20 năm ngày mất của nhà thơ Hoàng Trung Thông: Vẫn trên ga thời gian

01/05/2013 06:06 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - "Cuộc đời thiếu những câu thơ hay / Như quả tim thiếu nhiều máu đỏ / Cuộc đời thiếu những bài thơ hay / Như biển rộng cánh buồm thiếu gió". Hoàng Trung Thông vẫn được biết và nhớ với tư cách nhà thơ, nhưng không chỉ có thơ. Sáng 22/4 vừa qua, Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về Hoàng Trung Thông, cựu Viện trưởng Viện Văn học nhân 20 năm thi sĩ qua đời.

Lịch sử Viện Văn học Việt Nam, Hoàng Trung Thông là nhà thơ - viện trưởng hy hữu. Ta sẽ không mấy ngạc nhiên, nếu tìm hiểu sự nghiệp đa dạng của ông.

Con trai duy nhất của cụ tú nho Hoàng Trung Quát sáng dạ, nhớ lâu, học trường làng, trường huyện rồi Quốc học Vinh. Hơn 40 năm sau, về lại làng Quỳnh, Hoàng Trung Thông viết từ trái tim rộn nhịp: “Làng tôi kia/Như hư như mộng/Đường làng tôi/Trong mưa trong mơ”. Người làng Quỳnh tiêu biểu của chí học và cả... tính gàn.



Vợ chồng nhà thơ Hoàng Trung Thông - Hồ Thị Hoa, năm 1970.

Hoàng Trung Thông sống ở Hà Nội từ 1954, giữ sự gàn “nguyên chất”, thành thiệt thòi. Nếu chỉ nhìn niên biểu sự nghiệp, rõ ràng ông hiển đạt: nổi tiếng, các chức vụ cao - TBT báo Văn nghệ và tạp chí Tác phẩm mới, Giám đốc NXB Văn học, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo T.Ư, Viện trưởng Viện Văn học kiêm TBT tạp chí Văn học (từ 1976 - 1985). Thế mà nghèo, vợ con bao năm vất vả.

Bài ca vỡ đất (1948), Bài ca báng súng, Anh chủ nhiệm, Bao giờ trở lại (Bộ đội về làng), các tác phẩm được vài thế hệ biết qua sách giáo khoa. Hơn thế, thơ Hoàng Trung Thông lưu truyền đông đảo, vì sự khỏe khoắn của hơi thơ, nhịp nghị lực và nhựa sống, thơ thành tục ngữ: “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Bàn tay vợ ông, bà Hồ Thị Hoa, cả đời chẳng mấy khi nghỉ ngơi, bàn tay cặm cụi tảo tần cho 5 đứa con ăn học, bàn tay chai vì nắm quai xô xách nước lên gác 2, khi con còn nhỏ. Bàn tay con út ông bà, Hoàng Phượng Vỹ, tốt nghiệp kiến trúc sư lại đi khuân gạch, phụ hồ, trong khi cha chỉ cần nhờ một tiếng. Ông xin cho con đồng nghiệp đi nước ngoài, dứt khoát không xin gì cho mình và vợ con.

Hoàng Trung Thông là lãnh đạo duy nhất của Viện Văn học và tất cả các cơ quan từ xưa đến nay, không có phòng làm việc. Ngày ấy, tòa nhà Pháp 20 Lý Thái Tổ, tầng 1 dành cho Viện Văn học, tầng 2 là Viện Ngôn ngữ học (Viện trưởng là GS Hoàng Tuệ, thân sinh nhà văn Bảo Ninh). Ông Thông trao đổi, chỉ đạo, ký duyệt gì, là đến từng phòng. Ông kiến nghị nâng lương cho cán bộ, còn mình đi làm đạp xe Thống Nhất, cuốc bộ từ 70 Ngô Quyền đến cơ quan, dù tiêu chuẩn có Lada trắng đưa đón

.

Từ phải sang: Hoàng Trung Thông, Nguyễn Tuân, Nguyên Công Hoan

GS Đặng Thai Mai “mắt xanh” khi bàn giao vai trò viện trưởng cho Hoàng Trung Thông, bởi thi sĩ chính là nhà nghiên cứu đáng nể. Trình độ Hán học, Pháp văn tốt, tự học tiếng Nga, Anh thành thạo, Hoàng Trung Thông là người đầu tiên giới thiệu thơ A.Puskin vào Việt Nam. Ông dịch cả S.Petofi, A.Mickiewicz, L.Aragon, P.Neruda, José Marti.

Làm nhà thơ cũng đủ lắm rồi-  Nhà thơ Hoàng Trung Thông

9 tập thơ, nhiều bút ký phản ánh sức đi, sức viết của cây bút mẫn cảm và sâu sắc. Ông đi khắp Việt Nam, từ Bến Hải sang Bắc Hải (Trung Quốc), tới Địa Trung Hải, sang Đức, Ba Lan, Li-băng… Đỗ Phủ và thơ Đỗ Phủ là nghiên cứu đỉnh cao của Hoàng Trung Thông. Ông còn có tiểu luận, bản dịch tác phẩm Lục Du (1125 - 1210), Lỗ Tấn, Ngải Thanh, Ân Phu rất xuất sắc. Ông đến quê Đỗ Phủ, thăm mộ Bạch Cư Dị, nói chuyện với Lý Quý, thăm mộ Lev Tolstoi, gặp K.Simonov. Các bài chân dung Ngô Tất Tố, Thế Lữ, Đặng Thai Mai, Nguyễn Huy Tưởng, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tuân, Nam Cao bộc lộ kiến văn thâm thúy, nghị lực, tình yêu cuộc sống và văn chương, sự hóm hỉnh của ông. Người đời có giai thoại về dân Nghệ “cá gỗ và khó tính”, còn Hoàng Trung Thông, là nghệ sĩ phóng khoáng, đông bạn, hài hước. Cách đặt tựa kiểu này “lộ” ra ông hóm và trí tuệ: “Anh Thơ hay chị Thơ”, “Lev Tolstoi và chúng tôi”.

Năm 1966, Hoàng Trung Thông sang Trung Quốc họp Hội nghị nhà văn Á Phi, trước lúc đi, được Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dặn dò. Ông đã có dịp gặp các chính khách lớn: Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, cùng các tác giả danh tiếng. Hoàng Trung Thông (vốn tuổi hổ - Bính Dần 1926) tới Bắc Kinh, thành “hổ về rừng”, tha hồ nói tiếng Trung và phóng bút viết thư pháp cùng Quách Mạt Nhược. Quách tặng Hoàng nghiên mực đời Đường, hai ông còn viết thư, giữ liên lạc lâu dài.

Người Nghệ khoáng hoạt ấy đặc biệt yêu mến núi phía Bắc. Thuyền lên trên hồ Ba Bể Chợ Cô Sầu (Trùng Khánh, Cao Bằng) là thi khúc đẫm tình, ông yêu Trùng Khánh, còn vì tình bạn với họa sĩ Vi Kiến Minh. Hai ông Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật VN uống rượu với nhau ở sân 51 Trần Hưng Đạo.

Không say, khi năm 1976 (Đại hội Đảng IV), Hoàng Trung Thông viết thư gửi Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh và Bí thư Đảng đoàn khối VHNT T.Ư Hà Huy Giáp, xin thôi vào Ủy viên Trung ương Đảng, tự nhận “chuyên môn vững, nhưng sinh hoạt bê tha”. Khi có “quy ước” chuẩn hóa các viện trưởng hàm giáo sư, ông từ chối ngay đợt đầu. Lệ các viện trưởng ngành xã hội thường về hưu quá tuổi, Hoàng Trung Thông đúng 60 tuổi làm đơn xin về, kế nhiệm ông là GS Hoàng Trinh, 66 tuổi. Đi đâu, ông cũng chỉ muốn làm một nhà thơ, không cần giới thiệu chức vụ. Ông nói: “Làm nhà thơ cũng đủ lắm rồi!”




Nhà thơ Hoàng Trung Thông (phải) và GS Đặng Thai Mai tại Ba Lan năm 1959.

Ông thích uống rượu cùng họa sĩ, chơi với bạn hội họa đỡ “mệt” hơn bạn văn chương, hay đấy là duyên mệnh để từ 1989, con trai ông minh họa cho thơ, truyện trên báo Văn nghệ, Người Hà Nội, các bức tranh có chất thơ, vẽ bột màu chứ không dùng máy tính.

5 người con của Hoàng Trung Thông đều đặt tên theo các loài hoa (thể hiện tấm lòng trân trọng của ông với người bạn đời, bà Hồ Thị Hoa): Bích Hồng, Bích Liên, Bích Hà, Hướng Dương, Phượng Vỹ. Trừ Vỹ theo nghề họa, con cháu Hoàng Trung Thông đều theo khoa học, kinh tế và một nửa định cư ở châu Âu. Căn nhà gác 2 số 70 Ngô Quyền giờ được giữ như bảo tàng cho con cháu trở về. Ở đấy, “phòng” 6m2, có gác xép, là nơi ông làm việc. Cuối đời, ông thường nói một mình trong đêm với tượng Lý Bạch, Lỗ Tấn, Puskin. Ảo giác hay hoang tưởng, nỗi niềm gì, ông nén riêng mình.

Hoàng Trung Thông qua đời ngày 4/1/1993 vì bệnh phổi và gan. Trước khi mất, 1992, ông ra tập thơ cuối Mời trăng. Tinh cốt đọng lại là tính trữ tình lưu luyến, khát vọng nhân văn của một tài hoa: “Anh thương em vất vả một đời”, rồi sẽ chết: “Nhưng cuối cùng vẫn là tình yêu say đắm/Nhưng cuối cùng vẫn phải là tình yêu đằm thắm”.

Ở Vinh có một con đường mang tên Hoàng Trung Thông. Qua ga Vinh, tôi như thấy bóng ông thong thả qua con đường mang tên mình, hào hứng mờ say hành trình tâm hồn, vào ga thời gian.

Vi Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm