31/12/2012 08:05 GMT+7 | Văn hoá
1. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là tín ngưỡng đầu tiên trên thế giới được công nhận danh hiệu này, qua đó, vừa bồi đắp thêm cho niềm tự hào vừa khẳng định trên tầm thế giới những giá trị cao quý của đạo lý uống nước nhớ nguồn, của truyền thống thờ Quốc tổ và tinh thần đại đoàn kết dân tộc của người Việt Nam.
Bên cạnh đó, Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm cũng được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
2. Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ IV, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật lần thứ III và phong tặng danh hiệu NSND-NSƯT lần thứ VII. Ngày 19/5/2012, tại Nhà hát Lớn Hà Nội long trọng diễn ra Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và danh hiệu NSND. Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này được trao cho 12 tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình về văn học nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao, có tác động lớn và lâu dài trong đời sống, góp phần quan trọng và sự nghiệp phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà.
12 nghệ sĩ xuất sắc đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này, trong đó có: nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Văn Chung, NSND - đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, NSND - đạo diễn Dương Ngọc Đức, NSND Nguyễn Xuân Kim (Sĩ Tiến), nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà văn Ma Văn Kháng…
Trong số 74 nghệ sĩ nhận danh hiệu NSND có: Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Thanh Vân, Đào Bá Sơn, Hoàng Cúc, Minh Hòa, Hồng Vân…
Lễ trao các giải thưởng và danh hiệu này đã được tổ chức sau đó, vào 27/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Lễ hội Đền Hùng năm 2012. |
3. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật kỷ niệm 40 năm "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Hàng loạt các cuộc hội thảo, triển lãm, chương trình nghệ thuật, xuất bản sách, ra mắt phim... đã được tổ chức nhân kỷ niệm trọng đại này.
4. Việc chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã được thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Ngày 5/10/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về “Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu”. Cho tới lúc này, đây là văn bản có tầm bao quát nhất trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn vì trước đây các quy định ở lĩnh vực này chỉ dừng ở quy chế. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 và được xem là bước đệm để nâng tầm thành Luật Nghệ thuật Biểu diễn trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 16/4/2012, Chỉ thị 65 về Chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang do Bộ VH,TT&DL ban hành ngày 16/4/2012 là biện pháp “mạnh tay” trong xử lý những vi phạm gây bức xúc công luận trong lĩnh vực này sau một thời gian dài. Trong thực tế, sau đó, hàng loạt vụ vi phạm quy định về biểu diễn nghệ thuật đã bị xử lý: phạt Thu Minh mặc hở hang trên sân khấu, Thanh Hằng hút thuốc lá điện tử trên sàn diễn thời trang, Cao Thái Sơn hát nhép, Đàm Vĩnh Hưng hôn môi sư thầy...
5. Phong trào Nghe có ý thức và các nỗ lực bước đầu nằm thu phí âm nhạc trên môi trường kỹ thuật số. Nghe có ý thức xuất phát từ lời kêu gọi của nhạc sĩ Quốc Trung và đồng nghiệp đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng và giới làm nghề.
Trong khi đó, từ 1/11/2012, chính thức thu tiền tải nhạc trực tuyến trên hàng loạt trang web.
6.Hà Nội quyết tâm xây dựng văn hóa Hà Nội. Là địa phương đầu tiên xây dựng Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2030, Hà Nội quyết tâm bảo tồn và phát huy văn hóa với các giải pháp: Nâng cao nhận thức tư tưởng, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Gắn phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa; Tăng cường nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa; Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển văn hóa.
Ngày 8/12/2012, Sở VH,TT&DL Hà Nội phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh. Ngay sau hội thảo, Sở VH,TT&DL bắt tay hoàn thiện đề án Xây dựng quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, nơi công cộng thành phố Hà Nội đảm bảo triển khai từ quý II/2014.
7. Một số sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, trong đó nổi bật như: LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ hai với hơn 200 tác phẩm đến từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ; Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam; các show diễn hoành tráng trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc…
8. Hàng loạt chương trình âm nhạc chú trọng yếu tố “nghe”, từ In The Spot Light, The Rooftop, Cửa sổ âm nhạc, đến các live show Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trần Tiến, Trịnh Công Sơn, Dương Thụ, và những show diễn của Thanh Lam, Tùng Dương, Uyên Linh, Bằng Kiều...,được xem là hoạt động âm nhạc tích cực trước trào lưu "chơi" và "nhìn" đang bùng nổ hiện nay.
9. Sự bùng nổ của truyền hình giải trí với hàng loạt cuộc thi như: Giọng hát Việt (The Voice), Vietnam's Got Talent, Hợp ca tranh tài, Ngôi nhà âm nhạc, Vietnam Idol, Sao Mai Điểm hẹn, Thử thách cùng bước nhảy... Có cảm giác như cả làng giải trí đang lao vào những cuộc chơi bất tận, huy động hầu hết các ca sĩ, nhạc sĩ hàng đầu trong đời sống âm nhạc. Và những scandal từ các chương trình này cũng khiến bức tranh ca nhạc thêm phần hỗn loạn.
10.Vụ phá dỡ, xây mới một số bộ phận di tích cổ kính của chùa Trăm Gian (Hà Nội). Vụ việc báo động về cách ứng xử tùy tiện với di tích, không tuân thủ Luật Di sản văn hóa, dẫn tới xâm hại giá trị nguyên gốc của di tích.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất