“Xem mặt” mà “bắt hình” pháo hoa!

26/03/2010 13:40 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Bất luận gì, thì “kép chính” của thành phố Đà Nẵng mấy ngày nay vẫn là 5 đội tham dự Cuộc thi Bắn pháo hoa quốc tế: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Pháp, Việt Nam. Tất cả đang bận rộn để hoàn thiện những khâu nhỏ nhất ở khu vực cảng sông Hàn, chuẩn bị cho các màn trình diễn trong hai đêm 27 - 28/3. Khu vực các đoàn được bảo vệ nghiêm ngặt, lực lượng chữa cháy túc trực ngoài đường 24/24 đề phòng bất trắc. Sự tự tin thấy rõ ở tất cả các đội tham dự.

“Quyến rũ” phương Đông


 Đội Nhật Bản đang cẩn thận nhồi thuốc
Văn hóa phương Đông và phương Tây khác nhau nhiều, tất nhiên thị hiếu thẩm mỹ và quan niệm về cái đẹp cũng không là ngoại lệ. Năm đầu tiên (2008), Canada đã chiếm lĩnh được ban giám khảo lẫn khán giả khi đoạt ngôi quán quân với chủ đề “Âm nhạc của sân khấu và màn bạc”. Nhưng năm ngoái, Trung Quốc đã giành vị thế cho phương Đông với tiết mục khiến hàng ngàn khán giả thán phục đến sững sờ. Trên nền nhạc nhẹ, mang âm hưởng dân ca, câu chuyện tình lãng mạn nổi tiếng Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài đã được kể bởi tuyệt tác ánh sáng và âm nhạc như một huyền thoại về Romeo và Juliet của người Trung Quốc.


Năm nay, Trung Quốc không tham dự, cơ hội đó chia cho nhiều đội và tất nhiên, gánh nặng “phương Đông” dồn lên vai chủ nhà và Tamaya Kitahara - Nhật Bản. Cũng là phản ứng tự nhiên, khán giả quá kỳ vọng lần này đội chủ nhà Việt Nam sẽ làm được điều gì đó to tát hơn, bởi thực tế dù nỗ lực rất nhiều nhưng hai lần trước công nghệ bắn pháo hoa của chúng ta vẫn còn một khoảng cách khá xa với các nước bạn. Kịch bản hay rồi đấy, nhưng chuyển tải được ý tưởng sâu lắng bằng pháo hoa lại phải đẹp, vi diệu, cùng năng lực hòa âm phối khí có đẳng cấp, vẫn là thách thức lớn. Theo dõi hai lần thi trước, đội nào đẳng cấp biết ngay. Ngoài phải ồ lên, du khách phải trải nghiệm được nhiều cung bậc của cảm xúc.

Nếu ẵm giải, đấy là chiến tích với đoàn chủ nhà bởi năm nay kỹ thuật trong nước tự lo tất, chứ không phải nhờ chuyên gia nước ngoài “chống lưng” như hai lần trước. Cũng nên thế, bởi muốn đưa cuộc thi này chuyên nghiệp và định kỳ thì chủ nhà phải tự lực. Ngoài được tạo điều kiện đi tập huấn tại Malaysia năm 2008, đoàn chủ nhà với “7 ngự lâm” của Bộ chỉ huy quân sự Đà Nẵng, chủ yếu “học nghệ” qua băng đĩa ghi hình các cuộc thi pháo hoa quốc tế, rồi lao vào rèn luyện từ tháng 11/2009.

Đội Tamaya Kitahara đến từ Nhật Bản, đất nước có sự hòa quyện sâu sắc giữa truyền thống và hiện đại, đang hứa hẹn bùng nổ với “gam màu” chủ đạo là kịch nô và hoa anh đào. Hoa anh đào chỉ nở một lần vào mùa Xuân, nó quyến rũ dân ta thế nào thì đã rõ qua các lễ hội hoa anh đào hàng năm. Chắc chắn, đội Nhật bản mong muốn mọi người sẽ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của pháo hoa như chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa anh đào.

Ông Motohiro Sonoda (đội Nhật) tâm sự: “Người ta có thể tạo nên sự lãng mạn, sôi động và hào hứng trong chốc lát cho người xem, nhưng chúng tôi thì không muốn mọi thứ trôi qua nhanh. Còn điều gì sâu lắng và ấn tượng sau những phút thăng hoa trên bầu trời ấy? Vì lẽ đó, chúng tôi muốn chuyển tải đến công chúng từ cuộc thi này ý tưởng hòa bình và hy vọng cho mọi người”.


Kỹ sư đội Bồ Đào Nha đang kiểm tra lại pháo của mình. Ảnh Hữu Quý
Lãng mạn Pháp, sôi động Mỹ, sâu lắng Bồ Đào Nha

Đội Jacques Couturier Organisation - Pháp hy vọng sẽ quyến rũ được khán giả bởi vẻ đẹp lãng mạn và hào hoa như người dân đất nước này. Nhà soạn nhạc riêng của họ đã dày công soạn các bản nhạc tuyệt đẹp với tiết tấu nhẹ nhàng, trầm lắng để diễn tả huyền thoại sông Hàn. Câu chuyện tình yêu trong màn diễn sẽ được trình bày thật lãng mạn, tình tứ.

Màn trình diễn của đội Luso Pirotecnia - Bồ Đào Nha được đội này “thiết kế riêng” cho... Việt Nam, cho DIFC 2010. Joaquim Melo (đội Bồ Đào Nha) tâm sự rằng, âm nhạc của đội anh nhẹ nhàng và thanh thoát. Sự kết hợp này nhằm diễn tả thông điệp về dòng sông dữ dội và dịu êm rất đặc trưng của Đà Nẵng. “Đội chúng tôi sẽ vô địch, và nếu thế thì cũng chẳng có gì bất ngờ” - anh nói.

Năm ngoái, điệu flamenco của Tây Ban Nha khiến khán giả khó yên chân tay, thì năm nay đội Pyrotecnico - Hoa Kỳ đang khiến dân ưa nhạc mạnh rạo rực khi màn thi của họ thể hiện trên nền nhạc Rock n’ roll sôi động. Đấy như sự khác biệt, hay có thể gọi như “món ăn” lạ ở cuộc thi năm nay, khi các đội khác đều sử dụng âm nhạc nhẹ nhàng, đằm thắm. Nhìn chung năm nay, các đội đều cố gắng lựa chọn những thể loại âm nhạc để tìm được tiếng nói chung, sự đồng điệu văn hóa Việt, con người Việt Nam.

Từ tối mai, sẽ diễn ra những cuộc “so tài” thú vị giữa những nền văn hóa, trên phương diện trình diễn công nghệ bắn pháo hoa.

Pháo hoa Pháp với chủ đề Lạc Long Quân - Âu Cơ

Khán giả Việt sẽ phải ngỡ ngàng khi xem họ chuyển tải hình ảnh và triết lý Lạc Long Quân và Âu Cơ.

“Là người Việt, chỉ cần nói vậy bạn đã hình dung ra bao điều. Nhưng, bạn nghĩ sao khi chủ đề này sẽ được người Pháp chúng tôi thể hiện? Tôi chắc với bạn rằng, người xem sẽ không thể nuối tiếc hay thất vọng khi xem chúng tôi trình diễn. Một chủ đề thuần Việt được xây dựng trên nguồn cảm hứng lãng mạn của người Pháp, sẽ tạo nên sự hòa hợp không thể tốt hơn, cuốn hút hơn” (Phát biểu của Laurent Jeffaut, đội Pháp).

Đội VN sẽ làm khán giả phải “thổn thức”!

Hiểu rõ được sức ép của chủ nhà, nhưng Bùi Chí Đức (Việt Nam) cùng đồng đội vẫn rất tin tưởng vào cơ hội ẵm giải. Anh tâm sự: “Phải nói thẳng, tính chuyên nghiệp của các đội hơn hẳn ta. Chẳng hạn Mỹ, họ đã có kinh nghiệm thi đấu pháo hoa quốc tế từ gần 30 năm nay, còn chúng ta chỉ có 2 năm. Nhưng, “điểm yếu” của sự chuyên nghiệp là thường rập khuôn. Chúng tôi mới tập tành thi đấu trường quốc tế vẫn có lợi thế vì sẽ có cái lạ, cái khác biệt. Mà người xem bây giờ thích trải nghiệm những cái lạ.

Thượng tá Trương Chí Lăng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Đà Nẵng, đội trưởng đội bắn pháo hoa Việt Nam cũng đồng quan điểm: “Chúng tôi rất tự tin sẽ làm khán giả phải “thổn thức” về đoàn chủ nhà vì nhiều hiệu ứng đặc biệt mới lạ sẽ được sử dụng, nhưng chúng tôi muốn giữ bí mật này đến phút cuối”.

N.H


Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm