“Xóa sổ” hội diễn sân khấu chuyên nghiệp

08/07/2012 07:10 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Rất có thể, Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc (diễn ra tại Huế vào 14/7 tới đây) là điểm khởi đầu cho một kế hoạch mới của Bộ VH,TT&DL: ngừng tổ chức các kỳ Hội diễn sân khấu với nhịp độ 5 năm/lần để thay bằng những kì Liên hoan sân khấu với nhịp độ 3 năm/lần.

Ngoài thay đổi về thời gian tổ chức, sự khác biệt của 2 cách làm trên còn nằm ở tiêu chí của vở diễn tham dự cũng như số giải thưởng. Trước đây, những kỳ hội diễn toàn quốc thường được nhắc tới như một cuộc ganh đua khắt khe của giới sân khấu: yêu cầu các đơn vị dự thi phải mang vở mới dàn dựng, số bộ huy chương khá hạn chế (đặc biệt số giải vàng chỉ được trao cho 1-2 vở diễn). Ngược lại, liên hoan sân khấu  dừng ở phạm vi vùng miền và vẫn được coi là cuộc chơi vui của bạn nghề với việc “thoáng” hơn về chọn vở dự thi (có thể dựng từ vài năm trước) cũng như giải thưởng (có tới 35 - 40 % các vở dự thi được giải).


Cảnh trong vở Làm…

Không chuyên thì… ở nhà!   

“Đây là chỉ thị của Bộ VH,TT&DL để điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh sân khấu hiện nay. Trong điều kiện khủng hoảng chung của loại hình nghệ thuật này, việc tổ chức LH với chu kỳ 3 năm/lần sẽ có tạo động lực để các đơn vị dựng thêm tác phẩm phục vụ công chúng” - một chuyên viên của Bộ VH,TT&DL cho biết. Ngoài ra, phải kể thêm một lí do tế nhị khác: rất nhiều đoàn sân khấu hiện nay tồn tại bằng nguồn ngân sách bao cấp của địa phương. Và việc tham gia Hội diễn, với sự cạnh tranh khốc liệt về số giải thưởng, cũng vô tình trở thành một áp lực lớn với những đơn vị này.

“Trước đây, đã có những đơn vị dự Hội diễn với hành trang là lời nhắn nhủ nửa đùa, nửa thật của lãnh đạo tỉnh: giải vàng, giải bạc gì cũng cố được ít nhất một cái, còn nếu không thì lo... giải thể đoàn là vừa” - ông Nguyễn Đăng Chương (Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn) - cho biết. Theo ông, sự căng thẳng này sẽ dịu đi rất nhiều khi LH được tổ chức như một sân chơi lấy sự vui vẻ, giao lưu nghề nghiệp giữa các đoàn làm tiêu chí hàng đầu.

Tuy nhiên, cũng theo ông Chương, khái niệm “liên hoan” của sân chơi này không đồng nghĩa với việc... thả nổi về chất lượng vở diễn tham dự. Cụ thể, số bộ huy chương dự kiến được trao sẽ được hạ xuống phần nào so với những đợt “mưa huy chương” trong những kì hội diễn trước. Ngoài ra, trong quá trình thẩm định trước thềm LH, HĐNT cũng kiên quyết gạt bớt  một số vở diễn quá yếu kém về chất lượng.

Riêng với trường hợp Đoàn sân khấu tư nhân Hoàng Thái Thanh (TP. HCM) - đơn vị đang... than phiền với báo giới về việc không nhận được lời mời tham dự LH -, ông Chương cho biết: BTC đã làm việc với Sở VH,TT&DL TP. HCM về điều kiện dự thi của những đơn vị trên địa bàn này. Tới thời điểm hiện tại, sân khấu Hoàng Thái Thanh chưa được coi là một đơn vị sân khấu chuyên nghiệp để có thể dự LH.

“Có thể, họ cũng rất nhiệt tình muốn tham dự. Nhưng, Bộ VH,TT&DL có quy định rõ ràng về tính chuyên nghiệp của các đoàn nghệ thuật: chí ít phải có mô hình và định hướng hoạt động, có điểm diễn riêng và thường xuyên phục vụ nhân dân” - ông Chương nói - “Sẽ là thiếu hợp lý nếu xóa nhòa ranh giới ấy bằng sự có mặt của những công ty tổ chức biểu diễn và hoạt động theo thời vụ”.

Khó “nuôi” nghệ sĩ trong 15 ngày

Hiện tại, trong số 26 vở diễn đăng kí dự LH có 8 vở của các đoàn xã hội hóa (XHH), chưa kể 2 vở diễn của các trường ĐH SK&ĐA. Theo BTC, mỗi đơn vị dự thi lần này dự kiến sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng (riêng những đoàn mang 2 vở diễn tới LH có thể sẽ được hỗ trợ cao hơn).

“Sẽ là lý tưởng nếu các đoàn ở lại đủ 14 ngày của LH. Không chỉ là chuyện “giao lưu”, LH còn là cơ hội rất tốt để anh em trong nghề quan sát và học hỏi ngay từ vở diễn của bạn nghề” - ông Chương nói. Tuy nhiên, vì lý do kinh phí, điều này gần như là bất khả thi. Bởi vậy, BTC đành chấp nhận việc một số đơn vị XHH chỉ biểu diễn trong những ngày đầu LH.

Trao đổi với TT&VH về vấn đề này, NSND Hồng Vân (GĐ SK Kịch Phú Nhuận) chia sẻ khá thẳng thắn: “Dù rất đáng quý, nguồn hỗ trợ của Bộ VH,TT&DL không thể đủ cho chúng tôi trang trải kinh phí đi, lại, ăn ở trong thời gian dự LH. Năm 2009, Hội diễn sân khấu toàn quốc tổ chức tại TP. HCM nên các đơn vị XHH có thể tham gia dễ dàng. Còn lần này, việc kịch Phú Nhuận dự định mang 2 vở diễn Nước mắt người điênLàm... tới LH sẽ tốn thêm một khoản tiền khá lớn, chưa kể việc ảnh hưởng phần nào tới lịch diễn tại TP. HCM.

Tôi nghĩ rằng, LH này là dịp để Bộ bày tỏ sự quan tâm và khích lệ tới sân khấu tư nhân - những đơn vị gần như không- bao- giờ được rót kinh phí trong bất kì trường hợp nào. Chúng tôi không dám đòi hỏi phải được “bao cấp” toàn bộ kinh phí. Nhưng hợp lý hơn, có lẽ Bộ hãy linh hoạt phân chia kinh phí theo số vở diễn, số diễn viên chính của mỗi đoàn kịch dự thi chứ không nên “đổ đầu” mỗi đơn vị 50 triệu đồng”.

Chiêu Minh
  

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm