Vĩnh biệt GS.TS - NSND Đình Quang: Người 'đỡ tay' cho sân khấu thời Đổi Mới

14/07/2015 12:34 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sẽ có rất nhiều điều để nói và để nhớ về NSND Đình Quang, sau khi cây đại thụ của nền sân khấu VN mãi mãi ra đi. Bởi, suốt 88 năm của cuộc đời mình ông đã dành phần lớn thời gian để đồng hành cùng sân khấu trên nhiều lĩnh vực: nhà giáo, nhà quản lý, đạo diễn sân khấu, nhà lý luận phê bình...

Thế nhưng, vẫn có ít nhiều những câu chuyện mà dư luận chưa biết về cống hiến của NSND Đình Quang, bởi nó diễn ra một cách lặng thầm và đã xa so với hiện tại.

Người giữ nguyên... “Tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ

Năm 1984, đạo diễn Đình Quang trở thành Thứ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH, TT&DL) và giữ cương vị ấy 10 năm. Và, đó cũng là thời điểm mà sân khấu bắt đầu chuyển mình, sau những năm dài của thời bao cấp. Để lựa chọn, hẳn ai cũng nhớ tới sự xuất hiện của Tôi và chúng ta (tác giả Lưu Quang Vũ) - dấu mốc quan trọng nhất trên sân khấu kịch nói giai đoạn này.

Vậy nhưng, sau khi được Nhà hát kịch Hà Nội khởi dựng năm 1985, chặng đường đến với khán giả của Tôi và chúng ta đã phải trải qua tổng cộng... 12 lần duyệt. Đến giờ, giới sân khấu vẫn còn truyền miệng giai thoại về cả những lần giải trình của đạo diễn Hoàng Quân Tạo, quanh câu thoại của nhân vật Quých với Bộ trưởng: "Ở dưới các bác còn nhiều người lợi dụng chức quyền làm khổ chúng tôi, làm ảnh hưởng đến uy tín của các bác. Mà các bác thì như giời ấy, giời ở cao quá, không đến được".


Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang (bìa trái) tới thăm NSND Đình Quang vào Tết Âm lịch 2015. Ảnh: TTXVN.

"Anh em diễn viên khi ấy than: Cứ sau mỗi lần duyệt, kịch bản lại bị ép cắt, sửa tơi tả" – tác giả Lê Quý Hiền, người có mối thâm giao nhiều năm với NSND Đình Quang, kể. "Cuối cùng, lần duyệt thứ 11, Thứ trưởng Đình Quang có mặt. Xem xong, ông mạnh dạn đề nghị đưa vở ra công diễn, với yêu cầu sửa lại một số đoạn. Đáng nói,  khi sửa theo ý kiến của Thứ trưởng, vở diễn lại gần như quay về với bản dựng đầu tiên, tức là gần như giữ nguyên tất cả những gì Lưu Quang Vũ viết ra".

Những câu chuyện tương tự còn diễn ra với nhiều vở khác: Bài ca giữ nước (Tào Mạt), Mùa hè ở biển (Xuân Trình), Nhân danh công lý (Võ Khắc Nghiêm)... Để bảo vệ thông điệp về sự bình đẳng trước pháp luật, ông cổ vũ cho Nhân danh công lý – dù đó là vở diễn nói về sự tha hóa đạo đức trong gia đình một Bộ trưởng. Để tháo gỡ những ách tắc cho Mùa hè ở biển, ông trực tiếp xuống làm việc với đoàn kịch Nam Định suốt đêm và nhẫn nại thuyết phục chính quyền địa phương, với hi vọng vở diễn được ra đời.

Tự gọi những lần bênh vực ấy bằng hai từ "đỡ tay", NSND Đình Quang kể lại trong một bài viết: "Tôi đã sử dụng thẩm quyền và kiên quyết ủng hộ những vở diễn, dù địa phương có sự đánh giá, nhận thức khác với mình.... Cả giới văn học nghệ thuật thời kỳ này cũng đã thừa nhận là sân khấu đi những bước tiên phong trong việc đổi mới tư duy sáng tạo".

Ở cương vị nào cũng là một nghệ sĩ đích thực

"Tôi tin chắc, nếu thiếu sự bênh vực, ủng hộ từ phía NSND Đình Quang, rất nhiều trong số các vở diễn nổi bật trong thời Đổi Mới sẽ không thể đến với khán giả" - NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, nhận xét. "Và bên cạnh đó, dù ở cương vị nào, ông cũng là một nghệ sĩ đích thực".

Thật ra, trước khi ngồi ghế Thứ trưởng Bộ Văn hóa, NSND Đình Quang vẫn là một gương mặt cấp tiến trong làng sân khấu. Ở những cuộc tọa đàm, người viết từng được chính ông hào hứng kể lại câu chuyện về sự cố với vở Bạch đàn liễu của mình.

Khi ấy, năm 1963, kịch bản Bạch đàn liễu (Xuân Trình) được ông dàn dựng tại Nam Định với câu chuyện về sự hách dịch, tha hóa của quan chức địa phương tại một làng quê nhỏ. Đến giờ, vở diễn vẫn được nhắc lại như một dấu mốc của sân khấu giai đoạn trước 1975, cho dù cả tác giả lẫn người dàn dựng đều chịu không ít phiền toái về mình.

Và, trong những cuộc tọa đàm ấy, NSND Đình Quang cũng nhiều lần dùng  câu thoại trong Bài ca giữ nước: "Muốn làm hề thì đừng làm quan, còn muốn làm quan thì thôi làm hề. Bằng không, quan thì dở mà hề lại nhạt." Khi vua Lý Thánh Tông muốn phong quan cho mình, chú hề già trong Bài ca giữ nước (Tào Mạt) chối khéo bằng lý do rất... chuyên môn ấy.

Nếu hiểu "hề" theo cái nghĩa rộng về người nghệ sĩ, thì khái niệm "quan" với NSND Đình Quang cũng thay đổi nhiều. Tâm đắc với cụ Tào Mạt, trong bài viết Chuyện kể của một thứ trưởng, ông bảo rằng mình đã cố hết sức để kết hợp "quan" và "hề" trong suy nghĩ của bản thân.

Bởi vậy, trong suốt hơn chục năm làm quản lý, điều tự hào nhất của NSND Đình Quang là việc ông chưa bao giờ đình chỉ một vở diễn sân khấu nào.

Lễ đưa tang đúng kỷ niệm 88 năm ngày sinh

NSND Đình Quang (sinh ngày 16/7/1928) đã qua đời vào 23h30 ngày 12/7 tại Đà Nẵng. Được biết, lễ viếng sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ 7h30 – 12h30 ngày 16/7 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (Số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội)

Từng học tại Trung Quốc và Đức, ông thuộc thế hệ đạo diễn sân khấu đầu tiên của Việt Nam và dàn dựng nhiều vở diễn lớn như Đại đội trưởng của tôi, Bệnh sỹ, Bạch đàn liễu, Người tốt thành Tứ Xuyên... NSND Đình Quang cũng là hiệu trưởng đầu tiên của trường Sân khấu điện ảnh VN Việt Nam, đồng thời để lại nhiều công trình nghiên cứu  và dịch thuật quan trọng về nghệ thuật sân khấu.

Đạo diễn Đình Quang nhận danh hiệu NSND năm 1993, giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa trong thời gian từ 1984 – 1993. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm