Xem Oan khuất một thời: Chèo hay kịch “pha” hát chèo?

02/08/2009 16:16 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vốn quen với hình ảnh một chiếu chèo đơn sơ với cô nàng vận áo mớ ba mớ bảy tay cầm quạt, mắt lúng liếng hay một anh hề đi chân đất, quần áo nâu ngân nga những lời hát trào phúng, nhiều người không khỏi bất ngờ trước cảnh trí hoành tráng, giàn đèn màu hiện đại, những bộ trang phục sang trọng, tao nhã trong vở chèo Oan khuất một thời (tác giả: NSƯT Lê Chức, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang), vở diễn của Nhà hát Chèo Hà Nội được chọn biểu diễn trong đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang trên đường lưu diễn phương Nam từ ngày 26/7 đến 3/8.

Thêm một giả thuyết về vụ án oan

Tấn thảm kịch về “vụ án vườn Lệ Chi” đã được rất nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống: tuồng, chèo, cải lương… khai thác. Oan khuất một thời lại có cách lý giải riêng về cái chết của vua Lê Thái Tông, nguyên cớ tạo nên bi kịch, một cách đầy gợi mở với những chi tiết ít được khai thác trước đây: nhà vua trẻ trong một đêm say rượu và say men tình đã bày tỏ tình yêu đắm say cùng bà Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ (cũng là vợ của quan Hành khiển Gián nghị đại phu Nguyễn Trãi, “thầy học” của mình).


Cảnh trong Oan khuất một thời

Trong lúc đuổi bắt Thị Lộ, đang cố thoát khỏi ông vua bồng bột, háo sắc, nhà vua tự dưng ngã quỵ. Và Thị Lộ, người duy nhất bên cạnh vua lúc đó liền bị khép vào tội giết vua. Nhà vua có thể chết vì trúng gió, cũng có thể chết vì bị đầu độc mà thủ phạm là ai vẫn là dấu hỏi lớn và khán giả muốn hiểu sao cũng được.

Ấn tượng nhất là lớp diễn Nguyễn Trãi uống cạn những bình rượu mà người dân đến đưa tiễn ông trước lúc bị hành hình. Ôm những bình rượu trong lòng đầy trân trọng vì đó là tấm lòng người dân, ông cất lời tự sự đầy bi phẫn về những ngày oanh liệt chống giặc ngoại xâm, về những ngày sống giữa lòng dân ở Đông Quan rồi về Côn Sơn, về những ý nguyện chưa thành… Những tràng pháo tay vang lên không ngớt sau mỗi lời tự sự đầy xúc cảm của NSƯT Quốc Anh trong vai Nguyễn Trãi.

Chèo hay kịch?

Ai nói chèo khó hiểu chứ, vở diễn gần gũi lạ thường. Nhưng thực sự đây là chèo hay kịch? Không rành lắm về chèo nhưng tôi cũng đã coi và “biết” chèo. Nhưng với chèo tôi từng “biết” thì Oan khuất một thời xa lạ quá.

Xuyên suốt vở diễn lời thoại là chủ yếu, những điểm nhấn cao trào cũng chủ đạo dựa trên lời thoại. Cho dù là những lời thoại đầy chất thơ nhưng đó đâu thể coi là lời hát chèo được. Làn điệu chèo được sử dụng rất hạn chế và thường chỉ là những câu hát ngắn (thậm chí rất ngắn) ở một số đoạn bộc lộ tình cảm. Mặc dù những đoạn hát này được sử dụng rất “đắt” và mỗi khi nghệ sĩ cất tiếng hát thì mạch kịch bay bổng hẳn lên như: đoạn Lê Thái Tông tỏ tình cùng Thị Lộ, đoạn Nguyễn Trãi và Thị Lộ cùng ngâm thơ đối đáp, đoạn Nguyễn Trãi nói về thế thái nhân tình trước khi bị hành quyết… nhưng như thế vẫn là hiếm hoi trong một vở chèo và tạo ra cảm giác… hẫng cho khán giả vì nghe chưa “đã” gì hết.

Ngọc Tuyết

GS.TS Trần Văn Khê: Lần đầu tiên tôi xem kịch có hát chèo

“Xét về mặt nghệ thuật thì đây là một vở tốt có diễn biến kịch tính, thủ pháp dàn dựng sáng tạo, cảnh trí, trang phục rất đẹp mà tôi thực sự bị thu hút từ màn đầu đến màn cuối.

Tuy nhiên với những khán giả trung thành của chèo cổ thì chắc sẽ rất thất vọng. Vì đây không phải là một vở chèo mà phải nói là một vở kịch có hát chèo. Trong khi chèo cổ chủ yếu là các làn điệu, khi nói cũng là những cách nói “sử” giàu âm điệu thì vở diễn này chủ yếu là thoại, chỉ có thêm chèo ở một số đoạn; chèo cổ thiên về trào phúng còn đây lại là vở diễn đậm yếu tố bi, cảm động.

Tôi là một người rất mê hát chèo và chèo cũng rất thấm vào người nhưng tôi cũng không phải loại người thủ cựu, thấy gì không như vốn cổ là bài bác. Loại hình nghệ thuật nào cũng có sự cách tân, đổi mới và phát triển. Cải lương miền Nam cũng đã biết bao lần đổi thay rồi định hình, lại đổi thay và định hình. Tuy nhiên cái khó của chèo (cũng như tuồng, hát bội) là cải lương có tính linh động và cởi mở hơn nên những đổi thay dễ được tiếp nhận. Còn chèo thì từ xưa đến nay rất ít có sự biến chuyển.

Tôi không thể khẳng định được những cách tân này, đưa chèo đến gần với kịch nói, có thành công, thu hút được nhiều khán giả hơn hay không vì đây là lần đầu tiên tôi được xem loại hình: kịch có hát chèo này”. 

NSƯT Trần Mai Hương (PGĐ Nhà hát Chèo HN): Luân phiên chèo cổ, chèo hiện đại!

“Mọi người cứ cảm nhận đã là chèo thì phải mặc áo tứ thân, quần áo nâu, chân đi đất… Tuy nhiên phải tùy từng hoàn cảnh của vở. Oan khuất một thời xoay quanh cuộc đời Nguyễn Trãi với bối cảnh chủ yếu trong cung đình thì không thể ăn mặc kiểu nông thôn. Chúng tôi muốn tạo ra một phong cách mới trong trang phục cho vở diễn này: cao sang nhưng phải mộc mạc, đúng “chất chèo”.

Với phần âm nhạc, nếu chỉ dùng các làn điệu chèo thôi thì không đủ để chuyển tải hết những xung đột kịch, những cảm xúc bi hùng của vở diễn. Nếu vở làm ra mà chỉ toàn những ông già bà cả đi xem thì làm sao mà chuyển tải được những bài học lịch sử, những giá trị nhân văn sâu sắc cho thế hệ sau. Chúng tôi dựng vở với tiêu chí phải tiếp cận được khán giả trẻ, phải cho con cháu xem được. Hơn nữa cái chủ đạo của vở diễn vẫn là “chất chèo” được tạo nên bởi sự duyên dáng của người nghệ sĩ, chất thơ đậm đặc trong tác phẩm.

Từ khi công diễn vào tháng 5 đến nay, Oan khuất một thời luôn nhận được sự ủng hộ của rất đông khán giả. Kể cả những khán giả trung thành của chèo cổ vẫn tiếp nhận và tán thưởng vở diễn này”.

Từ lâu Nhà hát đã có chủ trương đi 2 chân: một chân là giữ vốn cổ truyền thống của chèo cổ với những vở kinh điển Quan âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nhan, Trương Viên… ;chân còn lại theo hướng cách tân phát triển biểu diễn doanh thu với dàn kịch mục phong phú: Oan khuất một thời, Lý Thường Kiệt, Lý Công Uẩn, Ngọc Hân công chúa… Cứ thế chèo cổ và chèo hiện đại được luân phiên biểu diễn ở Nhà hát đảm bảo được việc bảo tồn lẫn phát triển nghệ thuật truyền thống. Điều đáng mừng là cho dù diễn chèo cổ hay chèo hiện đại thì chúng tôi luôn duy trì được lượng khán giả rất ổn định”.

Ninh Lộc (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm