Vĩnh biệt 'Ngài Wada': Một người Nhật đáng kính, chủ nhân bảo tàng 'Huyền thoại Chăm'

06/08/2013 07:26 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà sưu tập hiện vật người Nhật Bản Shoichiro Wada vừa qua đời hôm 29/7 khi công trình Bảo tàng “Huyền thoại Chăm” do ông xây dựng để trưng bày kho cổ vật khổng lồ của mình tại TP.HCM còn chưa kịp khánh thành. Đang trong chuyến đi Thụy Điển, TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã gửi TT&VH bài viết này như lời tri ân với “Ngài Wada”.

1. Chúng tôi vẫn gọi ông là “Ngài Wada”. Năm 2002, khi tôi vừa từ một chuyến công tác Thụy Sĩ trở về TP.HCM, TS Phạm Đức Mạnh, Trưởng bộ môn Khảo cổ học Đại học Quốc gia TP.HCM đã gặp tôi giới thiệu về “một ông già người Nhật có bộ sưu tập tượng đồng rất độc đáo”.

“Ngài Wada” đã giới thiệu với tôi bộ sưu tập “khổng lồ” và “lạ kỳ” của ông. Ông đi taxi đến đón tôi ở nhà riêng và đưa đến kho chứa đồ ở cách trung tâm thành phố chừng 10km. Ngay từ giây phút đầu tiên tiếp xúc với kho chứa hàng trăm bức tượng đồng lớn của ông, trong đó có nhiều bức nặng hàng tấn kim loại, tôi đã choáng ngợp và muốn nghiêng mình kính trọng công sức, lòng dũng cảm và tình yêu lạ kỳ với cổ vật Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

“Ngài Wada” và tác giả đang làm sạch một bình đồng cổ
Sau đó không lâu, Trường Đại học Quốc gia TP.HCM đã giúp ông tổ chức một nhóm chuyên gia gồm TS Phạm Đức Mạnh, Ths Võ Sĩ Khải và tôi, cùng sinh viên chuyên ngành khảo cổ của trường tiến hành nghiên cứu, phân loại, đánh giá kho cổ vật khổng lồ đó để tiến đến thành lập một bảo tàng.

Sưu tập của Wada đã thực sự cuốn hút và thuyết phục chúng tôi. Bộ sưu tập đó, không phải chỉ ở hàng trăm bức tượng thần bằng đồng mà còn hàng trăm thùng, kệ đồ gốm sứ, thủy tinh và kim loại khác với số đầu tiêu bản lên đến nhiều nghìn chiếc. Hai tuần đắm mình trong kho cổ vật Wada tôi luôn có cảm giác trong một giấc mơ. Bởi không thể hình dung nổi làm sao và thế nào một ông già Nhật “đơn độc” như ông lại có thể sưu tầm, lưu giữ, bảo quản khối lượng hiện vật lớn đến như vậy. Chỉ tính riêng trọng lượng các tượng bằng đồng đã lên tới nhiều chục tấn.

2. “Ngài Wada” lúc nào cũng đơn giản, cần mẫn và cẩn trọng như một ông già Nhật rất chuẩn mực. Ông thường mặc chiếc áo gilet nhiều túi, bên trong là áo sơ mi cộc tay và luôn vắt vai một khăn mặt bông để thấm mồ hôi và lau bụi nóng ở đất Sài thành.

Ông sinh năm 1942, đã từng là một kỹ sư xây dựng và có lúc đảm nhiệm cương vị tổng công trình sư của tổ hợp Hazama khổng lồ. Cho đến cuối đời, tấm danh thiếp của ông vẫn còn ghi công việc tư vấn xây dựng mà ông làm trưởng một văn phòng tư vấn ở Bang kok (Thái Lan). Ông rất rành tiếng Anh, mặc dầu nói tiếng Anh không thật giỏi.

Sau hai tuần cùng làm việc trong nhóm công tác của Đại học Quốc gia TP.HCM, tôi và “Ngài Wada” có nhiều dịp làm việc với nhau. Ông tỏ ra mê say lịch sử và bảo tàng hơn nhiều cái nghề công trình sư xây dựng hái ra tiền của mình. Rất ít khi ông nói về lịch sử sưu tầm kho cổ vật mà chủ yếu nói tâm nguyện xây dựng một bảo tàng “Huyền thoại Chăm” (Champa Myth). Ông muốn dùng công sức sưu tập và tiền của dành dụm từ cả cuộc đời hành nghề xây dựng công trình để tạo dựng một “lâu đài huyền thoại Chăm” bằng hiện vật.

Một trong số hàng ngàn hiện vật của Bảo tàng "Huyền thoại Chăm" của “Ngài Wada”

Quả thực, lõi cốt giá trị nhất của sưu tập Wada chính là khoảng 500 bức tượng đồng lớn thể hiện các nhân vật tôn giáo trong huyền thoại Chăm Pa - Ấn Độ giáo. Tôi cảm nhận đó là hai bộ tượng dùng cho hai khu đền rất lớn ở một vùng rừng rậm nhiệt đới Đông Dương nào đó. Dù vô tri vô giác nhưng chúng có sức kể chuyện về bản thân mình và về sự nghiệp tôn giáo mà chúng đã được các đấng tối cao phân định.

Có lẽ ông nhớ nhiều về tuổi thơ của mình với lời ru và huyền thoại mẹ kể mỗi đêm trước khi đi ngủ. Như ông hằng mơ ước, tòa bảo tàng lớn mà ông ấp ủ sẽ như một lâu đài cổ tích dẫn dắt người xem lâng lâng trong giấc mộng huyền thoại của những vương triều Chăm Pa cổ vừa phồn thực vừa thánh thiện. Tòa nhà lớn do ông tự thiết kế và tổ chức xây dựng trong khuôn viên 4000m2 nằm ở rìa phía Tây Nam thành phố (số 26A đường Trần Đại Nghĩa, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM) vừa kết thúc phần ngoại thất, đang trong quá trình hoàn thiện nội thất để ra mắt công chúng. Thành phố đã chính thức cấp giấy hoạt động cho Bảo tàng.

Tiếc thương thay, ông đã không thể cười mãn nguyện trong ngày cắt băng khánh thành để hiền hậu, tự hào ngắm nhìn những khuôn mặt đầy cảm xúc của người xem trước những hiện vật hoành tráng ghi nhận kỳ công sưu tầm, gìn giữ bao năm qua của đời ông.

3. Đã hơn 10 năm trôi qua, kể từ ngày tôi quen biết ông. Mỗi lần qua TP.HCM chúng tôi lại muốn gặp nhau. Tôi muốn làm công việc của một người làm sử, ghi nhận từng cố gắng, thành công của ông, từng ý tưởng sáng tạo trong xây dựng và những ấp ủ nấp kín dưới từng hiện vật. Càng ngày tôi càng khâm phục và trân trọng những cố gắng, hy sinh của ông. Cho ai? Giờ đây thì thật rõ lắm rồi.

Ông ra đi sau một cơn hôn mê kéo dài do căn bệnh ung thư gan đã đến kỳ cuối. Cũng đơn độc như khi ông sống cặm cụi với sự nghiệp sưu tầm và xây dựng bảo tàng của mình. Bảo tàng (cả cơ ngơi xây dựng lẫn hiện vật) ông để lại cho chúng ta với niềm ấp ủ về những huyền thoại đẹp sẽ theo mãi nhân gian êm ái như lời mẹ ru cho đến khi về tận cõi vĩnh hằng.

Tạm biệt “Ngài Wada”. Chúng tôi sẽ làm tiếp những gì ông tạm dừng và sẽ kể lại những chuyện thật đáng vui về Bảo tàng khi chúng ta gặp lại nhau ở cõi yên lành xa xăm ấy.

Rất ít khi ông nói về lịch sử sưu tầm kho cổ vật mà chủ yếu nói tâm nguyện xây dựng một bảo tàng “Huyền thoại Chăm” (Champa Myth). Ông muốn dùng công sức sưu tập và tiền của dành dụm từ cả cuộc đời hành nghề xây dựng công trình để tạo dựng một “lâu đài huyền thoại Chăm” bằng hiện vật.

TS Nguyễn Việt
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm