2.000 đồng: vừa ăn cơm, vừa xem tranh

01/11/2013 14:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Quán cơm Nụ cười 4 (132 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, TP.HCM), một trong chuỗi quán cơm từ thiện giá 2.000 đồng/suất dành cho người nghèo, vừa khai trương phòng tranh do các nhà thơ vẽ. Người có ý tưởng kết hợp “ăn cơm, xem tranh giá 2.000 đồng” này là Lê Văn Chính, một dạo gây xôn xao dư luận khi bỏ ra 100 triệu đồng mua bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan và 100 triệu mua 10 nốt nhạc bài Tình ca của Phạm Duy.

Ông Chính hiện là Chủ tịch Quỹ Từ thiện tình thương TP.HCM, đơn vị quản lý hệ thống quán cơm từ thiện 2.000 đồng mang tên Nụ cười hiện đã phát triển được 6 cơ sở ở TP.HCM.

* Tổ chức triển lãm, trưng bày tranh ở quán cơm xã hội 2.000 đồng, ông có ý gì khi quyết định làm điều này?

- Người ta thường hình dung quán cơm xã hội, nhà thương là những cơ sở từ thiện xã hội, do nhà hảo tâm mở ra để giúp đỡ người nghèo. Những nơi chốn như vậy thường có bộ mặt nhếch nhác, thích hợp với tầng lớp thu nhập thấp, bần hàn của xã hội. Vào bệnh viện khu dịch vụ trả tiền cao và khu bình dân đã có khoảng cách rất rõ về trang bị và nội thất. Trường học cũng vậy, lớp học kích cầu máy lạnh sang trọng hơn lớp học tình thương là điều hiển nhiên. 

Chúng tôi chủ trương ngược lại, Nụ cười 4, quán cơm 2.000 đồng, phải là một cơ sở từ thiện khang trang, bài trí đẹp như một nhà hàng. May mắn có một công ty kiến trúc tài trợ hoàn toàn từ thiết kế nội thất đến trang bị, bàn ghế nên Nụ cười 4 có một nội thất rất ấm cúng. Nhiều khách ăn cơm 2.000 đồng thốt lên: đời tôi chưa bao giờ ăn trưa ở một nơi sang trọng như vậy! Nhất là từ khi quán Nụ cười 4 được trang trí bằng 26 bức tranh sơn dầu độc đáo của những người vẽ tranh vốn là người cầm bút. 

Doanh nhân Lê Văn Chính

* Khách hàng cơm 2.000, những sinh viên nghèo, người mưu sinh nghèo có ý kiến như thế nào?

- Nói về hoạt động từ thiện, đã có thời người ta hay dùng các từ “phát chẩn”, “tế bần”. Tôi thật sự không ủng hộ những từ ngữ như vậy. Người thọ ơn, cũng có đầy đủ nỗi sợ hãi, đau đớn, cũng rất dễ bị tổn thương, tràn đầy mặc cảm khi đứng xếp hàng trong dòng người chờ mua suất cơm hai ngàn. Chỉ cần một câu nói nặng, một ánh mắt khỉnh khinh, một cử chỉ lạnh lùng cũng đủ làm họ nhận suất ăn trong muôn vàn tủi nhục, ê chề.

Người mưu sinh nghèo biết rất ít về người nổi tiếng. Có thể họ biết tên một nhà thơ, nhà văn nhưng tận mắt tiếp cận các tranh vẽ của một nhà thơ nổi tiếng là điều rất thú vị với họ. Ai cấm cậu sinh viên nghèo hôm nay tần ngần với suất cơm 2.000 đồng ngày sau không trở thành họa sĩ nổi tiếng. Có một vị khách lớn tuổi, rất nghèo đã từng chia sẻ: nếu không có quán cơm này, cả đời tôi từ khi sinh ra cho đến khi chết đi sẽ không bao giờ được bước vào một phòng tranh trang trọng như vậy.

Nhiều khách ăn khi được tình nguyện viên hỏi thăm “cô bác ăn cơm có ngon miệng không” đã òa khóc vì cảm động. Có lẽ, đã lâu rồi, con người ít đối xử tốt với nhau.

* Ở các quán cơm Nụ cười có bị người xấu trà trộn vào ăn để lợi dụng không?

- Xã hội chúng ta hiện nay không lạ với hiện tượng chị gánh hàng rong trái cây vấp ngã, trái cây tràn ra đường, rất có thể bị người đi đường nhào vào hôi của thay vì cứu giúp hoặc xe tải chở thực phẩm bị tai nạn, thực phẩm đổ đầy đường bị người dân tranh nhau hôi của. Đương nhiên quán cơm 2.000 đồng sẽ bị một số người nào đó, chưa thật sự khó khăn trà trộn vào ăn ké. Tuy nhiên, chủ trương của chúng tôi là không chỉ bán suất cơm 2.000 đồng mà thông qua đó mang đến người ăn sự chia sẻ, sự cảm thông, lòng nhân ái. Cuộc mưu sinh khắc nghiệt, lòng nhân ái bây giờ đã chìm sâu, rất sâu dưới bao nhiêu lo toan, tranh giành, cưỡng đoạt để tồn tại. Giả như có người lười biếng, tới giờ trưa làm biếng nấu bếp ra quán cơm 2.000 đồng ăn cơm thì chúng tôi cũng vui vẻ phục vụ. Vẫn đầy đủ sự nhiệt tình, ân cần tốt nhất dành cho họ. Tôi tin là người xấu - tạm gọi họ là người xấu - rồi cũng sẽ được cảm hóa bởi lòng tốt và từ từ, họ sẽ bớt xấu đi...

Thực tế quan sát, trẻ em đường phố những ngày đầu vào quán ăn thường chen lấn, chửi thề... nhưng các em vẫn được các anh chị tình nguyện viên ân cần chăm sóc. Dần dần, bước vào Nụ cười 4, các em không còn tranh giành như trước nữa. Bởi các em nhận ra rằng, trên đời này cũng có người tốt, có người thương mình...

Một góc quán cơm Nụ cuời 4 trưng bày tranh của các nhà thơ

* Được biết, để nuôi 6 quán cơm 2.000 đồng hiện nay tại TP.HCM, cần khoảng 8 - 10 tỷ đồng một năm. Đó là số tiền không nhỏ, làm sao quỹ xoay xở được?

- Chúng tôi không giỏi vận động, nhà hảo tâm ai biết thì đóng góp. Thật may mắn, nhà hảo tâm xứ mình thật đông, đi đâu cũng thấy người tốt. Chuyện chúng tôi bán suất cơm 2.000 đồng là chuyện nhỏ, chúng tôi “bán” sự chia sẻ và cảm thông cho người nghèo, và thêm nữa, chúng tôi “bán” niềm vui, sự hoan hỉ của việc lành cho các nhà hảo tâm. Chưa có một nhà hảo tâm nào đóng góp tiền với gương mặt cau có. Tôi thấy họ thực sự an lạc khi góp chút đỉnh vào quỹ. Niềm vui được làm điều thiện là niềm vui vững chắc, không hề trả giá.

Nhiều người cho rằng treo tranh tại một quán cơm bình dân 2.000 đồng/suất là một dạng hoang tưởng

Bên cạnh việc tiếp nhận đóng góp, chúng tôi cũng chủ động thực hiện các dự án mà việc hợp tác trưng bày tranh là một thí dụ. Khó thuyết phục một đại gia bỏ năm chục, một trăm triệu đóng góp nhưng nếu mình thuyết phục họ mua tranh, cũng số tiền đó để rồi được trích 50% đóng góp vào quỹ thì dễ hơn nhiều. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành dự án “cơm treo”, một dạng voucher trả trước để ghi nhận đóng góp rộng rãi hơn nữa. Mỗi voucher sẽ thiết kế ấn bản một tranh vẽ có trưng bày tại quán Nụ cười 4. Ngoài ra, dự án hát rong đường phố đang chờ được cấp phép, chúng tôi sẽ xuống đường ca hát, gọi là “hát thương” để người nghèo có thể có thêm những suất cơm hai ngàn.

* Nhưng vì sao ông lại mời những nhà văn, nhà thơ bày tranh mà không mời họa sĩ chuyên nghiệp?

- Đối tượng sưu tập tranh chuyên nghiệp không có nhiều ở Việt Nam, chúng tôi nhắm đến người mua tranh là những người có thu nhập khá, đôi khi không cần kiến thức hội họa, mà chỉ muốn mua lại kỷ niệm với người nổi tiếng. Thí dụ bức tranh Hoa đăng ngày cũ của nhà thơ Mường Mán gợi lại ký ức của “Về đi thôi o nớ chiều rồi”, hay Mùa măng của Đỗ Trung Quân nhắc nhở đến những câu thơ tình lãng mạn của anh. Tranh Lê Thị Kim làm người ta kinh ngạc với ý tưởng mãnh liệt tiềm ẩn bên trong người phụ nữ. Lê Minh Quốc thật thà hồn nhiên trong đường nét, Bùi Chí Vinh trăn trở kiếp nhân sinh… 

* Có khó khăn không khi mời mấy “ông bà” nổi tiếng ấy mang tranh của họ tới treo ở quán cơm từ thiện?

- Các anh chị ấy đều là người có lòng. Từ những xúc cảm, cùng với sự tài hoa, họ đã làm nên những tác phẩm ấn tượng. Lẽ ra, những bức tranh này đã có thể xuất hiện tại các chợ tranh Hong Kong, Singapore nhưng cuối cùng, nó được trưng bày rất dễ thương ở một quán cơm xã hội cho người nghèo. Tranh của họ, trước hết đã làm đẹp, làm sang cho một quán có suất ăn 2.000 đồng.

Nhiều người cho rằng treo tranh tại một quán cơm bình dân như Nụ cười 4 là một dạng hoang tưởng. Tôi thì không, tác dụng của việc này đã rõ. Còn nói về hiệu quả kinh tế ư? Tôi tin là sẽ có những người yêu tranh, những người có tấm lòng tìm đến, xem tranh và mua tranh. Bởi tôi tuyệt đối đặt niềm tin vào điều chân thành, vào lòng tốt của thế gian vẫn như mạch sống âm thầm mà mãnh liệt, mỗi ngày hiển hiện chung quanh chúng ta.

HOÀNG NHÂN (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm