Bàn tiếp về nghệ thuật in khắc gỗ

16/03/2013 13:29 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi du nhập những máy in kiểu phương Tây vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, phương Đông đã có cả ngàn năm in các kinh sách với kỹ thuật in khắc độc đáo và vô cùng chuyên nghiệp.

Trong cuốn Trung Quốc bản họa - nghệ thuật in khắc gỗ Trung Quốc có dẫn ra một bài thơ dân gian:

Lê táo trường niên nhậm sở chi
Kim cương kỳ quyết vũ như ty
Tối hàn hãn trích tà dương đạm
Nhất bản thần sinh bách chỉ kỳ

(Trung Quốc cổ đại bản họa khái quan  - Vương Bá Mẫn)

Tạm dịch như sau:

Gỗ Lê gỗ Táo lâu năm đem ra dùng
Dao sắc như kim cương múa như sư tử
Gió lạnh mồ hôi nhỏ trong ánh tà dương ảm đạm
Từ một bản thần kỳ sinh ra nhiều bản.

(Khái lược về nghệ thuật in khắc gỗ cổ đại Trung Quốc - Vương Bá Mẫn).


 Bản khắc nét và mầu của dòng tranh dân gian Đông Hồ

Qua bài thơ này người ta thấy người thợ Trung Hoa xưa dùng gỗ lê và gỗ táo để khắc các mộc bản, đó là hai loại gỗ cực kỳ rắn, và người ta phải dùng dao sắc cứng như kim cương để khắc. Ngay trong thời tiết giá lạnh mà mồ hôi người thợ vẫn nhỏ xuống chứng tỏ sự vất vả của công việc này. Và việc từ một mộc bản in ra được rất nhiều bản là điều mà người ngày xưa coi là rất thần kỳ.

Nước ta đến đầu thế kỷ 20 mới có những nhà in theo kiểu phương Tây, dùng máy và in chữ con chì, hiệu quả và số lượng in tất nhiên vượt xa kỹ thuật in khắc gỗ. Nhưng nhìn xa hơn một ngàn năm trước, thậm chí là 500 năm trước để có một bản in kinh sách nào đó thật không đơn giản. Người xưa cũng ý thức về vấn đề này, nên những kinh sách quan trọng, những dấu ấn lịch sử mà người ta muốn quảng bá cho nhân dân thì khắc trên đồ đồng (kim văn) và bia đá. Mọi người có thể đem giấy ra đó in rập về dùng - cách thức này gọi là in bản vỗ, tức là dán tờ giấy lên bia đá rồi dùng mực đập nhẹ dần phía sau, các chỗ có chữ khắc sẽ là màu trắng, còn chỗ không có chữ sẽ là màu đen. Cách in bản vỗ cho ngay một bản sao mặt phải y hệt như tấm bia. Lối dùng bản vỗ, tùy theo cách in đập có thể cho hiệu quả của một bức tranh, tuy nhiên nếu dùng làm văn bản thì không hợp lý lắm, vì tài liệu luôn phụ thuộc vào kích thước của bia biểu, thường là rất to, cho nên nếu tìm ra lối in khắc sách thì hay hơn.


Kinh Kim cương. Bản in chùa Van Đức và chùa Phước Lâm ( Hội An, Quảng Nam ). Thế kỷ 16, 17.

Cách thức in mộc bản sau này cũng phát triển trên hai kiểu in ngửain sấp. In ngửa tức là áp tấm giấy vào mộc bản đã bôi mực kê dưới đất (hoặc cầm trên tay, như in tranh Đông Hồ), sau đó dùng xơ mướp cà vào tấm giấy cho nét chữ hằn lên. In sấp tức là giấy để phía dưới, bản gỗ ép lên phía trên, cách này những họa sĩ đồ họa hay dùng và người ta phải thiết kế cả một máy ép cho có sức nặng ấn sâu vào tờ giấy, mực mới thấm đượm vào đó. Cách thức này rất mất thời gian, đối với in tranh nhiều chi tiết thì phù hợp, vì in ép như vậy các chi tiết in hằn lên tờ giấy rất kỹ lưỡng.

Đối với việc in sách, in như vậy quá vất vả và rất chậm. Người xưa có thể dùng mực Tàu pha với chất hồ, hoặc keo dùng làm mực in. In bằng mực Tàu tương đối khó, dễ bị nhòe và tốn kém. Người Việt Nam đã chế ra một loại mực dân gian cho phép chỉ bôi và in một lần đã được chữ rất nét và đen, ngay cả tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống cũng vậy. Đó là màu đen chế từ lá tre hay rơm đốt tồn tính, ngâm vào chum cho thành bùn, khi dùng phải quấy hồ đổ vào mực để cho lên men chua vài ngày, tùy theo thời tiết, sự lên men này làm cho mực rất đen. Khi in lại quấy hồ nếp đổ vào làm chất kết dính. Chất hồ làm cho chất mực lá không nhòe ra giấy đồng thời đảm bảo in một lần không cần bôi lần thứ hai, tuy nhiên nếu in tranh thì phải bôi màu đến bốn lần mới đủ độ đen cho các chi tiết và in vài lần lại phải đi rửa mộc bản, vì hồ và mực dính quá nhiều sẽ không đủ độ nét nữa.

Để in 1 bức (tranh Ukiyoe Nhật Bản) vô địch trong việc dùng nhiều bản in màu, người ta phải in đi in lại hơn 200 lần và tất cả phải khớp vào nhau, không nhoè.

Nếu như mộc bản cho ấn loát sách thì chỉ có bản đen trắng, thì in tranh khắc màu theo lối Thao sắc mộc khắc lại phải dùng khá nhiều bản in màu tùy theo số lượng màu và sắc độ trên tranh. Tranh dân gian Đông Hồ không có sắc độ đậm nhạt, mà in theo màu nguyên, số lượng bản màu cũng không nhiều, từ 4 - 6 bản màu. Tranh dân gian Trung Quốc Niên họa có chỗ dùng màu nguyên, có chỗ dùng nhiều sắc độ, nên số lượng bản màu cũng lớn hơn. Nhưng vô địch trong việc dùng nhiều bản in màu thuộc về tranh Ukiyoe Nhật Bản, có tới 64 bản gỗ màu, như vậy để in ra một cái tranh, nếu chỉ mỗi mộc bản tô màu độ 3 lần thì mất tới hơn 200 lần in đi in lại. Và để cho các bản khớp vào nhau, không nhòe đòi hỏi sự in rất chuyên nghiệp. Do vậy mà tô màu bằng bút lại trở thành phổ biến (Bút thái mộc khắc), nhất là ở tranh Niên họa và tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Làng Sình. Tức là người ta in bản nét đen lên tờ giấy rồi tô màu bằng bút lông. Quá trình này y hệt như vẽ nên có thể vờn tỉa sắc độ, việc vờn từ đậm sang nhạt rất phổ biến trong tranh Niên họa và tranh Hàng Trống, hiện nay một số tranh Đông Hồ cũng dùng lối này, nhất là trong bộ tranh Tứ quý. 



Tranh Kẻ Chợ, hiệu Thanh An in vẽ, thế kỷ 19, tranh dân gian Hàng Trống.

Ở Hàng Trống, người ta gọi kỹ thuật này là Cản, tức là dùng một cái bút bẹt, chấm mực một góc, chấm nước một góc, mực đen và nước trắng chạy vào nhau tạo ra đậm nhạt và nhẹ nhàng người ta vẽ ra sắc độ trên tranh, ví dụ như vờn các đám mây ngũ sắc trong tranh Ngũ hổ. Tất cả các dòng tranh dân gian tô màu bằng bút đều dùng màu nước tự nhiên, hoặc màu phẩm bôi rất nhanh, đôi khi chỉ là mươi phút người ta đã bôi xong một bức tranh. Không phải tranh dân gian nào cũng in khắc gỗ, mà xưa kia có rất nhiều hiệu tranh vẽ tay hoàn toàn, nếu ai đó thích thưởng thức một bức họa độc bản như vậy, và người thợ cũng sẽ vẽ ngay trước mặt khách tất nhiên toàn là đề tài quen thuộc, thờ cúng, chúc tụng như cố nhân đã truyền cho họ.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm