Vì sân khấu không chịu đầu tư cho khán giả…

08/04/2010 10:13 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - 7 năm liền, Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam không tìm được giải A kịch bản (Lễ trao Giải thưởng Sân khấu 2009 diễn ra tại Hà Nội ngày 31/3 vừa qua). Phải chăng, sự “mất mùa” của kịch bản phản ánh đúng thực tế đời sống sân khấu hiện nay?

Nhân vật của mục Đối thoại tuần này là nhà viết kịch Lê Quý Hiền – người từng nhiều năm “gặt” giải B, và năm nay tiếp tục nhận giải B với kịch bản Cờ chuẩn Điện Biên, xung quanh những vấn đề của sân khấu, không chỉ có chuyện kịch bản.

* Thưa ông, liên tiếp 7 năm, kịch bản sân khấu không có giải A. Với góc nhìn của một nhà viết kịch, ông nghĩ thế nào về đánh giá kịch bản sân khấu đang "mất mùa"?

- Đây là giải thưởng thường niên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu, mà mục đích là khuyến khích phong trào sáng tác. Giải này không thể trao kiểu "thằng chột làm vua xứ mù", nhưng theo tôi nên "so bó đũa chọn cột cờ". Hãy nên chọn ra một cái xuất sắc nhất trong số những cái bình thường. Tại sao lại cứ phải đánh tụt xuống hạng B như vậy? Tôi xin khẳng định, sân khấu không thiếu những kịch bản hay!

* Không thiếu kịch bản hay? Nhưng, các nhà hát, đạo diễn vẫn nhiều lần nói rằng, tìm kịch bản hay như mò kim đáy bể…

- Vì sự khác nhau giữa đời sống sân khấu phía Nam và phía Bắc nên tôi chỉ nói tới đời sống sân khấu phía Bắc, là nơi tôi hoạt động chính. Đời sống ấy bình lặng quá. Lý do của sự bình lặng này là cơ chế sân khấu và tư duy của những người làm sân khấu ở đây còn nặng tính bao cấp. Nói gì thì nói, sân khấu phải được xác định là một sản phẩm, ở đó có người mua, người bán. Để sản phẩm đó đến được với người tiêu dùng, nó phải được quảng bá, giống như quảng cáo kem đánh răng, dầu gội đầu… hàng ngày trên tivi vậy. Nhưng đằng này, sân khấu không hề đầu tư cho khán giả, tức là không có đầu tư cho tiếp thị khán giả quảng bá "sản phẩm" tới công chúng. Mà không có khán giả thì không có sân khấu. Thực tế, nhiều vở dựng xong, kể cả vở hay và không hay (vì bàn tới chất lượng nghệ thuật là cả một vấn đề), thì xếp kho gây lãng phí biết bao tiền của của dân…

* Những vở diễn xếp kho, đó là những vở nào, thưa ông?

- Tôi thử hỏi lại bạn, bạn là phóng viên, bạn có biết ở đâu, đoàn nào ra vở mới không? Chắc chắn là không, bởi vì không ít đoàn, nhà hát khởi công dựng vở, ra mắt vở trong… im lặng. Họ làm và họ biết với nhau, chứ người ngoài không biết. Vậy thì việc vở diễn bị xếp kho là điều hoàn toàn dễ hiểu! Chuyện của Hãng phim Người Bảo vệ (thuộc báo Công an TP.HCM), đầu tư 150 triệu đồng làm phim, phim ra rạp không thu hút được khán giả. Ông Huỳnh Bá Thành hồi đó cho chi 50 triệu đồng quảng cáo, tiếp thị. Phim lập tức bán được vé, thu về 260 triệu đồng.


Âm mưu và tình yêu - kịch bản kinh điển nổi tiếng
dựng ở Việt Nam cũng không có khán giả

* Trở lại những vấn đề liên quan tới kịch bản sân khấu. Thưa ông, không ít người nói rằng, vì sân khấu đang thiếu nguồn kịch bản, nên chẳng có "bột" thì làm sao có thể gột nên "hồ". Bởi thế, chúng ta mới chỉ có những vở diễn tầm tầm?

- Là người trong nghề, tôi xin khẳng định với bạn rằng, kịch bản và vở diễn là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Mỗi năm nhà nước đầu tư không ít tiền cho các trại sáng tác, nhưng không ai dám khẳng định những kịch bản ra lò từ đó đều đưa lên sàn diễn. Kể cả những kịch bản vừa được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam với một Hội đồng Nghệ thuật đầy uy tín và chuyên môn trao giải. Chuyện là thế này, bạn hãy tưởng tượng nhé: Trong một buổi duyệt kịch bản, mặc cho anh tác giả nói đến khô họng để thuyết phục những người ngồi nghe thì, ông trưởng đoàn gật gù thầm nghĩ vở này có vai của mình đây, còn ông phó giám đốc ở tỉnh thì trộm nghĩ, cô bồ của mình chắc sẽ có vai diễn hay ở vở này, bà phó đoàn thì lại tính, vở này ít vai, mà đoàn thì có tới hơn 20 người, làm sao đủ công ăn việc làm cho anh em… Tôi nói hơi dài dòng như vậy để bạn thấy, con đường đi từ kịch bản đến vở diễn xa và gập ghềnh thế nào. Đấy là chưa kể đến chuyện trong đoàn nghệ thuật hay nhà hát gật đầu với kịch bản này, nhưng đạo diễn thì lắc. Tôi từng rơi vào trường hợp đó khi đã cầm tiền tạm ứng, đã xuống địa phương tới vài lần, kịch bản cũng sửa mấy bận… Nhưng đạo diễn không "ok" thì hợp đồng cũng đành phải chấm dứt. Hay chuyện thật là đã có những "đầu nậu" mà những cái tên rất đảm bảo cho "chất lượng" kịch bản, mặc cho nó hay hay dở, có hay không có giải thưởng…

* Và thực tế, không ít công chúng và người trong nghề nói rằng, sân khấu không thể có khán giả khi thiếu những kịch bản hay?

- Những kịch tác gia nổi tiếng thế giới như Shakespeare, hay Schiller, khi kịch của họ dựng ở Việt Nam cũng không có khán giả. Vì thế, sân khấu không có khán giả không thể đổ lỗi tại… kịch bản. Đã qua rồi cái thời hoàng kim của sân khấu khi người ta xếp hàng mua vé vào xem kịch. Văn hóa đọc cũng thế. Ngày trước, để mua được tiểu thuyết Đỏ và Đen phải đăng ký, rồi chờ phân phối. Bây giờ sách dịch nhan nhản, nếu không tiếp thị một tí, "câu khách" một tí thì đố bán được. Thế nên, tôi cho rằng, chính những người làm sân khấu cần thức thời hơn nữa. Chứ đừng ngồi đó chờ những kịch bản hay hay những "ngôi sao" xuất hiện.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam 2009

* Giải A cho vở diễn: Mỹ nhân và anh hùng (Nhà hát kịch VN), Nỏ thần, Mẹ và người tình (đều thuộc Công ty cổ phần sân khấu Vân Tuấn – TP.HCM), Linh khí Hoa Lư (Chèo Ninh Bình), Chiến trường không tiếng súng (Chèo Nam Định), Trọn đời trung hiếu với Thăng Long (NH Cải lương VN), Dời đô (Cải lương Đồng Nai), Trở về miền nhớ (cải lương Đồng Tháp), Một cây làm chẳng nên non ( Kịch dân ca Nghệ An), Hồn Việt (Tuồng Bình Định).

* Giải B cho kịch bản: Giai nhân và anh hùng (Chu Thơm) và Cờ chuẩn Điện Biên (Lê Quý Hiền).

* Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam còn trao 22 giải B cho nội dung vở diễn, 3 giải C, 6 giải khuyến khích cho nội dung kịch bản, và 4 công trình nghiên cứu sân khấu cũng được trao giải trong nội dung Lý luận phê bình.


Thu Hằng (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm