20/11 - nhớ thầy Phạm Viết Song

20/11/2013 07:22 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam có một con người đặc biệt, có một không hai, đó là họa sĩ Phạm Viết Song.

Ông là thế hệ học Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ra trường và suốt đời sống tự do. Không là công chức, nhưng ông làm những việc nhiều hơn một công chức nghệ thuật. Không là Nhà giáo Nhân dân nhưng vĩ đại hơn danh hiệu ấy, bởi ông là người khai tâm nghề vẽ cho hầu hết các họa sĩ ở Hà Nội trước khi bước vào trường mỹ thuật chính qui.

Trường dân lập về mỹ thuật đầu tiên ở Hà Nội được ông khởi xướng từ năm 1955 và cũng ông đóng vai trò chủ chốt cùng vài bạn đồng liêu. Và rồi ông đeo đẳng với nghề bền bỉ nhất suốt mười năm, địa điểm thì chuyển dịch đủ nơi. Đến khoảng 1965 trường nâng lên trung cấp mỹ thuật dân lập và học sinh bây giờ không phải là các cháu nhỏ nữa mà là công nhân và những người lao động khác. Một phong trào học mỹ thuật được ông âm ỉ hun nóng trong hàng thập kỷ, nuôi dưỡng khai tâm cho hàng loạt sinh viên mỹ thuật tương lai.

Họa sĩ Phạm Viết Song, tự họa.


Ở Hà Nội, đã dính đến nghề vẽ thì không ai không biết đến tên ông. Tên ông nổi hơn tên các giáo sư, hiệu trưởng trường đại học và ngang bằng với tất cả các danh họa cùng thời, bởi ông gắn với nghề dạy rất sớm và liên tục với nghề dạy học.

Năm đồng học phí một tháng, trong số đó ông trích ra một phần mua thêm giấy, màu  bảng vẽ cho những học sinh nhà nghèo. Những em nhà nghèo quá ông không thu học phí và khuyến khích các em tiếp tục học…

Sau này, vào đầu những năm 1970, khi những lớp phong trào dần dần tan vỡ, lớp học năng khiếu lại quay trở về nhà ông. Ông lại vừa sáng tác, vừa tiếp tục dạy vẽ. Bao nhiêu thế hệ sinh viên Mỹ thuật Yết Kiêu sau này đã xuất phát từ lớp khai tâm của ông. Không ít các trò từ bàn tay ông uốn nắn ban đầu sau này học lên trở thành những họa sĩ danh tiếng hoặc tham gia vào công việc trong các cơ quan nhà nước. Có người cũng nắm giữ  một số vị trí quan trọng.

Để tưởng nhớ thầy Phạm Viết Song, năm nay nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, lần đầu tiên, 31 học trò cũ của thầy đã tụ nhau làm một triển lãm tại 57 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) mang tên Hội tụ mùa Thu để tưởng nhớ thầy!

Các họa sĩ tham gia triển lãm, hầu hết mái đầu đã điểm bạc, đã cầm sổ hưu từ vài năm nay. Trong số này, người ít tuổi nhất cũng qua 60, cao tuổi nhất có cụ Đào Đình Nhã năm nay đã 84 tuổi…

Một việc làm tôn vinh thầy thật ý nghĩa!

Đỗ Đức (Họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm