27/07/2011 06:43 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Vào lúc 4h50 ngày 24/7/2011, trái tim của nhà cổ tiền học nổi tiếng PGS-TS Đỗ Văn Ninh đã ngừng đập, sau một cơn biến chứng tăng huyết áp đột phát. Mặc dầu năm nay vừa tròn 80 tuổi, nhưng anh em chúng tôi, những người đồng nghiệp của anh trong giới khảo cổ học và sử học vẫn không nghĩ anh ra đi nhanh như vậy và vô cùng thương tiếc.
PGS-TS Đỗ Văn Ninh
PGS-TS Đỗ Văn Ninh là một tấm gương về sự lao động hết mình và nghiêm túc trong khoa học. Có lẽ vì anh là lính pháo binh trong suốt 9 năm của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nên sau khi chuyển ngành để đi học về khảo cổ tại Trường Đại học Bắc Kinh, anh trở thành một cán bộ khảo cổ mẫu mực trong khoa học, từ thu thập những bằng chứng, đến viết các công trình khoa học.
Anh đã để lại cho đời 10 cuốn sách khoa học có giá trị như cuốn Thành cổ Việt Nam (1983), Tiền cổ Việt Nam (1992), Văn bia Quốc Tử Giám Hà Nội (2000), Từ điển chức quan Việt Nam (2006) và 15 cuốn sách khác cùng viết chung với các đồng nghiệp. 228 bài nghiên cứu được đăng tải trên 26 tờ báo và tạp chí, đủ nói lên nghị lực làm việc phi thường và sự đóng góp của anh cho ngành khảo cổ học, sử học và nhiều ngành chuyên môn khác.
Từ lâu anh đã đam mê những đồng tiền tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ học và rồi dần trở thành một trong những chuyên gia đầu ngành về cổ tiền học Việt Nam. 43 năm về trước khi cùng anh tham gia khai quật hang Soi Nhụ ở Quảng Ninh, anh đã từng căn dặn tôi - một người em kém anh 10 tuổi rằng: “Bọn mình đã dấn thân vào cái ngành khoa học này thì phải gắng để lại cho đời chút gì nhé”.
Lễ viếng nhà cổ tiền học Đỗ Văn Ninh sẽ diễn ra từ 10h sáng nay, 27/7 tại Nhà tang lễ số 5 - Trần Thánh Tông (Hà Nội).
PGS-TS Nguyễn Lân Cường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất