Ai chết với phim truyền hình?

06/04/2013 10:47 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Game show chiếm sóng giờ vàng của hầu hết các kênh truyền hình lớn, các đơn vị vốn nổi tiếng với phim truyền hình nay cũng tham gia thị trường game show, thậm chí còn sản xuất cả phim chiếu rạp. Có phải “phim truyền hình đang chết” như nhận định của một tờ báo lớn cách đây không lâu?

Bà Vũ Thị Bích Liên, giám đốc công ty Sóng Vàng, đơn vị đang nắm một lượng lớn giờ phim trên các kênh truyền hình quan trọng của VTV, HTV…trao đổi với TT&VH Cuối tuần xung quanh câu chuyện này.

* Bà nói gì về nhận định “phim truyền hình đang chết” với tư cách chủ một đơn vị đang cung cấp xấp xỉ 500 tập phim truyền hình mỗi năm cho các đài truyền hình lớn?

- Phim truyền hình “chết” ở chỗ nào? Tôi chưa khi nào thấy nó có hiện tượng “chết”. Phim truyền hình vẫn là “cơm” và các đài vẫn giữ nguyên thời lượng sóng cho phim truyền hình. Công ty tôi, như bạn đã biết, vẫn cung cấp khoảng 500 tập phim/năm cho VTV, HTV, truyền hình Vĩnh Long. Nếu chúng tôi có sức làm thêm, có thể sẽ cung cấp thêm hàng trăm tập cho các kênh truyền hình cáp.

Tôi nghĩ rằng nhận định “phim truyền hình đang chết” có phần chủ quan ở một góc nhìn hẹp.

* Nhưng hiện nay, không còn hiện tượng đổ xô đi làm phim truyền hình như mấy năm trước nữa.

- Đúng vậy, nhưng đó chính là việc điều tiết thị trường, để mọi thứ trở về như nó vốn có. Như tôi đã nói, số giờ phim Việt của các đài không hề giảm, vậy thì lượng phim cũng không thể giảm đi. Trước đây, người ta đổ nhào đi làm phim, thổi bùng lên làn sóng sản xuất phim truyền hình và vô hình trung tạo ra sự hỗn loạn. Không ít người vay tiền ngân hàng để làm phim.

Đến nay, tất cả những đơn vị sản xuất theo phong trào, thiếu chuyên nghiệp và không trường vốn đều biến mất khỏi thị trường, thay vào đó là sự tồn tại vững mạnh của những đơn vị làm ăn chuyên nghiệp. Điều này cũng có lợi vì tất cả lượng phim cung cấp cho thị trường đều đổ ngược trở lại với chúng tôi. Nếu có cái chết nào ở đây, thì đó là cái chết của các nhà sản xuất tự phát.

* Phim truyền hình không còn những hiện tượng như kiểu Bỗng dưng muốn khóc, thu hút tới cả trăm spot quảng cáo và giờ phát sóng cũng không còn “vàng” như trước, đó là biểu hiện khiến người ta nghĩ nó đang “chết”. Còn về mặt độ hấp dẫn, hiện cũng không còn phim gây dư luận râm ran như trước. Bà giải thích thế nào về điều này?

- Không còn nằm trong giờ vàng như trước vì phim truyền hình đang phải nhường vị trí cho các game show đang nở rộ. Game show cũng đang kéo sự chú ý của khán giả. Không có những hiện tượng cả về thương mại lẫn nội dung nhưng phim truyền hình đang có một đời sống ổn định, nó vẫn mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất, doanh thu từ quảng cáo và không còn những “thảm họa”.

Xin nói thêm, không phải cứ phim hay, phim tốt là thắng đâu, rất nhiều phim được làm chuyên nghiệp, có nghề vẫn chết như thường. Bài toán về thị trường rất khó nắm bắt. Đài vẫn duyệt từ khâu kịch bản đến thành phẩm. Có đài sẵn sàng bỏ tiền mua đứt những bộ phim mà họ thấy tốt mà không cần biết đến doanh thu.



Cảnh trong Oan nghiệp, bộ phim dài 30 tập do Sóng Vàng sản xuất đang phát trên giờ vàng của HTV7 (20h)

* Trước đây, phim truyền hình mang lại lợi nhuận lớn, thường là gấp đôi chi phí sản xuất. Vậy trong đời sống ổn định của phim truyền hình, doanh thu có còn hấp dẫn như vậy không?

- Doanh thu đã thấp hơn một chút và điều kiện sản xuất cũng khó khăn hơn. Cụ thể, số tiền các đài trả cho mỗi tập phim vẫn giữ nguyên (180 triệu - PV) nhưng chi phí sản xuất, cát-sê của các thành phần trong đoàn phim đều tăng.

Nếu trước đây người ta có thể sản xuất một tập phim với giá trung bình 80-100 triệu, thậm chí 60 triệu, thì nay phải là 120 triệu trở lên. Mặt khác, bây giờ các đài không chấp nhận kiểu làm phim gối đầu, vừa làm vừa phát sóng như trước, mà yêu cầu phải nộp đủ số tập trước cả 2-3 tháng phát sóng và khi phim được phát mới thanh toán tiền cho nhà sản xuất. Vì vậy vốn liếng cũng tồn đọng lâu, nếu nhà sản xuất không trường vốn thì khó mà trụ được.

Hơn nữa, phim truyền hình phải chịu sự cạnh tranh của game show, doanh thu từ quảng cáo - nguồn “thức ăn” chính - thì giảm sút do sự chia sẻ thị phần từ việc có hàng trăm kênh truyền hình ra đời. Bạn cứ tưởng tượng, bình thường tôi có 10 khách hàng quảng cáo, chỉ cần 4 khách bỏ tôi đi sang các kênh khác là tôi lao đao rồi.

* Từng có chuyện các đài lớn yêu cầu các nhà sản xuất phải đấu thầu và ký cược tới 5 tỷ đồng cho một bộ phim 30-40 tập. Chuyện này còn không, thưa bà?

- Theo tôi, việc đấu thầu được áp dụng vì cùng một lúc có quá nhiều đơn vị muốn nhảy vào địa hạt này, họ phải chứng minh với đài về khả năng của mình và phải cam kết đảm bảo doanh thu để đài có tiền trả ngược lại cho họ. Thật ra, chính sách này chỉ áp dụng với các đơn vị nhỏ, chưa có uy tín.

“Đạo diễn có nghề cát-sê mỗi tập phim 12 triệu, chỉ làm 4 bộ phim 30 tập là một năm họ Đã có 1,44 tỷ Đồng ”

* Việc các đài chỉ trả theo kiểu cào bằng 180 triệu/tập phim dù phim tốt hay dở có phải là tác động không tích cực tới chất lượng phim?

- Thực tế không có việc cào bằng 180 triệu/tập như mọi người vẫn nói lâu nay. Ví dụ, phim chiếu khung giờ bình thường, nếu quảng cáo thu được 360 triệu mỗi tập phát sóng thì nhà sản xuất nhận được 180 triệu, nếu hơn số đó, đài sẽ trích phần trăm thưởng cho nhà sản xuất và ngược lại, nếu phim không thu hút khán giả, quảng cáo không đủ định mức nói trên thì nhà sản xuất sẽ không nhận được đủ 180 triệu mà sẽ thấp hơn theo đúng tỷ lệ doanh thu quảng cáo.

Việc kinh doanh là như thế, các đài cũng phải trả tiền sóng, tiền điện, tiền duy trì các hoạt động của họ… và đài cũng đưa ra những chính sách phù hợp với từng giai đoạn. Chẳng hạn trước đây, có những khung giờ có giá lên tới 1 tỷ, thì nay, do sự cát cứ của thị trường, đài đã điều chỉnh xuống cho phù hợp thực tế.

Với chính sách đó, chúng tôi sống tốt, không phải vay ngân hàng làm phim. Còn các diễn viên, đạo diễn, nhà quay phim chăm chỉ làm phim truyền hình vẫn có thu nhập khoảng 1 tỷ/năm, người nhiều thì khoảng 1,5 tỷ, người ít cũng 800 - 900 triệu. Tôi làm một phép tính nhé. Đạo diễn có nghề cát-sê mỗi tập phim 12 triệu, chỉ làm 4 bộ phim 30 tập là một năm họ đã có 1,44 tỷ đồng. Diễn viên cát-sê khoảng 6 triệu/ tập, đây là mức trung bình, cao hơn có thể 7-8 triệu/tập, nếu đóng 4 phim/năm thì họ có hơn 700 triệu rồi, mà diễn viên thường đóng nhiều hơn 4 phim/năm. Đội ngũ làm phim truyền hình như thế là sống quá khỏe chứ.

* Phải chăng với doanh thu thấp đi như bà nói, Công ty Sóng Vàng đã bước thêm một bước vào thị trường game show với Những gương mặt thân quen, và thậm chí là điện ảnh với phim Tết Nhà có 5 nàng tiên chi phí ít (8 tỷ) mà lãi cao (doanh thu đến thời điểm này là gần 60 tỷ và phim vẫn đang tiếp tục chiếu tại một số rạp)?

- Không hẳn như vậy, trước đây Sóng vàng đã làm nhiều game show rồi, như 12h thách thức sức bền, Đấu trường 100, Đèn đom đóm, Sao online… Làm Những gương mặt thân quen vì chúng tôi thích format một chương trình thuần giải trí, nhẹ nhõm cho cả người chơi và cũng vui vẻ cho khán giả. Còn làm phim Tết thì là vì chúng tôi thấy hứng thú với kịch bản. Thành công về doanh thu là do may mắn

Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm