7 NXB kiến nghị về nguy cơ phá sản: Đến lúc… 'không thể chịu đựng nổi'?

04/12/2013 13:34 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau những bức xúc về sách giả, sách lậu… mới đây, các nhà xuất bản bắt đầu lên tiếng vì giá thuê nhà, đất làm trụ sở quá cao. Liệu những đơn vị xuất bản đang sử dụng những “khu đất vàng” giữa Hà Nội này cần ngay lập tức được giảm giá thuê nhà, đất hay ngành xuất bản cần một cơ chế đặc thù?

1. Tóm tắt sự việc, vừa qua, lãnh đạo của 7 nhà xuất bản (NXB), gồm: Văn hóa Thông tin, Thể thao, Văn học, Âm nhạc, Thế giới, Văn hóa Dân tộc và Hà Nội đã cùng ký vào đơn kiến nghị nộp lên lãnh đạo Cục Xuất bản và Bộ Thông tin&Truyền thông.

Kiến nghị nói trên nêu vấn đề: "Từ năm 2009, theo quyết định của UBND TP. Hà Nội, các NXB có trụ sở hoạt động trên địa bàn thành phố phải nộp tiền thuê nhà là 80.000 đồng/m2. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các NXB, làm cho hoạt động xuất bản vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn".

Cụ thể, các NXB hiện nay phải trả tiền thuê nhà, đất lên đến hàng trăm triệu đồng/năm. Theo một nguồn tin, từ năm 2009-2011, NXB Thế giới thanh toán tiền thuê đất là hơn 18 triệu đồng/năm; năm 2012 con số này tăng lên: 1,6 tỷ đồng/năm; còn năm 2013 này là : 1,5 tỷ đồng/năm. Đấy là chưa kể đến tiền thuê nhà từ năm 2009 – 2012 là gần 320 triệu đồng/ năm, nhưng đến năm 2013 tăng lên gần 2,2 tỷ đồng/năm. 


NXB Thế giới không thể chịu được tiền thuê nhà, đất lên tới gần 4 tỷ đồng/năm.

6 NXB khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Từ năm 2013, tiền thuê nhà, đất đối với một số NXB đều tăng lên. Trả lời Thể thao & Văn hóa hôm 3/12, ông Hoàng Thái Dũng, Phó Giám đốc phụ trách NXB Âm nhạc, cho biết, từ tháng 10/2013, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà quận Hai Bà Trưng vừa tăng giá thuê nhà đất của NXB Âm nhạc (trụ sở ở 51 Lò Đúc), khiến số tiền phải trả lên đến 540 triệu đồng/năm.

"Mức giá thuê hiện tại đã là quá cao, nếu tăng gấp đôi vào năm tới thì NXB không thể chịu đựng nổi" – ông Dũng viết trong bản báo cáo gửi lên Cục Xuất bản hôm 6/11.

Về vấn đề thu chi, NXB Âm nhạc hiện nay đang lỗ, dù doanh thu mỗi năm vào khoảng 5 đến 6 tỷ đồng. NXB có khoản nợ từ 20 năm nay bằng ngoại tệ, tính sang tiền Việt vào khoảng 7,5 tỷ đồng. Ngoài ra, theo ông Dũng, Nhà nước đang nợ NXB Âm nhạc 1,5 tỷ đồng nhưng chưa trả.

Thực tế, các NXB kể trên đang “định cư” ở những quận nội thành Hà Nội, những “mảnh đất vàng” giữa thủ đô (NXB Thế giới – phố Trần Hưng Đạo, NXB Văn hóa Thông tin – phố Lò Đúc…)… Mức thuê 80.000 đồng/m2 được áp dụng với các NXB là thấp so với giá thuê văn phòng ở các quận nội thành dao động từ khoảng 400.000 – 600.000 đồng/m2. Hơn bao giờ hết, việc giải bài toán kinh tế với các đơn vị đặc thù đang rất cần một cơ chế đặc thù phù hợp thực tế…

2. Việc không trả nổi thuế nhà, đất khiến các NXB lo ngại "bị đẩy vào tình trạng nợ nần, có nguy cơ dẫn đến phá sản". Ông Hoàng Thái Dũng khẳng định, đây là lần đầu tiên những bức xúc này được kiến nghị bằng văn bản, dù đây không phải là vấn đề mới. Trước đây, các NXB đã trình bày bằng miệng trong các cuộc họp với Cục.

Chia sẻ quan điểm về việc 7 NXB đồng loạt “kêu cứu”, ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản cho biết, ông ủng hộ các đơn vị này. “Nếu kể tên các NXB có thể sống được thì đếm không hết một bàn tay. Trong khi đó, nhiều đơn bị đứng bên bờ vực phá sản. Chẳng hạn, NXB Văn hóa Dân tộc chuyên làm sách cho đồng bào dân tộc ít người thì làm sao làm ăn có lãi? Trong khi đối tượng độc giả là người dân tộc thì cơm ăn còn chưa đủ nói gì đến mua sách?

NXB Thế giới có nhiệm vụ là làm thông tin đối ngoại qua sách, trong khi sách dịch là một loại sách rất khó làm, đòi hỏi trình độ cao, lại phục vụ việc nâng cao hình ảnh quốc gia về văn hóa, lịch sử, truyền thống và thành tựu của những năm đổi mới nhưng họ lại phải làm sách theo cơ chế “lời ăn lỗ chịu”!” – ông Kiểm thẳng thắn.

(Còn tiếp)

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm