30 năm ra đời 'Tuổi trẻ cười': Thời gian còn lại những tiếng cười

06/12/2013 07:13 GMT+7 | Biếm họa mọi miền


(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua (5/12), tại TP.HCM diễn ra buổi tọa đàm “30 năm cùng Tuổi trẻ cười” nhân sinh nhật lần thứ 30 (1/1/1984 - 2014) ấn phẩm trào phúng này. Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ trong Nam ngoài Bắc.

30 năm trước, ấn phẩm trào phúng Tuổi trẻ cười (TTC thuộc báo Tuổi trẻ) ra đời từ sự ủng hộ của các bậc lão thành cách mạng, như: Trần Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trấn, Võ Văn Kiệt… Ông Nguyễn Sơn, nguyên Phó ban Tuyên huấn Thành ủy TP.HCM phụ trách Báo chí Xuất bản chính là người trực tiếp trình bày với các cấp lãnh đạo để cấp phép hoạt động cho ấn phẩm này, nhớ lại: “Chỉ vài tuần lễ sau khi ra đời, TTC đã nhận được lời chúc mừng kèm theo lời nhắc nhở chân tình của nhà văn Nguyễn Tuân: Sài Gòn giải phóng đã gần 10 năm nay mới thấy một tờ báo trào phúng xuất hiện. Như thế, giới trẻ các bạn nín cười quá lâu, kể cũng giỏi. Nay đã biết cười được rồi nhưng phải gắng giữ nụ cười, đừng để… bị đóng cửa”.

Tranh biếm họa trong mục Chuyên đề cười của TTC
Lời nhắc nhở của nhà văn Nguyễn Tuân cũng chính là sự lo lắng của nhiều người. Bởi một tờ báo mượn tiếng cười để tác động vào những tiêu cực của xã hội thì rất dễ… động chạm. Nhưng thời gian cứ vèo trôi như chớp mắt để lại những tiếng cười vô tư. Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập TTC, nhà cách mạng Trần Bạch Đằng viết: “Vào cái thời con đường đổi mới còn chưa đủ rộng, TTC khép nép như cô dâu vừa về nhà chồng, ngó trước, ngó sau muốn… lọt tròng mắt, bị rầy quở liên tù tì, phải báo bẩm… mệt nghỉ, sống tính ngày tháng theo lối… vái ông Địa cho con mạnh giỏi”.

Vả thật, làm báo trào phúng không dễ chút nào. Theo ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng Báo chí xuất bản (Sở TT&TT TP.HCM), thì ở ta hiện nay có 1.084 ấn phẩm báo chí nhưng chỉ có 4 ấn phẩm có chữ… cười, gồm: Học trò cười, Nhi đồng cười, Làng cười và TTC. Điều này chứng tỏ thị phần báo trào phúng rất rộng nhưng không “dễ xơi” chút nào.

Đóng góp lớn của TTC chính là giúp các nhà văn phát triển được khả năng trào phúng. Chính từ TTC, các nhà văn đã đóng góp nhiều tác phẩm cho dòng văn học này. Nhà văn Đồ Bì (tức nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển) thừa nhận: “Tôi xuất thân từ một anh nhà giáo, nhờ TTC tôi biết báo chí là gì và viết trào phúng ngon lành mấy chục năm nay”.

Nhưng nói đến TTC không thể không nhắc đến sân chơi biếm họa mà tờ báo này đã tạo ra cho các họa sĩ biếm trổ tài. KTS-họa sĩ Lý Trực Dũng, cho rằng: “Nói về lực lượng họa sĩ biếm họa Việt Nam, trước 1990 có thể nói có hai trung tâm là Hà Nội và Sài Gòn, nay Hà Nội chững lại còn khoảng một chục hoa sĩ và phần lớn đều cộng tác với TTC. Còn họa sĩ biếm họa Sài Gòn liên tục phát triển về số lượng và chất lượng. Những họa sĩ biếm họa đoạt giải thưởng cao nhất trong giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre do báo TT&VH (TTXVN) đều là người của TTC hoặc đã và đang vẽ cho báo”.

HOÀNG NHÂN
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm