Việc che giấu chứng nghiện đang trở nên phổ biến ở Mỹ

16/08/2009 07:34 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sinh thời, một số nhân vật nổi tiếng như Michael Jackson, Billy Mays hay người bình thường như Diane Schuler đã lạm dụng thuốc để phần nào giảm đi được những nỗi đau của mình. Mặc dù vậy, gia đình của họ không hề hay biết gì về việc đó và thậm chí vẫn phủ nhận sự thật này kể cả khi người thân đã qua đời.

Từ các ngôi sao...

Chỉ cách đây hai tháng, Michael Jackson đã sẵn sàng cho cuộc tái xuất lớn với 50 diễn ở London (Anh). Khi ấy, các bác sĩ đã cấp cho anh giấy chứng nhận sức khỏe tốt và tương lai của Vua pop có vẻ như sáng sủa hơn nhiều năm trước đó. Nhưng Jackson có một bí mật mà người hâm mộ trên toàn thế giới và các thành viên trong gia đình anh không hề hay biết: Ca sĩ siêu sao này đã lạm dụng thuốc và cố gắng che giấu điều đó bằng bất cứ giá nào.

“Jackson có thể bắt mẹ anh, bà Katherine, đợi bên ngoài cổng nhà mình tới 3-4 tiếng bất kể là ngày hay đêm nếu lúc đó anh đang “say thuốc”. Anh không muốn các thành viên trong gia đình mình nhìn thấy cảnh đó” - Stacy Brown, tác giả cuốn Michael Jackson: The Man Behind the Mask, cho biết.


Michael Jackson và Billy Mays
 
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh ABC, cha của Vua pop là ông Joe nói rằng không hề hay biết những điều tồi tệ đó đã diễn ra như thế nào. “Tôi chẳng hề biết gì về các loại thuốc. Tôi thậm chí còn chẳng biết tên thuốc”, ông Joe nói. Thực tế, những câu chuyện như thế này đã trở nên quen thuộc trong thời gian gần đây. Hồi tháng 6, Billy Mays, một gương mặt giới thiệu sản phẩm nổi tiếng trên truyền hình Mỹ, đã qua đời vì đau tim. Nhiều tuần sau, kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy cocaine là “một phần nguyên nhân dẫn đến cái chết” của người đàn ông này. Thế nhưng gia đình Mays - đặc biệt là người em trai Randy - không muốn chấp nhận sự thật đó. “Tôi đã nhìn thấy kết quả xét nghiệm nhưng đó không phải là của anh trai tôi”, Randy Mays quả quyết.

Đến người thường...

Hiện 69 tuổi, Marilyn White từng sống “hai cuộc đời” trong suốt 15 năm, nhưng may mắn là bà không phải chịu kết cục bi kịch như hai nhân vật kể trên bởi đã thoát được chứng nghiện rượu từ cách đây 35 năm. Khi còn là “đệ tử Lưu Linh”, dù hàng ngày vẫn làm nhiều công việc để kiếm sống nhưng đồng thời White cũng phải vật lộn với chứng nghiện rượu “bí mật” và tửu lượng của bà đã tăng tới mức vượt tầm kiểm soát. “Tôi thường tới các quán rượu và uống một mình. Tôi uống trong ô tô, nhà tắm và luôn có một chai rượu trong cặp đựng tài liệu của mình”, White kể trong một lần xuất hiện trên ABC News và cho biết thêm rằng khi tuyệt vọng, thậm chí bà còn uống cả nước hoa.

35 năm sau, điều đáng tiếc nhất ở người phụ nữ này là cô con gái Shelly cũng sống trong cảnh nghiện ngập. Giờ đã là một phụ nữ trưởng thành, Shelly vẫn nhớ nỗi khổ tâm và cuộc sống không ổn định khi lớn lên với một người mẹ nghiện rượu. White biết rằng chứng nghiện của mình đã khiến con gái phải lo lắng nhiều. “Shelly rất quan tâm tới tôi. Chẳng hạn như sáng ra, nó thường mang cà phê tới cho tôi. Con bé luôn lo sợ có chuyện gì sẽ xảy ra với tôi và nó đã đúng. Nhiều chuyện đã xảy ra”, White nói.

Mới đây, một người phụ nữ tên là Diane Schuler đã lái xe nhầm đường và đâm vào chiếc xe khác, khiến cô cùng con gái, 3 đứa cháu gái và 3 người đàn ông thiệt mạng. Cậu con trai của cô may mắn thoát chết. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Schuler đã dùng marijuana, uống 10 cốc rượu và điều này khiến gia đình cô thực sự bị sốc. Họ phản ứng rất dữ dội và nói rằng cô chưa bao giờ uống rượu mà chỉ dùng thuốc huyết áp và một số loại thuốc khác.

Bi kịch của Schuler khiến người ta đặt ra câu hỏi phải chăng cô đã che giấu chứng nghiện ngập của mình.

Ann Scott, một trong những người cuối cùng nhìn thấy Schuler khi cô còn sống, nói rằng đã biết Schuler từ nhiều năm qua và chưa bao giờ phát hiện ra vấn đề gì ở người phụ nữ này. “Tôi chưa bao giờ thấy Shculer say rượu. Nhưng tôi đã có trải nghiệm nhiều năm của một kẻ nghiện rượu, vì vậy nếu có nốc thứ chất cay cay này vào thì cô ấy cũng biết cách để không tỏa ra hơi men”, Scott nói.

Cần đối mặt với sự thật

Bà White, vốn đã cai được rượu từ giữa những năm 1970, nói rằng nhiều gia đình vẫn cố gắng chối bỏ chứng nghiện của thân nhân kể cả khi đã biết rõ điều đó. Hiện nay, White đang điều hành một trung tâm đã giúp hàng ngàn người cai được các chứng nghiện. Tiến sĩ Petros Levounis, nhà tâm lý kiêm Giám đốc của Viện nghiên cứu về các chứng nghiện tại bệnh viện St. Lukes-Roosevelt ở New York, cũng đồng ý rằng việc có người muốn che giấu những nhu cầu về thuốc và rượu không phải là điều hiếm gặp. “Chúng tôi thường xuyên gặp những trường hợp như vậy. Có thể ai đó tự kê toa cho mình khi bị rối loạn tâm lý mà không chữa trị, chẳng hạn như bị suy nhược hay lo âu, và họ uống rượu một cách bí mật”, Levounis giải thích.

Khi còn bị nghiện, White đã tranh thủ từng cơ hội để uống rượu, thậm chí có lần còn nói dối là đi nạo thai để có thể tham gia một cuộc chè chén vào dịp cuối tuần. “Tôi gọi người đến trông hộ Shelly vào dịp cuối tuần và nói với họ rằng mình phải tới thành phố để nạo thai, nhưng thực ra là tôi đi uống rượu”, White nhớ lại.

Mặc dù đã cai được rượu hơn 30 năm nhưng đôi khi White vẫn cảm thấy dằn vặt với quá khứ nghiện nghiệp của mình. May mắn là bà đã tìm ra cách chuộc lỗi khi đang giúp đỡ nhiều người khác. “Chặng đầu của cuộc đời tôi đã ngập trong rượu và ở chặng thứ hai thì tôi hết lòng giúp mọi người tỉnh táo. Điều đó đã giúp tôi làm dịu đi được nỗi đau của mình”.

Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm