10 năm ngày mất của Lãng Thanh: “Ấn tín kiêu hãnh cho thơ trẻ hiện đại”

21/07/2012 13:33 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Tháng 7 này là tròn 10 năm thi sĩ Lãng Thanh qua đời, người thanh niên 25 tuổi vụt sáng qua bầu trời nghệ thuật đã để lại tập thơ Hoa cùng nhiều tác phẩm thơ dịch, lời các ca khúc, những bức tranh, tản văn, lý luận thư pháp (10 bài) đầy sáng tạo và giá trị.

Vừa tròn tuổi 25, Lãng Thanh đã tốt nghiệp hai trường Đại học Ngoại thương và Học viện Quan hệ quốc tế, thành thạo 3 ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung Quốc. Đau đớn thay, vào tháng 7/2002, lưỡi dao oan nghiệt của một người nghiện đã vô tình giết chết một tài năng trẻ, người đang chực bùng vỡ, khai phóng những chiều kích mới trên nhiều lĩnh vực về hội họa, âm nhạc, thư pháp và thơ ca.

Tài hoa vụt sáng

Nhà thơ yểu mệnh Lãng Thanh

Trong lĩnh vực thơ Lãng Thanh đã xây được một hình ảnh và tầm vóc riêng, đủ để trụ lại với mưa nắng nhật nguyệt. Nhà thơ Vũ Thiên Kiều nhận xét: “Với thơ Lãng Thanh luôn có một tấm lòng son đỏ (xích tử chi tâm), anh là người can trường ra trận và mang lại ấn tín kiêu hãnh cho thơ trẻ hiện đại”. Thơ Lãng Thanh đầy mảnh vỡ du lãng, những chớp lóe nội cảm, những triết tưởng vừa rộng rãi mà hiền minh, vừa rực rỡ mà cô độc.

Đọc thơ Lãng Thanh thường có được những cảm giác lạ đột ngột ụp vào, đôi khi phải bẻ lại cổ áo và đặt hai tay lên đầu gối, mà vẫn chưa hết thon thót giật mình: “Nàng ló đầu sột soạt sau đống lá chuối khô/ Như bánh gai ngon bóc dở/ Nàng mặc nước lăn tròn trên lưng/ Khi tiếng rơi còn chưa bóp vỡ/ Ca nước men vàng lỏng quai lanh canh” (Con mèo đen 2).

Cầm lên tập thơ Hoa và những trang viết để lại (NXB Thanh Niên 2009) mà mặn chát buồn thương. Ngoài 14 bài thơ đã in trong tập thơ Hoa, tác phẩm đã mang lại giải thưởng văn học năm 2004 của Hội Nhà văn VN, lần này bạn bè đã tìm kiếm và bổ sung thêm 7 bài thơ nữa: Năm cánh phượng buồn, Con mèo đen 2, Hoa lụa, Không tặng em tình yêu, Buồn như thép, Không đề, Thiên nhiên là người thầy vĩ đại của tôi. Đó như một sự làm đầy, khẳng định thêm thành tựu sáng tác của Lãng Thanh.

Thông qua đó giúp người đọc hình dung thêm về đề tài, bút pháp, những thể nghiệm cách tân và sự kiên nhẫn tìm đường trong hành trình sáng tạo thi ca của Lãng Thanh. Như chính anh đã tâm sự: “Nhà thơ là người phiêu du. Người đi về đâu? Đông, Tây, Nam, Bắc đều là đường. Không có nơi nào nhà thơ không muốn đến, nếu không thể cho một thứ gì, có lẽ may mắn người nhận được một thứ khác. Chuyến đi xa nào người cũng mang về nhiều hoa và trái. Bạn bè vây quanh xúm hỏi: Sao ngài hái được nhiều hoa thơm trái lạ vậy? Nhà thơ đáp: Vậy mà tôi vẫn chưa đi hết những lối mòn” (Đường).

Tháng 7 này là tròn 10 năm thi sĩ Lãng Thanh qua đời. Phải chăng như chính anh đã tiên liệu một điều gì trước đó “Cỏ đang bắt rễ vào nhau, nắng vẫn lục tìm ô cửa/ Lời của tôi đang nói trên môi em”. Sớm lìa bỏ thế gian khi anh hoa đang phát tiết, Lãng Thanh đã kịp vẽ và trình tấu lên những uẩn ức thi tính táo bạo, làm nên một hiện tượng thi ca độc đáo của thập niên đầu thế kỷ 21. 



Bìa tập thơ của Lãng Thanh

* Và bài thơ vừa tìm thấy hôm qua

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, trong tập truyện mới nhất Vàng son thạch thủy khí có đến hai truyện ngắn lấy thơ Lãng Thanh làm đề từ. Truyện Vụng dại, còn thấy thấp thoáng bóng dáng Lãng Thanh trong đó, một người khách như có như không: “Người khách đã đi từ lúc nào. Trên mặt bàn, điếu thuốc hút dở vẫn còn đỏ lửa. Làn khói mỏng manh bay lên. Màu đỏ của đốm thuốc như bông hoa hồng tỏa mùi thơm dịu khắp quán nhỏ”.

Lãng Thanh đã đến và đi, đột ngột như một lãng khách phong hồ, nhưng màu đỏ của đốm thuốc, của Hoa thì cứ thơm một niềm thơ bất tận.

Suốt cả mấy ngày hôm nay nhà văn Thiên Sơn – người bạn thân thiết của Lãng Thanh lục tìm lại trong tư liệu nhưng vẫn không tìm thấy bài thơ còn sót lại mà chưa đưa vào tập thơ Hoa và cả tập thơ bổ sung Hoa và những trang viết để lại. Nhưng kỳ diệu thay đến buổi chiều qua (20/7), ngày giỗ lần thứ 10 của Lãng Thanh, Thiên Sơn hồ hởi thông tin qua điện thoại “Lãng Thanh thiêng lắm” và anh cho biết đã tìm thấy nguyên văn bài thơ còn sót lại và chưa được công bố tại bất kỳ đâu. 


Bài thơ có cái tên khá kỳ lạ DV và em, Lãng Thanh ngay khi còn sống cũng rất kín kẽ như chưa muốn cho nhiều người biết về bài thơ này của mình:

 Não được bóc vỏ và thấm qua 21 cơn mưa làm cho trong suốt
 Trái tim non như gà mổ vỏ chiêm chiếp kêu
 Tôi cùng em như hai con người xuất hiện đầu tiên nguyên sơ
 Hơi nóng của thần nung đốt và tỏa sáng như một mặt trời”

(DV và em)

Nhà văn Thiên Sơn cho biết: Đó là cuộc thí nghiệm lớn, dịch chuyển những giới hạn của tư tưởng, suy nghĩ, khám phá trong cõi hoang vu có khi đến rợn ngợp của thế giới nội cảm và nhận thức trong những khoảnh khắc lóe sáng kỳ diệu. Vậy thì, đâu có phải những gì nhà thơ tạo nên cũng có thể tìm thấy ngay sự thấu hiểu và đồng điệu. Đây là một bài thơ có những dấu hiệu phi thường, kỳ dị và có sức chuyển lay qua hệ thống ngôn từ đầy biến hóa tạo nên sự liên tưởng trùng điệp, mở ra các tầng ngữ nghĩa dường như không giới hạn.

Ngôi nhà nghệ thuật (31A, Văn Miếu, Hà Nội) cách đây hơn một năm, đông đảo các nhà thơ, bạn bè trong nhóm Chí Tâm rất ấm áp và cảm động đã cùng nhau tưởng niệm Lãng Thanh và giới thiệu cuốn Hoa và những trang viết để lại. Trong không gian lãng đãng thi ca đó, trên con thuyền nhỏ có rượu, nến sáng và những cánh hoa sen thơm ngát tình thi hữu, những lồng ngực thổn thức, tất cả như lặng đi trước cái đẹp cộng hóa nỗi buồn. Và dường như khi ấy người thơ Lãng Thanh - tiếng sóng, ánh linh tuệ thi ca như lãng quên tìm về đỏ sẫm...

Lê Minh Đạt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm