Xem “đắp da mặt” cho sọ người thời Lý

15/06/2011 10:43 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin trong bài viết Làm “sống dậy” người thời Lý ngày 28/3/2011, sau khi khai quật được bộ xương người ở Suối Bàng (Mộc Châu, Sơn La) năm 2006 - 2007, TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho rằng, đây là bộ xương người thời Lý khá hoàn chỉnh. Mặc dù niên đại của bộ xương này cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi trong giới, nhưng từ đó đến nay, ông cùng cộng sự của mình đã làm khuôn silicon, ứng dựng các kỹ thuật phục dựng mặt hiện nay để tạo ra một chân dung.

Sau khi nhận được thông tin ông đang “đắp da mặt” cho sọ người được cho là thời Lý, PV TT&VH đã có mặt tại Bảo tàng Phạm Huy Thông, xã Quảng Yên, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh để ghi lại công việc làm “sống dậy” người Việt cổ của TS Việt.

Khuôn mặt “rất quen thuộc và gần gũi”

Khuôn mặt người thời Lý được
cho là “rất quen thuộc và gần gũi”

Khi chúng tôi có mặt tại Bảo tàng Phạm Huy Thông, sọ người bằng thạch cao cùng các số đo phần mềm được đánh dấu cho chiếc sọ đã được phủ thành hình bằng nguyên liệu tự chế. Có thể thấy, khuôn mặt người thời Lý không có nhiều điểm khác biệt so với khuôn mặt của nhiều người thời nay là bao. Thậm chí, nói như TS Việt: “nhìn rất quen thuộc và gần gũi...”

Trước khi bắt tay vào phục dựng chân dung này, TS Việt cho biết, ông đã nghiên cứu cái sọ từ rất lâu, nhưng chỉ sau khi phủ nguyên liệu kín hộp sọ ông mới biết mặt, vì sau khi đắp các hợp chất lên thì dần dần khuôn mặt mới hiện ra. Ông tỏ ra phấn khởi: “Tôi cảm thấy rất mừng là vì sau khi đưa ra các chỉ số, chúng tôi đã đưa ra được một chân dung cũng đúng tuổi và cũng đúng với cái khuôn mà cái sọ này đã tạo ra”.

Để dựng chân dung sọ người thời Lý, TS Nguyễn Việt căn cứ trên cơ sở 21 điểm chuẩn dùng chung cho người châu Á (nam, 30-45 tuổi) được công bố rộng rãi trên thế giới. Thoạt tưởng nó không khác công việc của nghệ sĩ tạo hình là bao, xong nguyên lý khác biệt cơ bản của việc phục dựng mặt theo sọ với nghệ sĩ tạo hình là ở chỗ; các phần mềm dày, mỏng, dài, rộng trên mặt người tùy thuộc vào đặc điểm từng nền sọ và người phục dựng không thể hình dung ra chân dung của người trước khi kết thúc việc phủ các mảng sáp phần mềm cuối cùng.

Chỉ tay vào “người thời Lý” TS Việt nói thêm: “Sọ nam này khá to lớn. Trong một trăm sọ chúng tôi sưu tập được thì đây là sọ người to nhất và người đàn ông thời Lý này có thể cao tới 1,7m. Và, dựa vào độ mòn của răng và độ liền của các khớp xương chi có thể xác định được người đàn ông này có độ tuổi từ 35-45... Theo nghiên cứu về khu mộ này, tôi cho rằng: đây là nhóm cư dân đi từ vùng thượng của sông Đà, hoặc thượng nguồn sông Mã”.

Giới thiệu chân dung tiền nhân

Có thể thấy, sọ người đời Lý được phục dựng theo phương pháp dựng các chuẩn phần mềm, một phương pháp hiện phổ biến trên toàn thế giới, dựa trên kết quả thống kê phần mềm phủ trên nền sọ của các chủng tộc, lứa tuổi, giới tính, màu da, kiểu tóc được san sẻ giữa nhiều phòng thí nghiệm qua các hội nghị chuyên ngành quốc tế. Hiện số điểm chuẩn phổ biến lên đến con số 21. Một số nhà khoa học đưa lên đến 26 điểm chuẩn.

Khi được hỏi: Một số người còn nghi ngờ về phương pháp phục dựng này của ông? TS Việt nói: “Tôi nghĩ rằng sự nghi ngờ về phương pháp này thì không có, bởi vì các nhà khoa học hình sự, tòa án họ đã sử dụng phương pháp này quá nhiều rồi. Và họ đã phá được rất nhiều vụ án thông qua việc dựng lại chân dung của một bộ xương mà chúng ta phát hiện được.


TS Nguyễn Việt đang phục dựng khuôn mặt người thời Lý để tạo ra một chân dung hoàn chỉnh


Hiện nay, phương pháp này đã tiến xa và rất phổ biến. Nếu trước đây từng chỉ số được giữ bí mật, thì ngày nay mọi người có thể san sẻ cho nhau những chỉ số. Tuy nhiên, thế giới vẫn còn thiếu một số chỉ số của một số quốc gia không tham gia vào hội nghị này, trong đó, Việt Nam chưa có một tài liệu nào đóng góp vào chỉ số của thế giới cả. Chính vì thế, thời gian đầu khi làm trên sọ người Đông Sơn, chúng tôi phải sử dụng chỉ số khác”.

Sau khi phục dựng cụ thể chân dung người thời Lý, TS Nguyễn Việt dự định sẽ tổ chức ra mắt công chúng chân dung nói trên. “Vừa qua, một số nhà khoa học tỏ ra nghi ngờ về hoạt động này. Nếu có điều kiện, chúng tôi không chỉ công bố công trình của mình mà còn thảo luận với các nhà khoa học về lĩnh vực phục dựng chân dung. Vì thực sự ngành khoa học này không có gì là phức tạp, khó khăn cho lắm để rồi phải nghi ngờ, đánh giá không có cơ sở khoa học.

“Tôi muốn giới thiệu chân dung này để mọi người biết chứ không phải khoe thành quả khoa học của mình. Tôi muốn nhận được những ý kiến trao đổi khoa học, nhất là về phương pháp” (TS Nguyễn Việt)

Tôi muốn giới thiệu chân dung này để mọi người biết chứ không phải khoe thành quả khoa học của mình. Tôi muốn nhận được những ý kiến trao đổi khoa học, nhất là về phương pháp và san sẻ tư liệu, các chỉ số phần mềm trong việc phục dựng mặt người để chỉ nhằm đến một mục đích khoa học rằng hoàn toàn có thể làm sống lại khuôn mặt tổ tiên của chúng ta cách đây hàng nghìn năm”.

Những nghiên cứu khoa học của TS Nguyễn Việt có là “viên gạch nhỏ góp thêm tư liệu soi sáng quá khứ của dân tộc” hay không vẫn chưa thể có kết luận mà cần thiết phải có sự chung tay, góp trí tuệ của nhiều nhà khoa học khác trong việc này để tránh cho dư luận không đi vào sự hiểu một chiều về những gì liên quan đến công trình này. 

Phạm Anh Trúc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm