Về quê 'ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ' nhân 100 năm sinh Xuân Diệu

01/02/2016 12:40 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) -  Trong cái rét "ngọt" của những ngày đầu Xuân, chúng tôi về thăm làng Trảo Nha (nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) - quê hương của “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu.

Nhà thơ Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu (2/2/1916-18/12/1985). Được coi là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, ông đã để lại cho thi đàn văn học Việt Nam một gia tài nghệ thuật to lớn mà nhà thơ Huy Cận khi viết về Xuân Diệu đã từng thốt lên rằng: “Hơn năm mươi tác phẩm, nửa thế kỷ sáng tạo, cả một cuộc đời phong phú, sống sôi nổi, chân thành, thủy chung rất mực với đời”.

Nhà thơ Xuân Diệu

Để có được một Xuân Diệu phong phú, sôi nổi, chân thành và thủy chung rất mực với đời ấy, có lẽ bởi con người Xuân Diệu là sự pha trộn những tính cách tuyệt vời của con người nơi quê cha - Hà Tĩnh và quê mẹ - Bình Định, “Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong/ Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ / Vượt đèo Ngang, kiếm nơi cần chữ/ Cha đàng ngoài - mẹ ở đàng trong/Hai phía đèo Ngang: một mối tơ hồng”.

Can Lộc - quê cha Xuân Diệu từ xưa đến nay luôn được biết đến như một dấu son đỏ thắm trong lịch sử văn hiến của vùng địa linh nhân kiệt Hà Tĩnh. Nơi đây đã nuôi dưỡng biết bao hiền tài cho đất nước từ lãnh đạo cho đến thi nhân, nhà khoa học, nhà văn hóa như: Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Oánh, Thám hoa Phan Kính...

Niềm tự hào này cũng đã được Xuân Diệu nhắc đến trong thơ của mình “Quê cha Hà Tĩnh đất hẹp khô rang/Đói bao thuở, cơm chia phần từng bát”. Chính bởi sự nghèo khó ấy nên con người nơi đây luôn cần cù, chịu khó vươn lên trong học hành, thi cử. Hình ảnh những ông đồ Nghệ với chiếc chõng tre và con cá gỗ đã trở thành “thương hiệu” của những cô cậu học trò bao đời nay.

 Về thăm Trảo Nha hôm nay, nổi bật giữa Ngã ba trung tâm của thị trấn Nghèn là Nhà văn hóa khang trang của huyện Can Lộc mang tên nhà thơ Xuân Diệu - địa chỉ sinh hoạt, học tập và giao lưu văn hóa của nhân dân trong huyện. Từ Ngã ba Nghèn, rẽ theo hướng Tây chừng 1 km là đến Khu lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu.

Nổi bật giữa cánh đồng lúa Xuân là nhà thờ dòng họ Ngô Trảo Nha và nhà thờ Xuân Diệu. Năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Khu lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là sự ghi nhận của tỉnh Hà Tĩnh đối với người con ưu tú của quê hương và còn là địa chỉ để những người yêu thơ, nhất là thơ tình lãng mạn giao lưu, học hỏi và khơi nguồn cảm hứng.

Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu. Ảnh hatinh24h.com.vn

Ông Võ Hồng Hải, Bí thư Huyện ủy Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết: Hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu, huyện Can Lộc phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh đã thống nhất kế hoạch tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ với chuỗi chương trình bao gồm hội thảo khoa học, lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật, đồng thời phát hành ấn phẩm tuyên truyền về nhà thơ Xuân Diệu. Huyện Can Lộc và con cháu dòng họ Ngô Trảo Nha cũng đã tiến hành tôn tạo, trùng tu Khu lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu để đón du khách, bạn yêu thơ trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tưởng nhớ thi nhân.

Cùng đọc lại bài thơ "Cha đàng ngoài, Mẹ đàng trong" của Xuân Diệu:

Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong

Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ

Vượt đèo Ngang, kiếm nơi cần chữ.

Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong

Hai phía đèo Ngang: một mối tơ hồng.


Quê cha Hà Tĩnh đất hẹp khô rang,

Đói bao thuở, cơm chia phần từng bát.

Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát.

Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm.


Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong.

Ông đồ nho lấy cô làm nước mắm.


Làng xóm cười giọng ông đồ trọ trẹ,

Nhưng quý ông đồ văn vẻ giỏi giang.

Bà ngoại nói: tôi trọng người chữ nghĩa,

Dám gả con cho cách tỉnh, xa đàng.


Tiếng đàng trong, tiếng đàng ngoài quấn quít

Vào giữa mái tranh, giường chõng, cột nhà.

Rứa, mô, chừ? cha hỏi điều muốn biết.

Ngạc nhiên gì, mẹ thốt: úi chui cha!


Con trong võng êm lành kêu kẽo kẹt

Ru tuổi thơ theo hai điệu bổng trầm.

Mẹ thảnh thót: Qua nhớ thương em bậu;

Cha hát dặm bài Phụ tử tình thâm


Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong.

Muốn ăn nhút, thì về quê với bố.

Muốn ăn quýt, ăn hồng, theo cha mày mà về ngoài đó,

Muốn uống nước dừa, ăn xoài chín đỏ,

Muốn ăn bánh tét, bánh Tổ,

Thì theo tao, ở mãi trong nàỵ

***

Đội ơn Thầy, đội ơn Má sinh con.

Cảm ơn Thầy vượt đèo Ngang bất kể!

Cảm ơn Má biết yêu người xứ Nghệ:

Nên máu con chung hòa cả hai miền.

Hoàng Ngà (TTXVN)

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm