Về “cánh đồng lúa đầu tiên” của Việt Nam

03/04/2009 15:23 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trong những ngày này, muôn ngàn con dân đất Việt nô nức trẩy hội về Đền Hùng. Thắp nén hương kính lễ trên núi Nghĩa Lĩnh, mọi người lại có dịp tỏa đi đến các điểm di tích, danh thắng về xung quanh. Một trong những điểm đến giàu ý nghĩa, ngay tại TP.Việt Trì là Đồng Lú – có thể gọi là cánh đồng lúa đầu tiên của nước ta, nơi Vua Hùng dạy dân cấy lúa, nơi đó cũng có Đàn Thần Nông cổ xưa nhất.

Cánh đồng nơi vua Hùng dạy dân cấy lúa

Bất kỳ ở thời đại nào, nhu cầu lương thực vẫn là quan trọng nhất trong mọi nhu cầu của cuộc sống con người. Do điều kiện địa lý và khí hậu thuỷ văn khác nhau, nên các cư dân trên thế giới đã lựa chọn lấy cây lương thực chính khác nhau như: lúa, ngô, mì, mạch, sắn, khoai... Lại có cư dân bữa ăn chủ đạo là thịt hoặc cá.

Ở nước ta cách nay 4500 năm các vua Hùng đã chọn cây lúa làm cây lương thực chính, lấy xứ Đồng Lú rộng 50 mẫu làm nơi dạy dân cách trồng trọt (Nay thuộc xã Minh Nông TP. Việt Trì). Đồng Lú xưa thuộc Kẻ Lú hay làng Lý, thời Lê đặt tên chữ là Minh Nông, ngày nay là xã Minh Nông, TP.Việt Trì.
 
Vua Hùng dạy dân cấy lúa (Lễ hội Đồng Lú, 1993)

Du khách đến đây vẫn thấy Đồng Lú là khu ruộng chiêm trũng rộng 50 mẫu, mới đây nhờ hệ thống tưới tiêu nhân tạo, toàn bộ Đồng Lú cải tạo thành ruộng hai vụ chiêm, mùa. Năm 1909, thực dân Pháp làm đường QL 2 xuyên qua Đồng Lú cắt rời độ 10 mẫu về phía sông Hồng. Nay thành phố quy hoạch cho làm nhà lập phố ở ven đường trên diện tích 10 mẫu dó. Diện tích Đồng Lú còn lại độ 35 mẫu, về phía trong có Đàn Thần Nông.

Cây lúa tự nhiên vốn mọc ở nhiều nơi thuộc khu vực Đông Nam Á. Cách đây một vạn năm người nguyên thuỷ đã biết thu hoạch lúa Trời làm lương ăn, còn để trấu ở di chỉ hang Xóm Trại thuộc văn hoá Hoà Bình. Giả thiết cho rằng người nguyên thuỷ cũng đã trồng lúa theo cách gieo hạt ra các bãi đất đốt sạch cỏ cây hoặc bãi phù sa ven sông suối. Đấy là cách trồng lúa cạn giản đơn.

Còn quy trình phức tạp đưa cây lúa xuống đồng nước thực sự chỉ diễn ra dưới thời Hùng Vương, khởi đầu từ Lạc Long Quân và Âu Cơ theo truyền thuyết. (Về mặt khảo cổ học, chúng ta phát hiện hạt lúa có mặt ở các tầng văn hoá thuộc giai đoạn Phùng Nguyên cách nay 4500 năm, tương đối khớp với truyền thuyết). Quy trình đó chia đời sống cây lúa làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, gieo hạt giống trên cạn cho mọc thành cây mạ dài vài gang tay. Giai đoạn 2, nhổ cây mạ đem cấy xuống ruộng nước cho đẻ nhánh phát triển thành khóm lúa.

Ruộng nước ở đây là ruộng chiêm. Ở Phú Thọ, loại ruộng này có đặc điểm là quanh năm ngâm nước, bùn sâu, suông cỏ, và gắn liền với chế độ thuỷ văn của các con sông Hồng – Lô - Đà. Từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch nó ngập chìm trong các cơn lũ lụt triền miên. Sang tháng 8 trở đi là mùa khô nước sông cạn tới lòng, nước trong đồng cũng trút ra theo, để lại phù sa và tôm cá. Sau khi thu hoạch vãn cá tôm, tháng một tháng chạp người nông dân dùng bừa hoặc trang cào làm sục bùn, cán phẳng mà cấy. Bởi vậy trong các di chỉ thời Hùng Vương chưa tìm thấy nông cụ vỡ đất tương xứng với công việc sản xuất (...) Các chứng khoa học cho thấy, thời Hùng Vương tổ tiên ta chỉ làm ruộng chiêm với nông cụ thô sơ bằng tre gỗ.

Vua Hùng lại tìm ra mối liên hệ giữa các hiện tượng trăng sao với cây lúa chiêm, rút ra kinh nghiệm rằng: trăng rằm tháng 8 mà tỏ, chùm sao Thần Nông hình người ở phía tây nam bầu trời mà rõ ràng, thì chắc vụ lúa đó được mùa, ngược lại là mất mùa. Bởi vậy Ngài lập đàn cầu Thần Nông ở bờ Đồng Lú, mở ra tín ngưỡng Thần Nông. Thế rồi dân Lạc Việt suy tôn dòng vua làm ruộng là con cháu Thần Nông.

Ruộng đưa lại nguồn lương thực dồi dào ổn định hơn so với trồng trọt các cây lương thực khác. Hạt gạo bổ dưỡng, ăn ngon không chán, ngoài cơm xôi ra còn chế được nhiều thứ bánh khác, làm cho đời sống cư dân sung túc. Cơm no áo ấm là cơ sở để phát triển các nghề thủ công như: gốm, đá, đồng, mây tre, mộc... Đồng thời đời sống tinh thần cũng được nâng cao: nhiều phong tục tập quán tín ngưỡng, tết nhất hội hè diễn ra quanh năm. Vì vậy kỹ thuật làm ruộng Lạc có sức hấp dẫn rất mạnh mẽ. Từ Đồng Lú lan toả ra khắp 15 bộ lạc thời bấy giờ, tương đương Bắc bộ và Trung bộ ngày nay. Ngoài ra còn lan rộng đến các bộ lạc người Việt tộc cư trú ở vùng Quảng Đông Quảng Tây Trung Quốc nữa.

Đàn Thần Nông đầu tiên

Đàn Thần Nông Đồng Lú do Vua Hùng lập nên hiện vẫn còn, hướng Đông Bắc – Tây Nam. Có điều đàn thời Hùng Vương đắp bằng đất mỗi bề 6 thước ta (2,4m), thời phong kiến dùng đá ong xây thành bệ với kích thước trên. Cách đây gần 20 năm, xã Minh Nông xây bệ bằng xi măng và xây tường bao bề dài 10m bề ngang 8m. Theo truyền thuyết, cây đa bên cạnh đàn vua ngồi ăn cơm trưa bị đổ từ lâu, nay trồng lại còn nhỏ.
 
Đàn Thần Nông

Xưa kia Lễ hội xuống đồng Đàn Thần Nông Đồng Lú là tiêu biểu nhất so với mọi nơi, vụ chiêm cầu vào ngày mồng 1 tháng một (tức tháng 11 âm lịch), vụ mùa cầu vào ngày mồng 1 tháng sáu. Nghi thức chia làm 2 phần: Phần thứ nhất là tế Thần Nông. Phần thứ hai là làm hèm vua Hùng dạy dân cấy lúa. Ông chủ tế để nguyên áo mũ bước ra khỏi đàn đi xuống thửa ruộng đã bừa kỹ và đặt sẵn 4 con mạ. Ông được giương lọng che, và phường bát âm tấu nhạc theo. Ông sắn áo quần lội xuống ruộng cấy hết 1 con mạ rồi lên bờ. Dân làng vội chạy về thửa ruộng của mình cấy vài con mạ lấy khước. Kể từ giờ phút ấy bắt đầu vụ cấy, trước đó tuyệt nhiên không gia đình nào được cấy.

Có thể xếp Đồng Lú vào loại hàng đầu trong hệ thống di tích của nước ta. Bởi rằng tại đây ghi nhận công lao to lớn của các vua Hùng, đã đặt nền móng cho nền nông nghiệp cấy lúa nước của dân tộc ta trường tồn suốt chiều dài lịch sử 4000 năm. Và chắc chắn con người còn ăn cơm gạo, thì vẫn phải canh tác theo phương pháp của các vua Hùng truyền lại.
 
Vũ Kim Biên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm