Xem những khuôn mặt “đẹp như kim cương...”

04/11/2009 14:48 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tôi đến gặp họa sỹ Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh) trong một buổi chiều nắng đẹp tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trước ngày diễn ra cuộc triển lãm hơn 70 tranh chân dung văn nghệ sĩ mang tên “Bản diện kim cương bất hoại” (tạm dịch: khuôn mặt đẹp đẽ bền vững như kim cương, không bị mai một theo thời gian). Triển lãm sẽ kéo dài đến 8/11.


Tác giả Ba Tỉnh uống rượu
dưới chân dung Văn Cao.

1.
Có thể nói, bất kì ai xem tranh ông cũng đều nhận thấy cái hồn trong mỗi tác phẩm toát lên từ đôi mắt của nhân vật. Ông nói, cách vẽ của ông là làm sao khi bức tranh hoàn thành, dù có lấy tay che đi tất cả những phần còn lại của khuôn mặt nhân vật nhưng chỉ cần nhìn vào đôi mắt là vẫn có thể nhận ra đó là ai. Càng nhìn vào đôi mắt các nhân vật ông vẽ, người xem như bị hút hồn vào nhân vật, như thấy họ hiện hữu một cách sống động trước mặt mình.


Là người Bắc nhưng lại công tác cả một thời gian dài ở phía Nam, trong những năm tháng xa nhà đó, khi buồn ông thường ra quán uống ruợu rồi vẽ. Lúc ấy như là một sự ngẫu hứng, ông vẽ lên trên tấm khăn trải bàn, vẽ trên mặt bàn hay vẽ cả vào bát đĩa. Cho đến mùa xuân 2001, khi họa sỹ Thành Chương đến nhà chơi và bảo “Anh có khả năng thì nên vẽ trong một bố cục là tranh thì sẽ là những tranh tốt”. Sự động viên ấy đã khiến ông bắt tay vào việc vẽ tranh chân dung thực sự với nhân vật đầu tiên chính là họa sỹ Thành Chương.

Sau khi đã vẽ được khoảng 30 - 40 bức, ông chọn lấy 20 bức để triển lãm tại 51 Trần Hưng Đạo, nơi giới văn nghệ sỹ thường lui tới và họ đã có những đánh giá tốt về các tác phẩm của ông. Có thể nói, cái “nguồn cơn” đến với tranh chân dung của ông là thế. Còn tại sao ông lại lựa chọn đối tượng là những người nổi tiếng trong giới văn nghệ sỹ thì đó cũng là một cơ duyên. Cơ duyên ông được làm quen, được biết họ, là bạn của họ. Ông nói thêm, với ông vẽ văn nghệ sỹ có lẽ là dễ hơn bởi ở mỗi người có một đặc điểm rất riêng, không giống ai, có người tóc dài, đầu bạc, có người râu ria... Những đặc tính riêng biệt ấy khiến ông thực sự phấn khởi, hào hứng, càng vẽ lại càng “ra”.


Nhà sử học Dương Trung Quốc (trái) và Nhà văn Sơn Nam
2. Tranh của Đinh Quang Tỉnh được vẽ bằng nhiều hình thức khác nhau. Có lúc ông vẽ trực tiếp, có khi lại vẽ qua ảnh. Tuy nhiên khi xem tranh, không dễ dàng gì có thể biết được đâu là tranh vẽ trực tiếp, đâu là tranh vẽ qua ảnh. Có những người xem đến cuộc triển lãm này đã thốt lên “tranh ông ấy vẽ mà như chụp hình”. Nhưng thực tế, có những bức chân dung ông lại vẽ thông qua chính những bức ảnh chụp. Khi tôi “lăn tăn” về vấn đề làm thế nào giữ được hồn của tác phẩm khi những bức ảnh không được vẽ trực tiếp mà chỉ qua ảnh như thế, ông nói: “Tôi vẽ tranh theo lối truyền thống cũng như người ta kí họa về để dựng tranh. Trong số những tranh tôi vẽ, có người đang sống nhưng cũng có người đã khuất. Người chết thì không thể vẽ trực tiếp được mà phải qua ảnh, nhưng ngay cả với người sống, cũng không nhất thiết tôi vẽ họ trực tiếp, tôi vẫn có thể vẽ họ qua ảnh.


Chân dung nhà văn NAM CAO (không xuất hiện trong triển lãm, vì tác phẩm đã theo GS.Trần Mai Thiên con trai nhà văn Nam Cao sang Canada).
Với một bức ảnh đen trắng, tôi đã xây dựng chân dung của nhà văn Nam Cao mà nay đã trở thành “bảo bối gia truyền” của gia đình Nam Cao và đã được chuyển sang Canada theo gia đình GS.Trần Mai Thiên, con trai nhà văn Nam Cao. Thực tế để vẽ, có rất nhiều cách, có thể là vẽ trực tiếp hay ngẫu hứng và có thể vẽ mà không cần dựa vào cái gì ngoài trí nhớ. Việc vẽ qua ảnh với ông không phải như người làm nghề truyền thần mà nó là thực sự là một công việc của người họa sỹ, đó là xây dựng thế nào thành một bức tranh đúng nghĩa. Trước đây, Picasso cũng dùng ảnh để vẽ tranh, và bây giờ, việc làm tượng chân dung ở Việt Nam cũng dùng đến ảnh và họ chỉ chụp chân dung bốn phía để dựng tượng. Không chỉ dừng lại ở đó mà để vẽ tốt, vẽ đẹp người ta còn sử dụng đến cả đồ họa.


“Tuy nhiên không phải người nào cũng dám thừa nhận việc sử dụng ảnh để vẽ - họa sĩ Ba Tỉnh tâm sự - Tôi thì những bức nào vẽ qua ảnh tôi nói là vẽ qua ảnh. Tôi nghĩ quan niệm sử dụng ảnh làm phương tiện để vẽ sẽ không thể truyền đạt hết được cái thần của nhân vật là một quan niệm xưa cũ. Quan trọng nhất vẫn là hiệu quả thẩm mỹ của tác phẩm khi đến với người xem”.

Việc vẽ qua ảnh dường như chỉ là một phương tiện để ông tiếp cận với nhân vật chứ ông không phụ thuộc vào nó để tạo dựng tác phẩm. Làm thế nào để nhập tâm và dùng ngòi bút để vẽ ra sự nhập tâm đó mới là khó. Và để làm được điều này, ông đã phải tìm hiểu về nhân vật của mình bằng nhiều nguồn khác nhau: sách báo, tư liệu... Đọc thông tin về nhân vật để “thấm nhuần” họ chứ không phải nhìn mặt họ. Cho nên ông vẽ mà không căn cứ vào thời gian, tuổi tác của nhân vật. Ông vẽ về tâm hồn của họ.

3. Quá trình thực hiện các tác phẩm trong cuộc triển đã đem đến cho ông bao kỉ niệm. Vui có, buồn có. Buồn nhất là vẽ những nhân vật không giống họ. Hay khi Nguyễn Trọng Tạo bảo vẽ giống nhưng cái khung không được đẹp. Thế là làm lại từ đầu.

Đến hôm nay, sau gần 10 năm lao động tâm huyết, sáng tạo, ông mong muốn được thể hiện tình cảm của mình với bạn bè và cả những người ông quen biết, ngưỡng mộ qua bộ sưu tập 72 bức tranh trong số gần 200 tác phẩm ông đã hoàn thành.

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm