Về cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ": Nên lắng nghe giới trẻ

26/10/2011 10:24 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - LTS: Cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ do họa sĩ Thành Phong sưu tầm và vẽ tranh minh họa, được Công ty Nhã Nam & NXB Mỹ Thuật ấn hành đã gây ra phản ứng nhiều chiều trong công luận suốt tuần qua và gần đây nhất, NXB Mỹ thuật đã có quyết định thu hồi cuốn sách này.

Để rộng đường dư luận về vấn đề này, TT&VH giới thiệu bài viết của PGS-TS Phạm Văn Tình, ông đang công tác tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.

Thoạt tiên mới nghe tên sách Sát thủ đầu mưng mủ có lẽ nhiều người thấy “ghê ghê”, bởi sự kết hợp lạ thường của nó: “sát thủ” đã khiếp rồi vậy mà còn “đầu mưng mủ” nữa mới sợ chứ! Nhưng được giới thiệu đây là cuốn “thành ngữ sành điệu bằng tranh” nên tôi đã cố gắng đọc ngay. Cũng không mất nhiều thời gian vì cuốn sách tuy khá dày nhưng chỉ tập hợp chưa tới 120 thành ngữ - tục ngữ hiện đại. Và cũng bởi mỗi thành ngữ đưa ra lại được minh họa bằng một bức tranh hết sức ngộ nghĩnh, sống động. Chính các bức tranh đã tăng thêm giá trị của sách. Thực ra, các sách giới thiệu thành ngữ - tục ngữ bằng tranh trên thế giới không phải là hiếm. Tuy nhiên, có thể nói đây là một cuốn sách đặc biệt.

Nó đặc biệt trước hết là ở sự mới lạ. Những câu nói mang sắc thái quán ngữ, thành ngữ, tục ngữ của “thế hệ A còng” (mà tác giả gọi là 15+) lần đầu tiên được thu thập một cách khá hệ thống. Cấu trúc so sánh là một trong những mô hình quen thuộc của thành ngữ tiếng Việt. Nhưng tôi hết sức ngạc nhiên khi đọc một loạt câu tự sáng tác (hoặc tự cải biên) của các bạn trẻ: chảnh như con cá cảnh; bực như con mực; buồn như con chuồn chuồn; già như quả cà; dốt như con tốt; nhiều như quân Nguyên; tào lao bí đao; lạnh lùng như thạch sùng... Kiểu cấu tạo dựa trên cách nói vui đùa, tếu táo của giới trẻ trong những lúc trêu chọc, bỡn cợt vô tình “rơi” vào kho tàng thành ngữ tiếng Việt bởi tính logic và sự liên tưởng ngộ nghĩnh của thế hệ được coi là “trẻ người non dạ”.

Chú cá cảnh kia được gán với phẩm chất “chảnh” (có lẽ vì ngoại hình diêm dúa, sặc sỡ và lối bơi “điệu đà” của chú). Bí đao được “ăn theo” tào lao (bởi từ “bí đao” khó giải thích lý do). Và “dốt như con tốt” thì có hẳn một “luận cứ” đấy chứ? Con tốt là quân tồi nhất trong bàn cờ hay trong cỗ bài tam cúc. Người ta thường nói “cờ bí thí tốt”, cũng bởi con tốt xoàng và con tốt “dốt”.

Một vài thành ngữ theo cấu trúc khác, như đâu có đó, thịt chó có mắm tôm; sành điệu chơi hàng hiệu; chuẩn không cần chỉnh; bó tay chấm com; tinh tướng ăn khoai nướng... cũng có thể được coi là một số “phát hiện” nho nhỏ và đem lại những sắc thái nghĩa nhất định.

Một điểm lưu ý nữa, và đây mới là điều tôi thấy thú vị, là mảng tục ngữ được sưu tầm ở đây. Tục ngữ là những tri thức đúc rút kinh nghiệm, những bài học sống của dân gian. Dân gian giới trẻ hôm nay cũng chẳng phải tay vừa, họ có cách nhìn nhận và đánh giá cuộc sống của họ: ăn trong nồi, ngồi trong xó; trăm lời anh nói không bằng làn khói A còng; xấu nhưng biết phấn đấu; thất bại vì ngại thành công; nhan sắc có hạn, thủ đoạn vô biên; một con ngựa đau, cả tàu ăn thêm cỏ; chết vì tình là cái chết bất thình lình; Sáng soi, trưa đánh, chiều chờ/Cầm tờ kết quả cứ đờ người ra v.v...

Những câu biến tấu tục ngữ cũ đồng thời cũng ít nhiều phản ánh một biến thể ngữ nghĩa khác, có vẻ lệch pha nhưng là điều mà chúng ta (đặc biệt là người lớn) đáng ngẫm nghĩ.

Có người phê phán câu “Một con ngựa đau cả tàu ăn thêm cỏ” là thiếu tính nhân văn. Đúng là có chuyện một con ngựa đau, cả tàu (máng) cỏ đều bỏ vì các con khác xót thương, chia sẻ. Nhưng cũng không thiếu những “con ngựa” thiếu tình nghĩa, coi chuyện đồng loại bị đau là cơ hội có lợi cho mình (cỏ ngựa bạn bỏ không ăn thì ta được “chén” thêm).

“Một điều nhịn là chín điều nhục” là một cách nhận thức về chữ “nhẫn”. Bởi “nhẫn nại” là một biểu hiện tích cực của chữ “nhẫn”. Nhưng không khéo thì cái nhẫn tiêu cực “cúi đầu, ngậm miệng ăn tiền” lại là sự nhẫn nhục đáng chê trách. “Đời rất dở, nhưng vẫn phải niềm nở” là một tình trạng thật xót xa. Bởi biết là dở, là không bằng lòng mà người ta vẫn phải nở nụ cười: Vui là vui gượng kẻo là...

Tất nhiên, cuốn sách còn khá nhiều điều cần bàn. Đó là việc thu thập quá rộng mà không đưa ra một tiêu chí rõ ràng. Nhiều câu chỉ là một lối nói thuận miệng, không có nghĩa hoặc thậm chí vô nghĩa: thoải con gà mái đi; dã man con ngan; tinh vi sờ ti con lợn; đau sờ cau; gào thét trong toa lét; thanh kiu vina miu... Có không ít những câu tếu táo, chẳng hạn: một khi đã máu thì đừng hỏi bố cháu là ai; không mày đố thầy dạy ai; đú kiểu rừng rú... Nói như vậy sẽ không đẹp, nhất lại là khi tác giả lại xếp nó vào kho tàng thành ngữ (một di sản folklore).

Sát thủ đầu mưng mủ chắc sẽ còn gây một hiệu ứng nhiều chiều. Tôi nghĩ đó cũng là chuyện bình thường trong việc tiếp nhận văn hóa đọc. Sự ra đời của cuốn sách là một nỗ lực đáng ghi nhận. Bởi cho đến nay, đã có ai mạnh dạn thực hiện công việc thu thập các lối nói được coi là “không chính thức” này đâu?

Giới trẻ nhiều tham vọng, nhiều cách thể hiện mình. Họ có những sáng tạo, phá cách, trong đó có lời ăn tiếng nói. Sự bồng bột là có. Nhưng sự nghiêm túc không phải là không. Tôi nghĩ chúng ta cần phải lắng nghe tiếng nói của họ, có thế chúng ta mới có thể cùng nhau hướng tới một tiếng nói chung của ngôn ngữ toàn dân.

PGS - TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm