Hội Nhà văn Việt Nam sẽ ra mắt, bằng cách sáp nhập hai tạp chí Văn học nước ngoài và Nhà văn thành một, là ví dụ dễ thấy. Sự sáp nhập này, không phải vì thiếu tiền, mà căn bản, vì thiếu độc giả, in ra thấy phí phạm.
Các tuyển tập mới xuất bản của tạp chí Sông Hương. Trong 30 năm qua, dù được đánh giá có tính cấp tiến, được xếp vào số ít các tạp chí văn nghệ hoạt động hiệu quả nhất, nhưng nhiều lúc tạp chí này phải đóng cửa, nhất là các năm 1989-1991. Tính đến tháng 6/2013, tạp chí đã phát hành được 292 số; từ tháng 3/2010, Sông Hương ra thêm số đặc biệt, phát hành 3 tháng 1 số. |
Mất độc giả liên tục
Đừng nói chi đến các độc giả vãng lai bên ngoài sạp báo, nhìn chung là không bán được, mà ngay cả với hội viên của các hội, nhiều người vẫn không đọc, dù được cấp phát miễn phí.
Có dịp đến tư gia của nhiều cây bút tên tuổi, nếu chú ý, bạn sẽ thấy tình trạng “vẫn niêm phong” tạp chí như lúc gửi khá phổ biến, người nhận báo biếu thậm chí không buồn mở bì ra. Họ không đọc, có lẽ vì bận rộn, vì lo đọc những thứ khác, vì phương cách đọc đã thay đổi, và vì phần nào đã đoán được nội dung của nó.
Trong 10 hội chuyên ngành, ngoài Hội Nhà văn Việt Nam có 5 tờ (tạp chí Nhà văn và tác phẩm, báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, tạp chí Thơ, Hồn Việt), thì các hội khác như điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc, mỹ thuật, sân khấu, mỗi nơi có ít nhất 2 tờ báo/tạp chí trở lên. Theo ước tính, tổng số đầu báo, tạp chí văn nghệ ở trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước là hơn 90 tờ - nhiều về số lượng.
Phần lớn trong số này là được Nhà nước bao cấp kinh phí và cơ sở làm việc, toàn bộ hoặc một phần lớn. Thế nhưng hiện nay, phần lớn báo, tạp chí văn nghệ là “in để phát”, chứ không phải in để bán, đó là vấn đề rất nan giải. Nhận tiền mà không in tạp chí thì không được, mà in ra không tìm được hướng phát hành, không bán được, cũng thấy khó xử. Điều này dễ làm cho phía bỏ tiền (Nhà nước) đánh giá báo chí văn nghệ không hiệu quả, hoặc phung phí.
Lý giải về thực tế này, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc (TBT tạp chí Sông Hương) cho rằng: “Tạp chí văn học là một sản phẩm hàng hóa, song sản phẩm văn chương có giá trị nghệ thuật cao lại không phải là sản phẩm bình dân để dành cho công chúng rộng rãi. Công chúng, kể cả sinh viên ngành văn, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức các dòng chảy tân thời của các khuynh hướng nghệ thuật mới mà các nhà văn, nhà thơ đang tiếp cận, thành ra không dễ đọc các tác phẩm có khuynh hướng mới mà các tạp chí văn học có phần ưu ái. Đọc không hiểu hết, không cảm nhận được hết thì nản, kính nhi viễn chi, không đọc nữa, và ngay lập tức bị các loại hình giải trí khác thay thế. Các sản phẩm văn học vì thế càng bị từ chối, xa rời với công chúng. Các sản phẩm văn học đành quay về phục vụ cho nhau trong giới viết văn, và nếu giới này cũng không đọc nhau, thì coi như sự cô đơn của các sản phẩm văn học lại càng lộ rõ hơn bao giờ hết”.
“Bị độc giả từ chối, xa rời với công chúng, các sản phẩm văn học đành quay về phục vụ cho nhau trong giới viết văn. Nếu giới này cũng không đọc nhau, thì coi như các sản phẩm văn học cô đơn”, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc. |
“Tạp chí văn học không làm câu chuyện kinh tế, bản thân sự tồn tại của nó đã là sự có mặt của văn hóa, đó là điều mà những người đang làm các tạp chí văn học có thể tự hào. Mọi quan niệm bắt buộc rằng các tạp chí văn học phải tự lo liệu đấu tranh sinh tồn, hoặc đầu tư cho tạp chí văn học không có lãi chỉ là phép tính thô thiển của những người có tư duy kinh tế thô thiển”, TBT tạp chí Sông Hương lên tiếng. Dù vậy, câu chuyện kinh tế vẫn luôn làm đau đầu không chỉ những người làm báo văn.
Theo số liệu tháng 3 và 4/2010 của hơn 40 hội văn nghệ trên cả nước, thì việc đầu tư có 5 hạn mức: 1), dưới 100 triệu/năm; thấp nhất là 40 triệu đồng/năm, chiếm khoảng 10%; 2) từ 100 đến 200 triệu, chiếm 50% (đa số); 3) từ 300 triệu đến 400 triệu, chiếm 30%; 4) trên dưới 700 triệu, chiếm 10%; 5) cá biệt có Hội Văn nghệ Yên Bái, trên tỷ đồng/năm (hiếm có). Thực tế cho thấy, với mức đầu tư 1 và 2, hoạt động cực kỳ khó khăn, mức 3 thì hoạt động cầm cố. Đến 50% chỉ được 100-200 triệu/năm, ví dụ Thanh Hóa, Nam Định (150 triệu/năm), làm sao mà in đủ 12 số báo với nhuận bút tàm tạm (hiện nhuận bút các tạp chí văn nghệ rất thấp: thơ khoảng 70.000 - 100.000 đồng/bài, truyện ngắn loại A từ 300-500.000 đồng/truyện).
Hai năm trước, 6 tạp chí Cửa Việt (Quảng Trị), Sông Hương (Thừa Thiên - Huế), Xứ Thanh (Thanh Hóa), Sông Lam (Nghệ An), Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), Nhật Lệ (Quảng Bình) đã làm kiến nghị gửi Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam xin được hỗ trợ 600 triệu/năm/tạp chí, nhưng chưa có kết quả. Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam cũng đã có đề án xin Chính phủ hỗ trợ cho các tạp chí văn nghệ từ 2010, theo Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, tới nay cũng chưa được phê duyệt.
Tuy nhiên, nếu đặt câu hỏi ngược lại, trong bối cảnh toàn cầu và mạng Internet ngày càng phát triển, liệu Việt Nam có cần đến hơn 90 tạp chí văn nghệ (bản in) không? Nhà nước có nhất thiết phải bao cấp 100% cho các tạp chí? Và liệu tạp chí văn nghệ, vốn chuyên ngành, có nhất thiết phải in số lượng nhiều, in hàng tháng hay không? Trả lời ba câu hỏi này cho thật rốt ráo, chắc chắn chúng ta sẽ có một cái nhìn khác về hiện trạng èo uột của các tạp chí văn nghệ chính quy hiện nay.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất